NgocVNPT
New Member
1.500 tàu robot để ngăn Trái đất ấm lên
Tàu phun nước hoàn toàn tự động. Hình vẽ: John McNeil.
Một nhà nghiên cứu người Anh muốn gửi hằng trăm con tàu không người lái ra biển để phun nước lên không khí - nhằm kìm hãm sự ấm lên của bầu khí quyển.
Theo phương án của Stephen Salter và cộng sự, từ Đại học Edingburgh, họ sẽ dùng hàng trăm chiếc tàu robot không người lái, qua lại trên đại dương và ngày đêm phun những giọt nước biển cực bé quanh năm suốt tháng.
Theo lý thuyết, những giọt nước này sẽ là hạt nhân ngưng tụ làm cho mây trên đại dương trắng sáng thêm. Nhờ đó chúng có thể phản xạ tia nắng Mặt trời nhiều hơn, hơi nóng từ Mặt trời sẽ đến được mặt nước biển ít hơn. Nhờ thế, Trái đất nhìn chung sẽ bớt ấm lên một ít và biến đổi khí hậu sẽ ngưng lại.
Salter tin rằng ý tưởng này có thể là cứu cánh cho khí hậu, đặc biệt trước những chính sách thường chỉ trên giấy tờ hiện nay. "Nếu như chúng ta không thay đổi cung cách sống thì phải cần từ 1200 đến 1500 con tàu", Salter nói. Những chiếc thuyền này dài khoảng 45 m và có trọng lượng nước rẽ là 300 tấn.
Ý tưởng này nổi bật nhờ vào phí tổn ít một cách đáng ngạc nhiên: Chỉ với số tiền không đến 100 triệu euro hằng năm, bao gồm cả tiền chứng minh tính khả thi kỹ thuật, phí tổn phát triển để sản xuất hàng loạt và tiền đóng mới tàu hàng năm.
Đi tàu buồm với hiệu ứng Magnus
Kỹ thuật dùng tàu phun nước dựa trên ý tưởng của nhà phát minh người Đức Anton Flettner - rôto Flettner. Khi một hình trụ dựng đứng đang quay và đồng thời có luồng gió thổi sẽ tạo thành một lực thẳng góc với dòng không khí. Nguyên nhân là hiệu ứng Magnus, cũng là hiệu ứng mà các cầu thủ áp dụng khi muốn đá một quả bóng xoáy vào khung thành.
Ý tưởng cũ: Trong những năm 1920, nhà phát minh người Đức Anton Flettner trang bị rôto Flettner cho nhiều con tàu để vượt đại dương sang Mỹ. Nhưng phương án đã không thành công trong hàng hải. Ảnh: Corbis.
Trong những năm 1920 Flettner từng trang bị những rôto này cho nhiều tàu thủy, nhưng phương án truyền động này không thành công.
Có thể là giờ đây nó sẽ thành công trong cuộc đấu tranh chống lại biến đổi khí hậu. Salter cho rằng rôto Flettner chính là kỹ thuật truyền động lý tưởng nhất vì nó thích hợp nhất cho việc điều khiển bằng máy tính. Nhờ thế, những con tàu không người lái này sẽ qua lại trên đại dương hoàn toàn tự động.
Trên thực tế, tàu thủy với bộ truyền động Flettner dễ điều khiển hơn nhiều so với thuyền buồm cổ điển: Không cần phải tính toán vị trí của buồm mà chỉ cần vận tốc quay của ống và vị trí của bánh lái là đủ. Để đi theo hướng ngược lại người ta chỉ cần đổi chiều quay của rôto Flettner, ông Slater giải thích.
Nững con tàu này hoạt động chính xác như thế nào? Trong mô hình máy tính chúng là tàu ba thân, thân chính ở giữa, bên trên là 3 rôto Flettner. Hai thân phụ hai bên tạo ổn định. Năng lượng điện để quay những rôto Flettner và để phun nước biển là do một chân vịt khổng lồ nằm dưới thân chính, chìm dưới nước cung cấp.
"Có thể sẽ hoạt động được"
Để đạt được tác dụng mong muốn, mỗi một giây các tàu phải phun 30 kg nước biển được lọc kỹ lưỡng lên không khí. "Phương pháp này không tạo mây mới", nó chỉ đơn giản là làm cho các đám mây đang có trắng ra.
Những con tàu không người lái sẽ hoạt động cách xa các tuyến giao thông đường biển chính, không những chỉ ở một khu vực mà rải rác trên khắp trên các đại dương. Kế hoạch hoạt động toàn cầu sẽ do một máy tính trung tâm điều khiển, các chiếc tàu sẽ tự động di chuyển.
Ý tưởng của những chiếc tàu bảo vệ khí hậu được nhiều đồng nghiệp nghiên cứu ủng hộ. "Có thể sẽ hoạt động được", ông Oliver Wingenter của Viện Mỏ và Công nghệ New Mexico nói. Nhưng vấn đề là hình thức tác động đến quả địa cầu này cũng có thể làm cho mưa ít hơn.
Salter cũng không phủ nhận là các con tàu không người lái có thể sẽ làm thay đổi khí hậu trong khu vực. "Có thể sẽ có mưa nhiều hơn nhưng cũng có thể sẽ ít hơn. Chúng tôi có thể quyết định trước thời gian và địa điểm phun nước". Việc phun nước trong vùng nào của Trái Đất có tác động ra sao là một thách thức khoa học đáng quan tâm. Theo nhận biết hiện nay, Bắc Cực trong mùa xuân là một vùng để cho tàu hoạt động tốt, từ tháng 7 đến tháng 12 thì lại là Thái Bình Dương gần bờ biển Bắc và Nam Mỹ.
Tuy nhiên, Salter cũng biết rằng công việc này có nhiều rủi ro.
Có thể những ý tưởng như các con tàu không người lái phun nước rồi đây sẽ là cứu cánh cuối cùng cho khí hậu. Song nếu phương án hoạt động không tốt như người ta hy vọng thì ít nhất là các nhà đi biển đang gặp nạn sẽ vui mừng vì có những con tàu Flettner qua lại trên các đại dương. Vì các con tàu ba thân này có thể sẽ là những tàu cứu hộ nhanh chóng trên biển cả, tự động tiến về nơi các tàu đang gặp nạn. Ông Salter dự định là các tàu phun nước này sẽ mang theo chăn và nước uống.
(theo VNExpress)