Steve Jobs, người thay đổi cả thế giới
Thời kỳ hậu máy tính với iPad hay "hệ sinh thái" khép kín với iTunes và Apple Store là một trong những thay đổi gắn liền với tên tuổi của Jobs và Apple.
Jobs có tầm ảnh hưởng lớn đến giới công nghệ.
Thật khó để diễn tả được cái cách mà Steve Jobs đã định hình lại về sự tương tác, sử dụng máy tính và các thiết bị di động. Đặt cả một hệ thống to lớn vào chiếc hộp "nhỏ xinh" Macintos những năm 80 thế kỷ trước, tạo ra một chiếc di động khác biệt iPhone hay vẽ ra một thế giới hậu máy tính với iPad sẽ luôn khiến thế giới phải nhắc đến ngay cả khi hôm nay ông đã ra đi ở tuổi 56.
24 năm sống và làm việc tại Apple, Jobs đã tạo ra cả một "đế chế" hay nói chính xác hơn là "tín ngưỡng" mang hình hài của một quả táo cắn dở. Thế nhưng, ngay cả những người không sùng bái Apple vẫn phải nghiêng mình trước một con người kiệt suất, làm thay đổi cả thế giới công nghệ và cách mà người ta nhìn nhận nhiều vấn đề.
Steve Jobs không nổi tiếng với vai trò một kỹ sư phần cứng hay phần phầm mềm. Ông cũng chưa bao giờ nhận mình là một nhà quản lý tài ba. Thế nhưng, ông có thể đưa ra những ý tưởng mà chưa ai dám nghĩ đến, tìm người tài và truyền lửa cho họ để hiện thức hóa, biến chúng thành những sản phẩm thành công.
Trang CNN đã đưa ra 10 quan điểm mà Steve Jobs đã làm thay đổi cả thế giới công nghệ trong sự nghiệp của ông.
Thiết kế
Luôn rất khó tìm được nét thừa trong thiết kế của Apple.
Đối với Jobs, một sản phẩm trông như thế nào và khiến người dùng cảm giác ra sao quan trọng hơn nhiều những chi tiết kỹ thuật. Trong khi các nhà sản xuất khác theo đuổi nâng cấp cấu hình với tốc độ xử lý nhanh hơn thì Jobs đi theo con đường riêng của mình, những sản phẩm đơn giản, nhỏ gọn nhưng cuốn hút.
Đối với những sản phẩm của Apple, người ta gần như không thể tìm được chi tiết "thừa". Ngay cả nhiều người không dùng máy Mac vẫn phải thừa nhận rằng, thiết kế của iMac, MacBook Pro, MacBook Air hay iPhone đều quá hoàn hảo.
Một cựu nhân viên của Apple nhớ lại trong một cuộc họp với Jobs, ông đã cân nhắc về sự hấp dẫn của một chiếc ôtô Mini Coopers. Và kết luận cuối cùng của ông về sự cuốn hút của chiếc xe là vì chúng rất nhỏ. Ngoài ra, chất liệu kim loại cũng là thứ mà Apple đã đi tiên phong trong thiết kế sau đó. Hầu hết các công ty bấy giờ đều sử dụng nhựa nhưng để thiết kế nhỏ hơn, chắc chắn hơn thì kim loại mới là thực sự tốt.
IBM là công ty đi đầu về lĩnh vực công nghệ máy tính khi liên tục là công ty dẫn đầu ngành công nghiệp này trong những năm thế kỷ 20. Thế nhưng, Apple mới là công ty làm thay đổi tất cả khi đặt một cỗ máy to lớn và nặng nề thời đó vào trong một "chiếc hộp nhỏ xinh" Macintosh.
Âm nhạc
iPod thành công vì sau nó là cả một kho âm nhạc số đồ sộ.
Apple không viết nhạc cũng chẳng có bài hát nào về hãng được người ta nhắc đến nhưng "Quả táo" là công ty tiên phong trong việc số hóa âm nhạc và đưa nhạc bản quyền đến với người dùng dễ dàng hơn bao giờ hết. Những nhà xuất bản âm nhạc cũng đã có thể thu lời từ sản phẩm của mình thay vì bị tải bất hợp pháp từ hàng triệu người dùng thông qua các dịch vụ như Napster.
Năm 2003, Apple tung ra iTunes, một dịch vụ nội dung số tính phí cho âm nhạc và tích hợp chặt chẽ với iPod. Sự kết hợp giữa thiết bị và nội dung đã khiến máy nghe nhạc của hãng vượt qua tất cả các đối thủ sừng sỏ như Sony Walkman dù chất lượng âm thanh còn nhiều tranh cãi về hơn thua. iTunes hiện là nhà bán lẻ âm nhạc trực tuyến lớn nhất thế giới với hơn 200 triệu người dùng đăng ký và đã tải về 15 tỷ bài hát.
Máy tính
Thật khó để quên mẫu máy tính do đích thân Jobs và người đồng sáng lập Steve Wozniak đã giúp máy tính cá nhân trở thành hiện thực với mẫu Apple II. Đây là một những những máy tính thành công nhất những năm 1980. Sự xuất hiện của sản phẩm này thực sự làm thay đổi cách mọi người làm việc. Máy tính Mac không phổ biến như Windows nhưng doanh số của nó những năm gần đây đang phát triển thần tốc.
Thời kỳ hậu máy tính
iPad là khởi đầu cho thời kỳ hậu PC.
Jobs đã tạo ra cuộc cách mạng với máy tính cá nhân khi Apple II ra mắt và cũng chính ông là người đã khơi mào cho một kỷ nguyên "hậu máy tính" nhờ vào một tấm kinh, một khung nhôm khối bóng mượt có tên gọi iPad. Jobs không làm ra những sản phẩm mà người dùng cần mà ông hướng họ dùng những sản phẩm mà ông muốn, đó là sự khác biệt.
Chẳng mấy ai tin vào iPad khi ra mắt vào năm ngoái nhưng doanh số, sự cuồng nhiệt và những ảnh hưởng mà nó mang lại là điều không thể chối cái. Sự chững lại của máy tính cá nhân đã làm những tên tuổi như IBM và mới đây nhất là HP cũng chuẩn bị từ bỏ thị trường này. Với iPad, người dùng đã có một thiết bị cầm tay thực thự, trải nghiệm dễ dàng và hoàn hảo trong khi giá cả rất hợp lý.
Quảng cáo
Bắt đầu vào năm 1984 với quảng cáo "siêu đắt" Super Bowl, Apple đã cho thấy hãng có thể làm những điều không tưởng về quảng cáo, truyền thông. Những quảng cáo của Apple thường rất đơn giản nhưng luôn lột tả được hết những ưu điểm của thiết bị mà nhiều người phải nhớ mãi. Đơn cử như chiếc phong bao thư chứa MacBook Air năm 2008, quảng cáo so sánh Mac với PC của nam diễn viên Justin Long...
Ở thời điểm hiện tại khi đang ở đỉnh cao, Apple thường không mất nhiều công sức để quảng cáo về các sự kiện của mình. Jobs đã biết cách tạo ra một "đế chế" hay nói chính xác hơn là "tín ngưỡng" mang tên Apple mà ở đó, nhiều người phục tùng và si mê.
iPhone
iPhone đang làm "điên đảo" cả thế giới.
Mặc dù di động Android đang có những bước phát triển thần kỳ nhưng khó ai có thể quên được khoảnh khắc Jobs cầm trên tay chiếc iPhone tại sự kiện của hãng vào năm 2007. Không chỉ đơn giản là một model mới, Apple mang đến một khái niệm hoàn toàn khác về di động thông minh với thiết kế nhỏ gọn, màn hình cảm ứng mượt mà hơn nhiều các di động Windows Phone cùng thời điểm và đặc biệt là hệ điều hành thổi bay những nỗ lực của Palm và RIM.
Với iPhone, Apple không chỉ bán một thiết bị đơn thuần mà thay vào đó là hàng trăm nghìn nội dung số mà người dùng tải về hàng ngày.
Ecosystem (Hệ sinh thái)
"hệ sinh thái" trong các sản phẩm là mấu chốt thành công của Apple.
Khái niệm "hệ sinh thái" có thể coi là đóng góp lớn nhất mà Jobs dành cho không chỉ giới công nghệ mà còn là cho nhiều ngành công nghiệp khác. Tất cả chỉ bắt đầu với một ý tưởng nghe có vẻ rất đơn giản: tạo ra một không gian khép kín giữa phần cứng, phần mềm và dịch vụ. Đó là khi iTunes làm khuynh đảo thế giới, nơi người dùng mua hàng triệu bài hát, album để tải lên iPod và iPhone. App Store cung cấp một kho ứng dụng trò chơi cho mọi đối tượng người dùng với thiết bị iDevices.
Mac OS
Hệ điều hành của Apple luôn được định hướng để đơn giản hơn so với các đối thủ cạnh tranh như MS-DOS, Windows hoặc Linux. Điều này luôn được duy trì trong suốt quá trình phát triển từ Mac OS System 7 hay đến bây giờ là Mac OS X. Tất cả đều bắt nguồn từ tác phẩm của Jobs khi ông thành lập công ty mang tên NeXT. Bằng cách đơn giản hóa việc sử dụng và tiếp cận, hệ điều hành Mac luôn duy trì danh tiếng của nó về sự ổn định, điều mà Windows chiếm thị phần lớn hơn không thể làm được đều đặn qua các năm.
Hệ thống bán lẻ Apple Store
Apple Store tại Newyork, Mỹ.
Cửa hàng bán lẻ đầu tiên của Apple nằm ở một góc Tyson, VA, Mỹ với nhiều hoài nghi. Thế nhưng, 10 năm và 345 cửa hàng sau đó mọc lên đã khiến câu chuyện thay đổi hoàn toàn. Các công ty máy tính khác thường chỉ sản xuất và trung tâm bảo hành, giới thiệu sản phẩm riêng trong khi phân phối cho các hệ thống đại lý nhưng Apple biến chúng tất cả trong một với hệ thống Apple Store.
Việc trưng bày hàng hóa và cho chính người tiêu dùng được trải nghiệm trong một không gian mở và đầy khác biệt đã thúc đẩy họ muốn sở hữu chúng. Các hệ thống Apple Store luôn được thiết kế rất đặc biệt theo một phong cách thống nhất mà ở bất kỳ đâu trên thế giới đều có thể nhận ra chúng.
Công ty Apple
Cuối cùng, đóng góp lớn nhất của Jobs không phải chỉ là một chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng hay một hệ điều hành mà chính là Apple, một tổ chức, một công ty với 12.000 người đã được sống lại bên bờ vực của sự phá sản. kể từ khi quay trở lại công ty năm 1997, Jobs biến nó trở thành công ty công nghệ có giá trị nhất thế giới, vượt qua các đối thủ nặng ký khác như Microsoft hay HP. Apple cũng có thể coi là bước ngoặt lớn nhất trong lịch sử kinh doanh thế giới.
Jobs có tình yêu tuyệt đối với công ty mà ông đã sáng lập năm 1976 và ngay cả khi bị "đá" khỏi chính công ty của mình, ông vẫn luôn nung nấu ý định quay trở lại đó. "Tôi sẽ luôn luôn kết nối với Apple", Jobs phát biểu với một tạp chí năm 1985, năm ông bị khăn gói rời khỏi Apple.
Theo Sohoa