Chơi dàn âm thanh tiền tỷ ở quán cà phê Sài Gòn
Để thỏa mãn niềm đam mê công nghệ nghe và phục vụ nhu cầu của khách, nhiều chủ quán cà phê ở Sài Gòn sẵn sàng bỏ ra cả trăm nghìn USD để trang bị dàn âm thanh “đỉnh” cho riêng mình.
Sài Gòn lâu nay vẫn được mệnh danh là “thủ phủ” của thói quen uống cà phê, ở từng ngóc ngách đều có thể mọc lên các quán, từ cà phê cóc lề đường đến làng cà phê… Bên cạnh thưởng thức nước uống thì âm nhạc là một điều không thể thiếu nhưng có một nghịch lý là rất ít quán chú ý việc đầu tư cho vế thứ hai.
Nếu như Hà Nội nổi đình nổi đám với dàn loa Acapella với 2 loa kèn “khủng” của cà phê Trung Nguyên thì khi nói về âm thanh cà phê Sài Gòn thì không thể không nhắc đến chuỗi quán Hi - end.
Dàn âm thanh cổ xưa tại quán Hi - end, Nguyễn Văn Thủ, quận 1.
Một đầu đọc đĩa tại quán.
Nhiều khi chỉ một sợi dây cáp âm thanh cũng có giá lên tới 5.000 - 7.000 USD.
Dàn loa kèn độc đáo.
Ampli bóng đèn, mỗi ampli sẽ phụ trách một dải tần số âm thanh khác nhau.
Toàn bộ dàn âm thanh trị giá cả trăm nghìn USD.
Tương tự là dàn của quán Analog, Ngô Thời Nhiệm, quận 3, với 2 thùng loa cực lớn hai bên.
Quán có phong cách riêng: chơi đĩa than.
Đầu đọc đĩa độc đáo.
Dàn ampli hoành tráng.
Quán Hollywoodome cũng trên đường Nguyễn Văn Thủ kết hợp nét cổ điển.
Thùng loa lớn tại quán giúp người nghe cảm nhận âm thanh tốt hơn.
Lấy luôn tên gọi thường được nói trong giới âm thanh “đỉnh” là Hi - end (High - end), quán này bày hẳn một “sân khấu” để các thiết bị như loa, ampli đèn, những máy đọc đĩa… Hệ thống loa ở đây gồm đầy đủ loa cho dải tần số cao, loa ken cho dải trung cao, dải trung trầm, dải trầm. Mỗi dải tần số được phụ trách bởi một ampli khuếch đại riêng biệt, như dải tần số cao và trung cao được nối với ampli sử dụng đèn 572 vốn nổi tiếng với chất âm ngọt ngào, trong trẻo..., còn âm trầm thì là ampli sử dụng 4 bóng 6C33C.
“Nói ra nhiều khi mọi người không tin, có khi một sợi dây nối âm thanh cũng có giá 5.000 đến 7.000 USD. Tôi không nhớ rõ lắm do thay đồ liên tục nhưng dàn này cũng tầm khoảng cả trăm nghìn USD”, ông Phong, chủ quán Hi - end cho biết.
Giới trẻ thưởng thức dàn âm thanh trị giá trăm nghìn USD tại quán cà phê Hi - end. Ảnh: Kiên Cường.
Cứ mỗi tối đến, khi những bản nhạc vang lên, khách tới quán Hi - end trên đường Nguyễn Văn Thủ, quận 1 lại lắng mình lại để thưởng thức âm thanh từ dàn nhạc này. Tương tự, nếu lần đầu vào quán Analog trên đường Ngô Thời Nhiệm, quận 3 thì nhiều người có thể hết hồn khi nhìn vào những thùng loa to tướng như những cái tủ ở đây.
Cũng có hẳn một không gian rộng lớn để đặt các loại loa, ampli, chủ quán Analog Ngô Thế Hùng cho biết những thùng loa anh phải đặt người đóng, còn củ loa thì lùng mua các dạng từ những năm 50-60 ở tận bên Mỹ. “Chỉ riêng thùng loa này nguyên liệu và công thuê đóng đã mất 5.000 USD”, anh Hùng nói.
Quán Analog với phong cách riêng chơi đĩa than (không phải đĩa CD và nghe hay hơn CD), mỗi đĩa than này mua với giá khoảng hơn 30 USD. Ngoài ra, để toàn bộ phục vụ cho một mục đích là âm thanh, chủ quán đã cho ốp gỗ toàn bộ căn phòng để biến nó thành một cái loa cộng hưởng khổng lồ. “Ngồi mọi nơi đều có thể thưởng thức âm thanh hay”, anh Hùng phân tích.
Một địa chỉ khác được giới âm thanh nhắc tới là Hollywoodome cũng trên đường Nguyễn Văn Thủ, mang phong cách hi - end kết hợp với nét cổ điển. Bên cạnh dàn loa và ampli đồ sộ là những hiện vật từ thời xa xưa như máy chụp hình, đồng hồ cổ.
Nhưng để có được những âm thanh trong trẻo, nghe rõ từng tiếng lách cách, êm tai, theo những chủ quán thì phải dựa vào niềm đam mê chứ không hẳn nhiều tiền hoặc “tậu” đồ thương hiệu nổi tiếng thế giới.
“Có nhiều trường phái chơi âm thanh, nhưng theo tôi không nhất thiết phải là loa hay ampli thương hiệu thì mới nghe hay. Nhiều khi chỉ vài nghìn USD nhưng biết cách chơi và tùy theo nhu cầu thì cũng có dàn âm thanh tốt. Chính tôi cũng đã từng mua một dàn loa bên nước ngoài với giá hơn 20 nghìn USD nhưng về nghe thấy không hay, khi bán đã lỗ hơn phân nửa.”, anh Hùng phân tích.
Với anh Phong thì trong hi - end, niềm đam mê là quan trọng số 1. Dàn âm thanh của quán trên đường Nguyễn Văn Thủ đã tốn của anh khoảng 6 tháng để thiết lập một hệ thống tạm gọi là nghe được và để thật sự hài lòng thì mất thêm khoảng 6 tháng nữa.
“Bước đầu nên đo đạc bằng máy để có cơ sở tham khảo nhưng thực tế việc cân chỉnh dựa trên máy móc đơn thuần thường cho ra một chất âm chưa thể nghe được, đòi hỏi phải cân chỉnh dựa trên cảm nhận của đôi tai. Phải nghe kỹ, đánh giá, mọi lần nghe phải ghi chép lại kết quả tự đánh giá từng đặc tính cụ thể như: nhạc tính, đo chi tiết động, từng dải âm: âm trầm, âm trung, cao… Ghi chép chi tiết và so sánh với lần nghe sau”, anh Phong chia sẻ kinh nghiệm.
Người đi tiên phong trong làng cà phê âm thanh Sài Gòn này cho biết khó khăn của người chơi hi - end hiện nay là thừa thông tin và thiếu trải nghiệm. Những lời có cánh từ những tạp chí âm thanh cho đến Internet giới thiệu về những sản phẩm thương hiệu đã khiến người ta nghe bằng mắt hơn là bằng đôi tai và cảm nhận bằng tâm hồn. Vẫn chưa có nhiều showroom ở Việt Nam để người chơi hi - end có thể nghe thử các thiết bị, các cuộc triển lãm chuyên về thiết bị hi-end trong nước cũng chưa nhiều, anh Phong nhìn nhận.
Theo VnExpress