HotelHoangMinh
New Member
Internet không phải là trò chơi trực tuyến
TT - Theo Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), số người sử dụng Internet ở ta tính đến tháng 10-2009 là 22.214.615 người, với gần 3 triệu thuê bao Internet băng thông rộng. Tính ra, tỉ lệ dân số sử dụng Internet chiếm 25,89%, tức chưa tới bốn người Việt thì có một người sử dụng Internet. Tỉ lệ này cao gần gấp đôi so với tỉ lệ chung của khu vực ASEAN (15,54%).
Trong số hơn 22 triệu người sử dụng Internet ở ta, có hơn một nửa là... game thủ - Ảnh: Tuổi Trẻ
Ngạc nhiên là tỉ lệ người dùng Internet ở ta cao hơn hẳn Thái Lan, Indonesia và tất nhiên cao hơn Myanmar, Lào, Campuchia, Philippines. Tỉ lệ này cũng vượt trội so với con số trung bình của thế giới (21,88%) và châu lục (17,26%).
12 năm gia nhập thế giới mạng, hành trình tiếp cận và chia sẻ với kho tàng tri thức nhân loại có thể chúng ta đến trễ, nhưng những con số vừa nêu cho thấy đến trễ không có nghĩa là đi chậm hơn mãi.
Internet ít nhất cũng đã giúp rất nhiều chiếc máy tính ở Việt Nam thoát khỏi thân phận chiếc máy đánh chữ. Và Internet đang ngày càng trở thành công cụ kết nối hữu hiệu giữa công dân và công dân, cộng đồng với cộng đồng, công dân và Nhà nước. Internet hiện hữu như một thực thể khó có thể tách rời trong đời sống đương đại. Tất nhiên, tiếp cận Internet nhanh, nhạy và làm chủ nó một cách tương đối chính là người trẻ. Hàng triệu forum, chatroom, hàng chục mạng xã hội tương tác tức thời đang được người trẻ - những công dân mạng - lựa chọn như một phương thức giao tiếp phi đối diện khác cho việc học, việc làm và chơi...
Nhưng trong số hơn 22 triệu người sử dụng Internet ở ta, có hơn một nửa là... game thủ, tức gần 1/8 dân số chọn trò chơi trực tuyến là ứng dụng số một từ tiện ích Internet! Con số được công bố bởi Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm VN gợi lên suy nghĩ gì?
Bản chất của công nghiệp sản xuất trò chơi trực tuyến (hay công nghiệp giải trí) không có gì sai trái. Nó giúp người ta thư giãn, giảm căng thẳng để có thể tái tạo sức lao động tốt hơn. Nhưng với sức hấp dẫn ngày một được nâng cấp đến tột đỉnh, khả năng quyến rũ người chơi là không giới hạn. Ở Nhật, Hàn, Mỹ và một số quốc gia phát triển khác, các chương trình huấn luyện để cai nghiện trò chơi trực tuyến liên tục ra đời. Tại TP.HCM cũng đã có hai đợt trại huấn luyện cai nghiện trò chơi trực tuyến và lúc nào cũng quá tải.
Vì sao người ta phải cai nghiện trò chơi trực tuyến?
Vì có quá nhiều người chơi trò chơi trực tuyến đốt cháy thời gian, tiền bạc, công việc, sức khỏe... vào cái màn hình và cuộc sống ảo trong đó, dẫn theo nhiều hệ lụy là những bi kịch gia đình, xã hội khác. Tài nguyên Internet bị chiếm dụng (băng thông, đường truyền...), tài sản và thời gian lao động, học tập cũng bị hao hụt.
Một vài định chế nhà nước ban hành nhằm giảm thiểu thời gian chơi trò chơi trực tuyến, ngõ hầu hạn chế sự thái quá của người chơi trò chơi trực tuyến. Nhưng không ai chắc những định chế đó phát huy tối ưu hiệu quả của nó, bằng chứng là lượng game thủ Việt vẫn tăng đều và các bi kịch xã hội từ trò chơi trực tuyến vẫn liên tục diễn ra nhức nhối (mới nhất là chuyện hai trẻ vị thành niên ở Nghệ An tống tiền bạc tỉ một gia đình để có tiền chơi trò chơi trực tuyến).
Ứng xử thế nào với Internet và trò chơi trực tuyến hẳn không thể chỉ trông chờ vào những định chế nhà nước. Cái nền giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội vẫn là căn bản cuối cùng. Chống lại sự quyến rũ của trò chơi trực tuyến phải là một hệ thống phòng thủ kiên cố được trang bị cho những công dân mạng. Hệ thống đó chỉ có được khi còn nhiều loại hình giải trí khác đủ sức đối trọng và có thể hấp dẫn người trẻ.
Tất nhiên, việc được trang bị những kỹ năng sống giúp cá nhân tự khám phá bản thân, khám phá những giá trị thật sự của mình khi tham gia học tập, làm việc, giải trí sẽ là đáp án hữu hiệu để tạo nên một hệ thống phòng thủ tốt trước sức quyến rũ của trò chơi trực tuyến!
Theo Tuoitre