Những bí mật bị che đậy trong công nghệ (phần 2)
Thiết bị cấy ghép trong cơ thể cũng có thể bị hack, phần mềm diệt virus không thực sự an toàn, Google biết quá nhiều thông tin về người dùng... là những bí mật các hãng công nghệ muốn che giấu.
Thiết bị cấy ghép trong cơ thể cũng có thể bị hack
Các nhà nghiên cứu của trường đại học Washington (Mỹ) đã có lần chứng minh rằng các thiết bị hỗ trợ y tế cấy ghép trong cơ thể người, sử dụng công nghệ giao tiếp không dây để theo dõi và điều chỉnh các thiết lập, không hề an toàn như mọi người vẫn tưởng.
Trong môi trường phòng thí nghiệm, các nhà khoa học thuộc trường đại học Washington, đại học Massachusetts Amherst và trường đại học y Harvard đã thành công trong việc chiếm quyền điều khiển của một chiếc máy điều hòa nhịp tim đồng thời có thể đọc được toàn bộ những thông tin bệnh án nhạy cảm lưu trữ trên đó cũng như có thể thay đổi số liệu nếu họ muốn.
Tadayoshi Kohno, phó giáo sư của trường ĐH Washington, đồng tác giả của công trình nghiên cứu trên còn cho biết, thủ thuật tương tự có thể được áp dụng đối với các thiết bị y tế có sử dụng công nghệ giao tiếp không dây khác như máy pha chế thuốc, máy kích thích thần kinh… “Hiện nay, các thiết bị này vẫn chưa đến mức quá phức tạp nhưng trong tương lai nó sẽ gần như một chiếc máy tính và công trình nghiên cứu này của chúng tôi muốn cảnh báo mọi người về sự rủi ro khi sử dụng các thiết bị dạng này”, giáo sư Kohno nói.
Google biết quá nhiều về bạn
Google biết gì về bạn? Điều đó còn tùy thuộc bạn lệ thuộc như thế nào vào các dịch vụ miễn phí của hãng này. Nhưng có điều chắc chắn, Google thường lưu lại các trang web bạn truy cập, các từ khóa bạn tìm kiếm, các bản đồ bạn xem, các địa chỉ (contact) và lịch bạn lập, các email, nội dung chat, các cuộc gọi trên Google Voice, các video trên Youtube, ảnh trên Picasa, các tài liệu bạn lưu trên mạng, các blog, các tài khoản quảng cáo, cập nhật trạng thái trên Google Buzz và thông tin địa điểm trên dịch vụ Google Latitude. Nói tóm lại là bạn càng lệ thuộc vào những dịch vụ miễn phí của Google, số lượng thông tin cá nhân của bạn bị hãng “sở hữu” càng lớn.
Nếu các cơ quan chính phủ gõ cửa, khả năng Google “phun” ra các thông tin họ biết về bạn là rất lớn. Để tránh lộ những thông tin cá nhân trên các dịch vụ của Google, bạn có thể sử dụng công cụ của chính hãng này là Google Dashboard để quản lý các tài khoản dịch vụ của Google và thiết lập chế độ bảo mật thông tin cá nhân trên các tài khoản dịch vụ đó. Ngoài ra, với dịch vụ Gmail, bạn nên đặt mật khẩu khó đoán và đổi mật khẩu hàng tháng hoặc vài tháng một lần.
Phần mềm diệt virus không đủ sức bảo vệ
Các chương trình bảo mật thực sự chưa đủ khả năng bảo vệ bạn khỏi các mối đe dọa trên mạng. “Phần mềm diệt virus chỉ tóm được những quả ở dưới thấp”, Mark Kadritch, giám đốc hãng bảo mật Security Consortium, tác giả của cuốn sách bảo mật bán chạy “Endpoint Security” (Bảo mật đầu cuối) nói. Theo Mark Kadritch, số lượng các lỗ hổng zero-day ngày càng lớn. Chỉ cần vài nhà cung cấp chưa kịp vá các lỗ hổng trong sản phẩm của họ trong vài tháng hoặc thậm chí vài năm, có nghĩa là ngay cả những phần mềm chống mã độc cập nhật nhất cũng vẫn đi sau hacker.
Bạn không nên làm gì mà không có phần mềm bảo mật nhưng để tự bảo vệ mình một cách hiệu quả, bạn cần thực hiện thêm một bước như lưu dữ liệu vào ổ đĩa mã hóa và cài đặt phần mềm như Vmware cho phép bạn tạo các máy ảo và xóa đi khi chúng bị nhiễm mã độc.
Máy tính có thể giết chết bạn
Mặc dù các nhà sản xuất máy tính đã tiến bộ rất nhiều trong việc giảm hàm lượng chất độc hại trong linh kiện máy tính nhưng vẫn còn đó vô số độc chất đang tồn tại dù là với hàm lượng rất nhỏ. Đáng chú ý nhất là các linh kiện máy tính ngày nay vẫn chứa các hợp chất brom (brominated flame retardants - BFR) có tác dụng tăng khả năng chịu nhiệt và chống cháy nhưng đồng thời chúng cũng bị coi là thủ phạm làm giảm chỉ số IQ của trẻ em và triệt tiêu dần khả năng sinh sản.
“Các hợp chất BFR được sử dụng trong các bảng mạch có thể chuyển hóa thành những hợp chất có tính ô xi hóa cao như Dioxin Brominate”, Arlene Blum, Giám đốc Viện nghiên cứu về chính sách khoa học xanh đồng thời là giáo sư ngành hóa học của trường đại học UC Berkeley (Mỹ) nói, “Chúng có thể phát tán ra không khí, trở thành những hạt bụi tự do trong phòng và xâm nhập vào cơ thể theo con đường ăn uống”.
Gần đây, các hãng sản xuất máy tính lớn trên thế giới như Apple, Dell và HP đã cam kết loại bỏ hoàn toàn BFR ra khỏi sản phẩm của mình nhưng với những thiết bị được sản xuất trước năm 2009, đặc biệt là những thiết bị có khả năng sinh nhiệt cao như laptop, máy in laser… vẫn còn chứa BFR.
Còn tiếp...
Theo ICTNews