Chân dung TV hiện đại
Bước vào các siêu thị điện máy, người sử dụng sẽ bắt gặp những dãy TV lớn rực rỡ nhiều màu và lúng túng không biết điều gì tạo nên sự khác biệt giữa chúng.
>9 điều cần biết về TV LED / TV 3D - tương lai của giải trí gia đình
Cuộc chuyển giao từ các hệ thống CRT cồng kềnh, chiếm nhiều diện tích với độ phân giải chuẩn (standard definition) sang TV màn hình phẳng mỏng, nhẹ và độ phân giải cao (high definition) đã kết thúc. Theo hãng nghiên cứu DisplaySearch (Mỹ), sản lượng TV màn hình phẳng toàn cầu đã tăng từ 5% đầu năm 2004 lên đến 75% vào mùa xuân 2009 và chiếm 90% doanh thu.
Từ việc cân nhắc thay TV CRT sang HDTV để trang trí cho phòng khách, người ta bắt đầu tính đến chuyện sắm thêm hệ thống thứ 2 hoặc 3 cho phòng ăn và phòng ngủ. Đa số TV trên 40 inch hỗ trợ độ phân giải 1.920 x 1080 pixel (Full HD) còn với kích cỡ nhỏ hơn, 720p vẫn phổ biến.
TV CRT vẫn phổ biến trong các hộ gia đình nhưng không còn được ưa chuộng khi người sử dụng mua TV mới.
Tốc độ quét hình (Refresh Rate)
Tỷ lệ 120 Hz phải mất 2 năm mới cạnh tranh được với TV 60 Hz và theo thống kê của DisplaySearch, khoảng một nửa HDTV tinh thể lỏng trên 40 inch hiện nay đạt tốc độ quét hình 120 Hz.
LCD chiếm tới 90% thị trường màn hình phẳng nên thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Tuy nhiên, điểm yếu của công nghệ là khả năng hiển thị nội dung chuyển động nhanh kém do chúng phụ thuộc vào các phân tử có vai trò chặn hoặc truyền ánh sáng từ đèn nền. Những phân tử này cần thời gian di chuyển từ vị trí này sang vị trí khác nên gây ra hiện tượng bóng mờ.
Giải pháp mà nhà sản xuất đưa ra là tải lại hình ảnh nhanh gấp 2 lần bình thường, tức nhân đôi tốc độ quét hình từ 60 lên 120 lần mỗi giây (120 Hz). Phương pháp này cải thiện đáng kể chất lượng hình ảnh dù người dùng vẫn phải trả hơn khoảng 100-200 USD để mua HDTV 120 Hz kích cỡ 40-42 inch. Dù vậy, tốc độ quét hình là tiêu chí không thể bỏ qua nếu họ thích xem thể thao, phim hành động…
Nếu 120 Hz đem lại hình ảnh đẹp hơn hẳn 60 Hz, 240 Hz cũng sẽ đạt chất lượng vượt trội so với 120 Hz? Trong thử nghiệm của PC World, TV 240 Hz giảm hiệu ứng bóng mờ tốt hơn 120 Hz, nhưng không chất lượng hình ảnh không mấy khác biệt khi xem bằng mắt thường. Do đó, người sử dụng chưa cần bỏ ra số tiền cao hơn 300-600 USD để thay thế TV 120 Hz.
Đèn nền LED
TV LED đang được các nhà sản xuất tích cực quảng bá, nhưng đây không phải công nghệ TV hoàn toàn mới. Chúng đơn giản là các hệ thống LCD sử dụng đèn nền khác với đèn CCFL (đèn huỳnh quang cực cathode lạnh) truyền thống.
LED có nhiều ưu điểm như tiết kiệm điện, cải thiện màu sắc, hình ảnh tự nhiên, độ tương phản cao và màu đen sâu hơn, giúp phần nào thu hẹp khoảng cách về chất lượng hình ảnh giữa LCD và plasma.
Có hai cách chiếu sáng đèn LED: sắp đặt LED dưới dạng ma trận ở mặt sau tấm nền (backlit) hoặc xếp LED dọc các cạnh màn hình (edge-lit) để tạo ra những TV mỏng hơn. Dù có nhiều điểm mạnh, TV LED hiện đắt hơn TV LCD truyền thống đến hơn 300 USD.
HDTV Samsung LN46B750U1F 46 inch có chất lượng hình ảnh đẹp với khả năng kết nối Internet.
Kết nối Internet
Một xu hướng mới của năm nay là khả năng đưa nội dung Internet lên TV. Nhiều HDTV hỗ trợ Ethernet, Wi-Fi cùng phần mềm tích hợp để hiển thị web. Tuy nhiên, khả năng truy cập vẫn còn hạn chế, đơn giản vì người ta sử dụng điều khiển từ xa thay cho bàn phím và chuột.
Giải pháp là xây dựng các bộ ứng dụng nhỏ, như Yahoo cung cấp Widget gồm tin tức, thời tiết, thông tin thể thao và khả năng truy cập tới YouTube, Twitter, Flickr và Facebook cho TV của LG, Samsung, Sony và Vizio.
Sony cũng phát triển gói Bravia Internet Video Link chứa nội dung lấy từ Amazon Video, CBS, Netflix, Slacker Internet Radio, YouTube...
Tiết kiệm điện năng
Các nhà sản xuất TV plasma và LCD đang tìm kiếm giải pháp tiết kiệm điện năng, chẳng hạn bổ sung chế độ "eco mode" có thể khiến màn hình bớt sáng khi không cần thiết, tương tự chế độ in nháp (draft) trên máy in. Các bộ cảm biến tích hợp sẽ nhận biết điều kiện môi trường để điều chỉnh độ sáng.
Theo một số nghiên cứu, người sử dụng có thể tiết kiệm 15-30 USD/năm hóa đơn tiền điện nếu chọn TV tiêu thụ ít điện. Đây không phải khoản tiền lớn nhưng người tiêu dùng không thay TV thường xuyên như điện thoại, máy tính. Trung bình họ sử dụng một mẫu TV trên 10 năm, tức sẽ tiết kiệm được 150-300 USD.
Công nghệ OLED
OLED là công nghệ đầy hứa hẹn khi mang đến hình ảnh đẹp như TV CRT: không bị hạn chế góc nhìn, tốc độ phản ứng cao, loại bỏ hiện tượng bóng mờ... Ngoài ra, màn hình OLED mỏng với màu sắc rực rỡ, màu đen sâu và tiêu thụ rất ít điện.
Tuy nhiên, trên thị trường mới chỉ có duy nhất TV XEL-1 của Sony (OLED được dùng trong điện thoại và máy nghe nhạc như Microsoft Zune HD) bởi giá của công nghệ này quá cao. XEL-1 được trang bị màn hình 11 inch, tương đương netbook, nhưng lại có giá 2.500 USD, đắt gấp 4 lần TV LCD 40 inch thông thường.
Một số công nghệ đột phá khác
Nhiều nhà sản xuất máy tính đang tìm cách làm cho sản phẩm của họ trở nên khác biệt như LG và Sony phát triển TV chỉ cần dây nguồn, còn kết nối với các thiết bị khác như đầu máy chơi game, đầu DVD và Blu-ray, bộ giải mã tín hiệu... hoàn toàn qua công nghệ không dây.
Toshiba Cell Regza 55-inch, sử dụng chip mạnh nhất trên thị trường TV hiện nay, có thể hiển thị 8 kênh truyền hình độ nét cao cùng lúc. Còn Hitachi dùng cảm biến camera để cho phép điều khiển TV bằng các cử động tay và cơ thể. TV 3D cũng đang được coi là tương lai của giải trí gia đình...
Theo PC World