Tinh chỉnh HDTV
Sắm HDTV rồi nhưng để cảm nhận cái đẹp thực sự, bạn cần phải biết một số nguyên tắc tinh chỉnh hình ảnh về với thông số tối ưu.
Phần lớn người mua mang chiếc TV độ phân giải cao về nhà và cứ thế xem phim mà không quan tâm tới việc các thông số màn hình đang được đặt như thế nào. Chính vì thế mà đôi lúc hình ảnh ở cửa hàng thì thấy đẹp, khi về đến nhà lại thành quá sáng, hay màu sắc quá rực rỡ đến mức phi thực tế.
Vấn đề là do các TV này được đặt trong sảnh bán hàng của các siêu thị điện máy nơi ánh sáng tràn ngập, vì thế các thông số màu sắc đều được kích lên sao cho hình ảnh thật rực rỡ bắt mắt người xem. Nhưng ở một môi trường ánh sáng yếu hơn như phòng khách gia đình, các thông số này lại trở nên bất hợp lý.
Tuy nhiên, nếu chịu khó mày mò, bạn hoàn toàn có thể tự tinh chỉnh một số thông số cơ bản, đưa màn hình về với thông số tối ưu cho điều kiện phòng khách nhà mình.
Điều chỉnh cơ bản
Chỉ cần chỉnh một số thông số nội tại của màn hình cũng cải thiện được chất lượng hình ảnh. Ảnh:
Letsgodigital.
Về cơ bản, chỉ cần tinh chỉnh một số thông số nội tại của bản thân màn hình cũng có thể cải thiện được rất nhiều chất lượng hình ảnh, đưa nó về gần với đời thực hơn.
Ánh sáng phòng
Do mọi người hầu hết đều có thói quen tắt đèn khi xem phim, nên đối với những TV có độ sáng lớn như màn Plasma, mắt sẽ rất nhanh mỏi khi nguồn sáng duy nhất trong phòng chỉ đến từ màn hình. Giải pháp ở đây là bạn nên có chiết áp để có thể điều chỉnh độ sáng đèn trong phòng. Không nên để phòng tối hoàn toàn. Nếu muốn tắt hết đèn, tốt nhất nên đầu tư một nguồn sáng hắt đặt ngay sau màn hình để tản bớt. Tốt nhất là một bóng đèn có độ sáng 6.500 K (tương đương nhiệt độ ánh sáng ban ngày). Bạn cũng nên tránh những đồ vật có khả năng phản chiếu ánh sáng lên màn ảnh TV như gương hay cửa kính chẳng hạn, nó sẽ gây hiện tượng lóa hình và làm mất đi độ trung thực của hình ảnh nói chung. Nếu không thể xem vào buối tối thì tốt nhất bạn nên đầu tư một hệ thống rèm treo đủ dày để có thể chắn mọi nguồn sáng vào phòng.
Khi xem màn hình với những nội dung thông thường như thời sự, thể thao… bạn có thể sử dụng những thiết lập mặc định của TV như Standard, Sport hoặc Vivid và xem trong điều kiện ánh sáng bình thường trong phòng. Chỉ khi nào cần thưởng thức phim ảnh thực sự như trong rạp, bạn mới cần phải tiến hành các thiết lập tinh chỉnh này mà thôi.
Độ sáng (Brightness)
Độ sáng còn được hiểu là mức độ sáng tối, độ sáng thực tế điều chỉnh hiển thị mức độ sẫm của vùng tối của một bức ảnh. Nếu độ sáng quá cao sẽ giảm độ sâu hình ảnh, gây lóa và giảm bão hòa màu. Nếu độ sáng quá thấp sẽ mất chi tiết ở các vùng tối và khi đó các chi tiết khác nhau ở vùng tối sẽ chỉ còn là một vùng màu đen không phân biệt được cấp độ.
Nếu không có đĩa hiệu chỉnh, sau khi kết nối với đầu DVD, tốt nhất chọn phim màn ảnh rộng có hai vùng đen trên và dưới của hình ảnh. Chọn một cảnh có vùng sáng và tối tương đối cân bằng nhau. Chỉnh sáng hết cỡ, sau đó giảm dần sao cho vệt đen trên đầu hình ảnh gần với màu đen nhất thay vì màu xám. Nếu bắt đầu nhận thấy mất chi tiết ở vùng tối, chẳng hạn không phân biệt được mắt người trong quầng tối của lông mày và hốc mắt, thì cần chỉnh tăng lên một chút vì lúc này độ sáng đã bị quá thấp. Nên nhớ một số các đời Plasma, LCD, DLP và LCoS không thực sự hiển thị được màu đen, vì thế, bạn sẽ cần đến những đĩa hiệu chỉnh chuyên dụng cho việc cấu hình độ sáng.
Độ tương phản
Chỉnh mật độ vùng sáng của bức ảnh và quyết định lượng sáng hiển thị tổng thể.
Ảnh: Michaelpatrick.
Độ tương phản còn gọi là độ trắng hay mức độ hình ảnh. Độ tương phản điều chỉnh mật độ vùng sáng của bức ảnh và quyết định lượng ánh sáng hiển thị tổng thể.
Độ tương phản thường được đặt ở chế độ rất cao bởi nó sẽ khiến cho hình ảnh tươi sáng hơn khi bày trên những sảnh bán hàng. Tuy nhiên tương phản quá cao sẽ làm mờ chi tiết và biến dạng đường nét của ảnh, gây nên cảm giác nhức mỏi mắt khi cũng độ tương phản này hiển thị trong phòng tối. Mặt khác độ tương phản quá cao còn làm giảm tuổi thọ của đèn và tinh thể Plasma. Nhưng nếu đặt độ tương phản quá thấp lại khiến ảnh trở nên bẹt và giảm hiệu quả.
Hiển thị hình ảnh tĩnh từ một đĩa DVD với một đối tượng thiên về sáng trắng kèm một số chi tiết, chẳng hạn một người mặc áo trắng với những chiếc cúc cài hay cảnh những dòng sông băng trong phim hoạt hình Ice Age (Kỷ băng hà) chẳng hạn. Tăng độ tương phản lên hết cỡ, sau đó giảm từ từ sao cho đến lúc có thể nhìn thấy được rõ ràng các chi tiết ở vùng sáng (chiếc cúc áo hay vết nứt trên băng). Thông thường các TV hiển thị tốt nhất ở chế độ tương phản giữa khoảng 30 và 50 phần trăm.
Màu sắc
Màu sắc
còn gọi là bão hòa màu, tính năng này điều chỉnh mật độ màu sắc của hình ảnh. Khi có quá nhiều màu, bức ảnh trở nên lòe loẹt và phi thực tế. Dễ nhận thấy nhất là màu đỏ vốn thường được bản thân các bộ giải mã nội tại của màn hình kích lên đánh lừa mắt người. Nhưng nếu quá ít màu sẽ giảm hiệu quả của hình ảnh, khiến cho bức hình trở nên xám xịt. Chuyển độ bão hòa màu về 0 sẽ biến ảnh màu thành ảnh đen trắng.
Nếu có thể, đầu tiên chỉnh nhiệt độ màu (cân bằng trắng) về vị trí cao nhất. Sau đó tìm một hình ảnh chân dung, tốt nhất là một khuôn mặt cận cảnh với một làn da tươi sáng trong những phim tình cảm từ đĩa DVD hay HD. Sau khi tăng nhiệt độ màu (mà thực ra là tăng nhiều màu đỏ) lên mức da mặt như trở nên bị cháy đỏ, tiến hành giảm giảm từ từ cho đến khi khuôn mặt trở về tông màu da mặt tự nhiên nhất. Nếu trong quá trình giảm các màu khác theo đó cũng bị giảm đi, có thể tinh chỉnh tăng lên một chút nhưng làm sao vẫn phải giữ được tông màu tư nhiên của da người.
Các điều chỉnh khác
Chỉnh độ nét. Ảnh:
Lifehacker.
Độ phủ màu:Trừ phi bạn biết về màu sắc, còn không hãy để nó ở vị trí mặc định ở giữa.
Độ nét:Tính năng này sẽ tự động làm nét một số đường viền của đối tượng, có thể có hiệu quả đối với hình ảnh trên TV nhưng sẽ làm hỏng độ nét vốn sẵn có của phim ảnh. Giảm hết xuống vị trí số 0, nếu thấy đoạn text trên màn hình bắt đầu mờ viền thì chỉnh tăng dần lên một chút để độ nét xuất hiện trở lại.
Tăng cường chi tiết:Còn gọi là module tăng tốc quét hình (VSM hoặc SVM) nhằm cải thiện độ nét viền. Tuy nhiên nên tắt tính năng này nếu không thực sự cần thiết.
Nhiệt độ màu: Tính năng này điều chỉnh hiệu ứng toàn bộ bảng màu. Lựa chọn tùy chọn Warm hoặc Low vốn gần nhất với các thông số tiêu chuẩn của hệ NTSC ở mức 6.500 độ K.
Thông thường phim ảnh trên DVD hiển thị tốt nhất khi những tính năng tăng cường hình ảnh kiểu như autocolor (màu tự động), autoflesh tone (tông tự động), autocontrast (tương phản tự động), noise reduction (giảm nhiễu) và các tính năng khác ở chế độ tắt. Các tính năng này chỉ làm hỏng thay vì cải thiện hình ảnh vốn thừa đủ tốt của các phim cinema.
Điều chỉnh nâng cao
Công việc hiệu chỉnh hình ảnh với những người chơi thiết bị sẽ cầu kỳ hơn.
Ảnh:
Turbogadgets.
Nếu người chơi đã đầu tư tới cỡ 5.000 USD cho một màn hình, lúc này thường người chơi sẽ phải là một "videophile" hay ít nhất cũng là những người am hiểu về hình ảnh. Lúc này công việc hiệu chỉnh màn hình một cách chuyên nghiệp sẽ trở nên cần thiết.
Mặc dù các dịch vụ hiệu chỉnh màn hình chuyên nghiệp dều có những mẹo và thiết bị riêng để can thiệp vào menu nội tại của màn hình cũng như đo hình ảnh bằng những thiết bị kiểm tra chuyên dụng, nhưng phần lớn đều bao gồm một số bước cơ bản sau nhằm cho ra những hình ảnh hoàn thiện nhất.
Các màn hình phẳng: Thiết đặt thang xám xuống mức NTSC tiêu chuẩn là 6.500 độ K, cải thiện độ chính xác màu của toàn bộ bảng màu, đặt tương phản, sáng tối, bão hòa và các thông số khác bằng cách sử dụng những thiết bị căn chỉnh chuyên dụng cho từng thông số, tối ưu hóa vị trí hình ảnh, điều chỉnh độ tăng cường ánh sáng đỏ, sử dụng đĩa DVD test cho tất cả các nguồn phát DVD và đĩa HDTV test cho tất cả các nguồn phát HD.
Các TV, đèn chiếu: Bên cạnh việc điều chỉnh các thông số như trên, đối với những màn CRT còn phải chỉnh cho ba tia màu hội tụ tại điểm chính xác để cho ra một bức ảnh sắc nét.
Ngoài ra còn một số các dịch vụ chuyên nghiệp khác như hiệu chỉnh độ nét của ống kính máy chiếu, cài đặt các thông số tương thích tỷ lệ hình ảnh giữa nguồn phát và màn hình…
Các dịch vụ hiệu chỉnh chuyên nghiệp đôi khi rất đắt, vì thế nếu có thể bạn trước tiên nên mua những đĩa DVD hiệu chỉnh và tự làm ở nhà với màn hình của mình cho đến khi thỏa mãn với hình ảnh mà TV của bạn mang lại. Nếu vẫn không càm thấy hài lòng bạn mới phải nhờ tới các dịch vụ hiệu chỉnh màn hình chuyên nghiệp.
Một điều đáng lưu ý là trong số các thông số quan trọng nhất của giới hiệu chỉnh màn hình chuyên nghiệp thì hiệu chỉnh thang độ xám là khó nhất và đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao. Quy trình này sẽ căn chỉnh các thang độ xám ở rất nhiều mức ánh sáng, từ rất sáng tới rất tối ở nhiệt độ màu tiêu chuẩn hệ NTSC (6.500 độ K). Tuy nhiên tin vui là hiện có rất nhiều các màn hình đời mới đã có những thông số căn chỉnh tối ưu và bạn cũng không phải mấy bận tâm tới việc điều chỉnh chi tiết nữa nếu không phải là người quá cầu kỳ. Mặt khác, nếu màn hình có thể đặt chế độ màu về mức tiêu chuẩn thông thường 6.500K, nghĩa là ít nhất màu sắc màn hình cũng hiển thị được gần đúng nhất ý đồ màu sắc mà đạo diễn phim muốn chuyển tải.
(theoSoHoa)