Máy tính bảng siêu rẻ bán khó
Không giống như thị trường điện thoại, máy tính bảng giá khoảng trên dưới 3 triệu đồng bán kém dù rất nhiều người quan tâm.
Chỉ muốn mua một chiếc máy tính bảng giá rẻ để thỏa mãn nhu cầu lướt web đơn giản và chủ yếu là đọc sách nhưng anh Ngọc Tuấn (Hoàng Mai, Hà Nội) nhiều phen thất vọng. "Mình đã bỏ nhiều thời gian đi xem nhưng không thực sự hài lòng", anh nói. Cùng tâm trạng với anh Tuấn, bạn Thành Tiến, sinh viên trường Giao thông Vận tải (Hà Nội) cũng đã phải từ bỏ ý định mua một chiếc tablet giá 2 triệu đồng để chuyển sang mua mẫu đi động chạy Android là T-Mobile G1 cũ.
Anh Dũng, chủ một cửa hàng bán linh kiện máy tính trên đường Nguyễn Khang (Hà Nội) cho biết, cuối năm ngoái, anh nhận được nhiều tin nhắn hẹn xem máy tính bảng Trung Quốc. "Thời gian đầu, mỗi ngày có hơn chục người đến xem nhưng số này sau đó giảm dần. Phần lớn là do không hài lòng về chất lượng máy dù mình thấy nó khá tương xứng với giá tiền bỏ ra", anh Dũng bộc bạch. Thương nhân này đã không tiếp tục nhập mặt hàng này về bán cách đây ít tuần.
Không khó để tìm kiếm các mẫu tablet giá siêu rẻ trên mạng. Ảnh chụp màn hình.
Để tìm kiếm các mẫu máy tính bảng giá siêu rẻ không hề khó, người dùng chỉ cần truy cập vào các trang web bán hàng như Muare, Rongbay hay tổng hợp như Vatgia sẽ tìm kiếm được khá nhiều các model do Trung Quốc sản xuất như MID GLT-706, Kingcom Joypad 73, Teclast T720VE... với giá bán chỉ hơn 2 triệu đồng. Thậm chí còn có sản phẩm mang tên như iRobot, VietPad có chỉ 1,5 đến 1,6 triệu đồng. Mức giá này là rất rẻ nếu so với máy tính bảng hàng hiệu màn hình tối thiểu 5 inch có cảm ứng và thường là chạy hệ điều hành Android.
Đi cùng với giá rẻ, chất lượng các sản phẩm này rất tồi, cảm ứng điện trở không nhạy, hình ảnh hiển thị xấu, khả năng xử lý thấp hơn so với quảng cáo với tốc độ chip lên tới 600 hay 800 MHz và đặc biệt là tỷ lệ hỏng hóc khá cao. Kiểu dáng thường nhái lại iPad, Samsung Galaxy Tab với vỏ làm bằng nhựa thường. Nhiều model có kiểu dáng rất giống nhau nhưng lại khác tên gọi.
Pi-001 với giá bán 3 triệu đồng. Ảnh: Quốc Huy.
Anh Dũng chia sẻ, trước đây anh nhập hàng từ Trung Quốc, cứ bán được khoảng 10 chiếc lại nhận về 3 đến 4 chiếc do khách hàng đem trả lại vì lỗi nguồn, lỗi chết cảm ứng vùng hay điểm ảnh trên màn hình. "Dù nguồn hàng có bảo hành nhưng tỷ lệ hỏng hóc cao cùng chi phí đi lại khiến lãi chẳng còn là bao nhiêu", anh Dũng chia sẻ. Đó cũng là một phần lý do khiến anh không còn "mặn mà" bán mặt hàng này.
Trong khi đó, không giống như điện thoại, máy tính bảng không phải là một món đồ quá cần thiết nên những người muốn sở hữu món đồ này phần nhiều là vì đam mê công nghệ hoặc có điều kiện kinh tế. Chính vì vậy, việc bỏ tiền để mua một sản phẩm có độ bền không cao được cho là quá mạo hiểm và nhiều người dù rất quan tâm nhưng vẫn không thể móc hầu bao. "Vẫn biết là tiền nào của nấy, nhưng với mức giá này, thà mua một chiếc di động Android cũ để 'vọc' còn tốt hơn", thành viên có nick Ducmai_bk trên một diễn đàn công nghệ kết luận. Nhiều dân chơi công nghệ đã kết luận rằng, "có trên 5 triệu hãy nghĩ đến việc mua máy tính bảng để dùng".
Thị trường máy tính bảng tại Việt Nam đang khá sôi động nhưng lại tập trung nhiều ở phân khúc cao cấp trên 10 triệu đồng và tầm từ 5 đến hơn 7,8 triệu đồng. Xu hướng chung gần đây cho thấy giá máy tính bảng đang ngày càng rẻ hơn trong khi chất lượng vẫn đảm bảo như Lenovo A1, Kindle Fire hay Nook Tablet.
Theo Sohoa