Lắp ráp PC tự chọn: Coi chừng 'dính chưởng'
Như nhiều bạn sinh viên thích “vọc” máy tính, khi được gia đình cho phép mua một bộ máy “khủng” phục vụ cho việc làm đồ án tốt nghiệp, Châu Tuấn, sinh viên năm cuối trường ĐH Kiến Trúc TP.HCM, đã cùng Thanh Tùng, một bạn cùng lớp khá rành về máy tính, cùng đi mua linh kiện về tự ráp máy. Song, chẳng biết giảm giá được bao nhiêu so với mua máy nguyên bộ, những vấn đề phát sinh từ chiếc máy tính tự ráp đã làm Tuấn “khốn khổ” suốt mấy tháng nay…
Ráp máy tự chọn: Lợi bất cập hại. Ảnh: e-CHÍP
Nguyên nhân bắt đầu từ khâu chọn linh kiện
So với mua máy tính nguyên bộ đã được ráp sẵn, những chiếc máy tính “dựng” từ những linh kiện tự chọn theo nhu cầu của người dùng có thể giảm được từ 2 – 3% giá thành, nên không ít người dùng khi mua máy tính thường ra cửa hàng chọn mua từng thứ linh kiện cùng với sự tư vấn của nhân viên bán hàng. Nếu tất cả linh kiện đều được mua tại cùng một cửa hàng, khách hàng sẽ nhận được dịch vụ miễn phí lắp ráp thành nguyên chiếc. Phần mềm cũng được “ghost” sẵn, về nhà cứ thế mà xài. Một số người có chút ít kiến thức kỹ thuật, nhất là giới sinh viên, thường đem về tự ráp để tận hưởng thú đam mê được “lên” hàng mới. Cũng vì rành “nghề” nên số này thường chọn mua từ mỗi cửa hàng một vài món cho kinh tế.
Câu chuyện dở khóc dở cười của Tuấn và Thanh Tùng cũng xuất phát từ việc mua mỗi nơi vài món như vậy. Tham khảo bảng báo giá của một số cửa hàng bán lẻ trong thành phố, hai bạn quyết định lên bộ máy với các linh kiện: Intel Core 2 Quad Q9550 2.83GHz, mainboard Asus Striker II Formula nVIDIA nForce 780i SLI, hai card đồ họa Asus EN9600GT Top/HTDI/512, ổ đĩa cứng HDD Seagate 500GB SATA2, hai thanh RAM 2GB DDR2-1066MHz, nguồn Acbel 510w. Tổng chi phí ước tính khoảng 1.000USD chưa có màn hình, ổ đĩa quang, bàn phím và chuột (những thứ này sẽ tạm dùng lại bộ máy cũ, khi nào có điều kiện sẽ mua sau). Riêng về nguồn, do thói quen từ trước tới giờ chỉ lắp máy cấu hình bình thường nên hai bạn không có nhiều kinh nghiệm. Bộ nguồn Acbel được chọn là do thấy cấu hình máy khá cao nên không dám dùng loại nguồn kèm theo thùng máy, chất lượng không đảm bảo. Và cũng vì chưa đánh giá được hết tầm quan trọng của bộ nguồn, nên hai bạn đã “tiết kiệm” chỉ chọn loại có giá khoảng 50USD trở lại, không biết rằng đây chính là nguyên nhân phát sinh những sự khó chịu về sau cho Tuấn.
Mua tận gốc, lắp tận… cửa hàng
Thanh Tùng vốn có kinh nghiệm ráp máy cho mình và nhiều người quen, đã tư vấn cho Tuấn nên đến từng cửa hàng mua lẻ từng món. “Sẽ rẻ được từ 20 – 30USD đấy!”, Tùng khẳng định. Đầu tiên, hai bạn đến công ty Minh Thông mua bộ ba quan trọng tạo nên sức mạnh cho bộ máy, gồm: CPU, mainboard và card đồ họa (hai cái). Theo Tùng, đây là nhà phân phối CPU của Intel và mainboard cùng card đồ họa của Asus, lại sẵn sàng bán lẻ cho người dùng cuối với giá khá “mềm”, nên sinh viên thường tìm đến đây “năn nỉ” mua lẻ với giá sỉ. Đúng là so với giá của các cửa hàng bán lẻ khác khi mua trọn bộ ba tại đây, Tuấn đã tiết kiệm được khoảng 20USD, lại còn được khuyến mại thêm một con chuột quang.
Để mua các thành phần còn lại: thùng máy, nguồn, ổ đĩa cứng và bộ nhớ RAM, Tùng dẫn Tuấn đến cửa hàng của công ty Hợp Nhất, nằm trên cùng đường Bùi Thị Xuân, Quận 1, cách không xa Minh Thông. Tùng giải thích: “Cấu hình này mạnh, 4 nhân, 2 card, lắp run tay lắm, lỡ có gì xảy ra sợ khó bảo hành. Ráp tại cửa hàng có gì trục trặc đổi luôn cũng tiện, với lại kỹ thuật viên của cửa hàng sẽ làm quen tay hơn”. Kinh nghiệm của Tùng rút ra từ một số lần mua lẻ linh kiện ở Hợp Nhất là giá ở đây “dễ chịu”, lại được “cài cắm” miễn phí.
Tại đây, hai bạn chọn một thùng máy trông “tương đối”, hai thanh RAM 2GB Kingmax, ổ đĩa cứng Seagate 500GB SATA2 và nguồn Acbel 510w E2. Thùng máy giá 26USD có kèm theo một nguồn thường 450w. Do không lấy nguồn nên cửa hàng chấp nhận thu lại với giá 4USD (trong khi giá bán lẻ là 10USD, coi như thiệt 6USD). Sau khi trả tiền, lấy hàng đưa sang bộ phận kỹ thuật để ráp máy thì hai bạn được nhân viên kỹ thuật cho biết, nguồn Acbel 510w không đủ công suất để gánh chíp 4 nhân cùng hai card màn hình. Theo nhân viên này thì tối thiểu cũng phải là nguồn 650w (công suất thực), nhưng để chắc ăn thì nên mua nguồn 700w. Tất nhiên, phải là loại tên tuổi như Acbel hay Cooler Master, công suất ghi trên bộ nguồn là công suất thực chứ không như nguồn thường, hiệu suất thực thấp hơn rất nhiều so với chỉ số được ghi trên vỏ nguồn.
Giải pháp nhanh chóng được đưa ra: một là, đổi sang một nguồn khác của Acbel hoặc Cooler Master với công suất ít nhất là 700w; hai là, máy chỉ có thể lắp một card màn hình, mà cũng chưa chắc là chạy ổn định. Ngặt nỗi lúc mua hàng ở Minh Thông, Tuấn đã được khuyến cáo hãy suy nghĩ cho kỹ vì “hàng mua rồi miễn trả lại”. Sau khi hội ý, cả hai quyết định thực hiện phương án một. Tùng sẽ cho Tuấn mượn số tiền còn thiếu để bù vào lấy nguồn mạnh hơn. Tuy nhiên, do đã hết giờ làm việc, bộ phận bán hàng về hết nên phải chờ sang ngày hôm sau mới tiếp tục được.
Hôm sau, Tuấn quyết định mua nguồn Acbel 800w, vì loại 700w không có hàng. Kết quả phải bù thêm vào 97USD. Nhưng vì là hàng cao cấp, nên cửa hàng không có sẵn mà phải tới nhà phân phối lấy. Lúc đem nguồn về, lắp vào máy, bật không có tín hiệu, cả hai vô cùng hoang mang. Nhân viên cửa hàng lại đi đổi nguồn khác. Loay hoay mãi từ đầu giờ chiều tới tối, cuối cùng “con ngựa chiến” cũng chịu chạy. Mất thêm hơn một tiếng đồng hồ nữa cho việc cài đặt hệ điều hành Windows cùng một vài ứng dụng quen thuộc cần thiết.
Máy lỗi, biết kêu ai?
Tuấn đem máy về nhà, mới đầu bật không thấy tín hiệu xuất hiện trên màn hình. Cắm tới cắm lui màn hình vẫn đen kịt. Tuấn ấm ức một đêm mất ngủ không rõ lý do từ đâu, thực sự bức xúc vì mất hai ngày mà không xong cái máy. Hôm sau đem máy ra cửa hàng, hóa ra hai card đồ họa với bốn đầu cắm (mỗi cái hai đầu), nhưng chỉ có một đầu là xuất được tín hiệu ra màn hình.
Chưa hết, sau một tuần sử dụng bình thường, Tuấn có việc phải gỡ ổ đĩa cứng ra để đi chép dữ liệu. Nhưng sau đó do thấy không cần thiết nên thôi, không đem đi nữa mà lắp lại vào máy. Kể từ đó tự nhiên máy phát sinh bệnh. Mỗi lần bật máy là phải hai lần nhấn nút Power (lần đầu không bao giờ có tín hiệu ra màn hình, phải tắt đi bật lại mới có). Thậm chí khi máy đang dùng, tắt đi, phải đợi khoảng 30 phút cho nguội bật lên lại, cũng phải hai lần, mới được.
Tuấn đem thắc mắc hỏi nhân viên kỹ thuật Hợp Nhất thì được chẩn đoán, “bệnh” như vậy không thể là do nguồn, mà cũng chẳng phải vì RAM hay ổ đĩa cứng (là những thứ Tuấn đã mua ở đây). Nhưng khi tham khảo ý kiến công ty Minh Thông thì lại được khẳng định, không thể là lỗi từ mainboard hay card đồ họa, càng không phải là lỗi của CPU. Nghĩa là những thứ Minh Thông xuất ra đều ổn.
Tuấn thử lấy bộ nguồn lắp vào cái máy cũ vẫn dùng trước đây thì thấy hoàn toàn bình thường. Thực ra thì máy này có cấu hình không cao nên chẳng thể đưa ra kết luận gì được. Không có nguồn cao cấp như cái đã mua để thử với máy mới, nên Tuấn không biết có phải tại nguồn thiếu công suất hay không.
Vậy là, cho đến giờ, sau gần nửa năm ráp máy, Tuấn vẫn phải sống chung với căn bệnh hai lần nhấn nút Power của bộ máy “khủng” của mình. Phần thùng máy, do tiết kiệm không đúng cách, chỉ chọn thùng máy phổ thông nên không đảm bảo vấn đề giải nhiệt. Tuấn phải dùng giải pháp “cởi trần”, nghĩa là tháo nắp hai bên hông cho thông thoáng, chấp nhận bụi nhanh bám vào các thành phần bên trong máy.
Tuấn kết luận, chạy ngược chạy xuôi tiết kiệm chẳng được bao nhiêu mà quá nhiều thứ phiền hà. Phải chi mua tất cả mọi thứ tại cùng một cửa hàng thì còn đòi hỏi bảo hành nếu máy chạy không bình thường, hoặc ít ra cũng có thể đề nghị đổi linh kiện để đảm bảo tính tương thích. Đằng này, mua ở hai nơi, nhà phân phối (Minh Thông) lại không chấp nhận trả hay đổi hàng, lỗi cũng không thể xác định được chính xác từ đâu nên đành chịu sống chung với… bệnh. Quả là “lợi bất cập hại”.
Phóng viên e-CHÍP đã đem hiện tượng “lạ” mà Châu Tuấn đã mô tả đến hỏi bộ phận kỹ thuật của Hợp Nhất và Minh Thông, và được tư vấn như sau:
Minh Thông: Có thể do trong cấu hình cài đặt thiết bị đầu ra chưa đúng. Cách khắc phục là gỡ ổ đĩa cứng ra, xong bật thử, nếu bình thường nghĩa là driver của card đồ họa có vấn đề cần cài lại. Có thể phải cài lại cả Windows.
Hợp Nhất: “Bệnh” như vậy có thể do nguồn, nhưng khả năng lớn nhất là do mainboard vì hiện tượng tắt máy để cho nguội bật lên mới được. Cách thử là bỏ bớt một card màn hình, dùng một nguồn khác. Cứ như vậy loại trừ dần thiết bị có khả năng gây lỗi.
Tuấn đã làm theo lời hướng dẫn của Minh Thông và Hợp Nhất, chỉ chưa cài lại Windows (vì có quá nhiều thứ phải cài lại, rất mất công), nhưng vẫn không trị được căn bệnh.
Theo Vietnamnet