Đường truyền Internet dần rời xa nước Mĩ
Kỷ nguyên Internet Mỹ dường như đang kết thúc khi dòng lưu chuyển dữ liệu không còn phải đi qua trung gian Mĩ.
Minh họa lưu lượng đường truyền dữ liệu
Được phát minh bởi các nhà khoa học Mĩ vào những năm 1970, Internet đã nhanh chóng được phổ biến trên toàn thế giới với tốc độ chóng mặt. Trong suốt 3 thập kỷ đầu của mình, hầu hết các dòng lưu chuyển dữ liệu Internet đều diễn ra trong nội bộ nước Mĩ, thậm chí trong nhiều trường hợp, dữ liệu được gửi đi giữa 2 điểm trong một quốc gia còn phải đi qua trung gian là nước Mĩ.
Theo báo New York Times, các kỹ sư, những người điều hành sự hoạt động của Internet đã nói rằng, sẽ là phi thực tế nếu nước Mĩ muốn giữ địa vị chủ đạo của mình trong giai đoạn lâu dài, bởi vì bản chất tự nhiên của Internet là nó không có và không thể được điều khiển từ một điểm trung tâm nào cả. Ngày nay, cán cân quyền lực cũng đã có nhiều thay đổi, và như một hệ quả tất yếu, ngày càng nhiều dữ liệu được chuyển qua các con đường bên ngoài nướcMĩ, nơi mà cơ quan tình báo quân sự được coi là hoạt động rất hiệu quả.
Các văn phòng hoạt động tình báo của Mĩ đã không ít lần được cảnh báo về sự thay đổi này.
Michael V. Hayden, Giám đốc Cơ quan tình báo Liên bang Mĩ (CIA) đã từng tuyên bố trước Hội đồng tư pháp của Thượng viện Mĩ: “Bởi vì tính chất đặc trưng của viễn thông toàn cầu, chúng ta đang có lợi thế sân nhà rất lớn, và thế mạnh này cần phải được khai thác triệt để. Chúng ta cần phải bảo toàn lợi thế đó, và bảo vệ những người đã tạo nên thế mạnh cho nước Mĩ”.
Thực ra, các chuyên gia bảo mật Internet và các viên chức chính phủ đã công nhận rằng các dòng dữ liệu lưu chuyển qua các thiết bị chuyển đổi của các công ty đặt tại Mĩ đã chứng minh bị lợi dụng triệt để bởi các cơ quan tình báo Mĩ. Vào tháng 12 năm 2005, báo New York Times đưa tin, Cơ quan An ninh quốc gia đã thiết lập một chương trình với sự hợp tác của các công ty viễn thông của Mĩ trong đó có quy định về sự can thiệp đối với các liên lạc với nước ngoài qua mạng Internet.
Một số chuyên gia Internet và những người ủng hộ dân chủ đã nói rằng những hành động kể trên cùng với các chính sách của chính phủ sẽ góp phần đẩy mạnh quá trình thay đổi và chuyển các đường truyền Internet của Canada và châu Âu ra bên ngoài nước Mĩ.
“Kể từ khi Đạo luật chống khủng bố được thông qua, rất nhiều các công ty có trụ sở bên ngoài nước Mĩ đã từ chối lưu trữ thông tin khách hàng ở nước này”, Marc Rotenberg, Giám đốc điều hành của Trung tâm thông tin cá nhân điện tử tại Washington (Mĩ) nói. “Có một mối quan tâm ngày càng lớn rằng các cơ quan tình báo Hoa kỳ đang tiến hành những hoạt động thu thập thông tin và không cần quan tâm đến các thủ tục pháp lý. Và đặc biệt nhạy cảm đối với các thông tin tài chính cũng như thông tin liên lạc và các đường truyền Internet đi qua các trạm trung chuyển dữ liệu đặt tại Mĩ”.
Nhưng lí do kinh tế cũng đóng một vai trò quan trọng. Tất cả các quốc gia đều coi tầm quan trọng của mạng dữ liệu chẳng kém gì phát triển kinh tế. K. C. Claffy, nhà nghiên cứu thuộc trung tâm Hợp tác phân tích dữ liệu Internet cho biết: “Không có sự khác biệt nào giữa hạ tầng mạng thông tin với các hạng mục hạ tầng khác mà một quốc gia cần xây dựng. Chắc chắn bạn không hề muốn một ai đó sở hữu con đường của chính mình.”
Trên thực tế, nhiều quốc gia đã nhận thức được sự liên hệ giữa mức độ phụ thuộc vào đường truyền Internet của các quốc gia khác và khả năng bị tổn thương của mình. Nhưng bởi vì chính sách thuế quan, sự chênh lệch và giá cả, cùng với văn hóa doanh nghiệp mà nhiều công ty cung cấp dịch vụ Internet không muốn trao đổi dữ liệu với các đối thủ cùng quốc gia với mình. Thay vào đó, họ thích gửi và nhận đường truyền từ các nhà cung cấp dịch vụ Internet tầm cỡ quốc tế.
Điều đó dẫn tới sự mâu thuẫn trong việc sắp xếp mạng lưới đường truyền, được ví tương tự như đường nối liền 2 thành phố của một quốc gia lại phải đi qua một quốc gia khác. Vào tháng Giêng vừa qua, khi cáp qua Địa Trung Hải bị cắt, đường truyền Internet của Ai Cập gần như bị tê liệt hoàn toàn bởi vì nó không được chia sẻ bởi các nhà cung cấp dịch vụ Internet trong nước (ISP) mà đường truyền được kết nối thông qua các nhà cung cấp ở châu Âu.
Những hệ lụy của vấn đề này một lần nữa được nhìn nhận một cách nghiêm túc vào tháng trước, khi tin tặc đã tấn công và làm tê liệt một số website của chính phủ Gruzia trong thời gian xảy ra xung đột giữa nước này với Nga. Hầu hết các kết nối giữa Gruzia với mạng Internet toàn cầu đều thông qua các trạm trung gian đặt tại Nga hoặc Thổ Nhỹ Kỳ, một đường kết nối thứ ba thông qua cáp quang biển nối liền Gruzia và Bulgari đang được xây dựng và có kế hoạch hoàn thành vào tháng 9 này.
Claffy cũng nói rằng, sự chuyển hướng ra khỏi nước Mĩ không chỉ giới hạn trong các nước đang phát triển. Người Nhật cũng đang “ráo riết xây dựng các tuyến đường truyền qua Ấn Độ và Trung Quốc, để họ có các phương án dự phòng và không phải phụ thuộc quá nhiều vào Mĩ”.
Andrew M. Odlyzko, giáo sư tại Đại học Minnesota, người đã có quá trình theo dõi sự phát triển của Internet toàn cầu, cho biết thêm: “chúng ta khám phá ra Internet, nhưng chúng ta không thể giữ những bí mật về nó cho riêng mình”. Và cũng theo dự đoán của ông, trong khi ở thời điểm một thập kỷ trước, nướcMĩ chiếm tới 70% lưu lượng đường truyền Internet thì đến nay tỷ lệ này chỉ còn khoảng 25%.
Các nhà phát triển công nghệ Internet thì lại cho rằng mạng dữ liệu toàn cầu một thời từng mang lại lợi thế cạnh tranh cho nước Mĩ thì ngày nay đang phát triển nhanh với xu thế nằm ngoài tầm kiểm soát của các công ty Mĩ. Khi mà các công ty này quyết định không tiếp tục đầu tư vào các đường truyền cáp quang giá với chi phí thấp, một lĩnh vực mà gần đây tưởng chừng như đã mau chóng trở thành một ngành kinh doanh hàng hóa tiêu dùng thông thường.
Sự thiếu đầu tư phản ánh một mô hình đã diễn ra đâu đó trong ngành công nghiệp công nghệ cao, từ các vật liệu bán dẫn cho đến máy tính cá nhân. Và nguy cơ, theo các nhà phát triển công nghệ Internet, chính là sự nhanh nhạy của các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ trong việc đầu tư những khoản khá lớn cho công nghệ Internet kế tiếp, nhân tố quan trọng để xác định tương lai của mạng máy tính, với sự đầu tư, phát triển và các khoản lợi nhuận sẽ chảy vào các công ty bên ngoài nước Mĩ trước tiên.
(theo Thongtincongnghe)