Những công nghệ LED phổ biến
Khác với OLED, LED không phải là loại màn hình mới, nó chỉ là màn hình LCD sử dụng đèn LED chiếu sáng nền thay cho đèn CCFL thông thường.
Trong khi OLED còn quá đắt đỏ và chưa khả thi ở thời điểm hiện tại, LED tạm thời vẫn là công nghệ màn hình hiện đại nhất đang được các nhà sản xuất TV hiện nay áp dụng. LED thực chất không phải là một loại màn hình mới, nó cũng là một loại màn hình LCD, nhưng thay vì sử dụng hệ thống đèn huỳnh quanh lạnh CCFL như ở LCD thông thường, màn hình LCD sẽ sử dụng hệ thống đèn LED (Light-emiting diode, đèn diode phát quang) để chiếu sáng nền. Nhờ vậy, màn hình LCD LED có chất lượng tốt hơn nhiều so với LCD CCFL, tiến sát tới loại màn Plasma, đồng thời cũng có lượng điện năng tiêu thụ thấp nhất.
Màn hình LCD thường với hệ thống đèn huỳnh quanh lạnh CCFL nằm ở phía sau tấm nền. Ảnh: Cnet.
Tuy nhiên, không phải tất cả các sản phẩm LED đều có cấu tạo giống hệt và cho chất lượng hình ảnh tương đương nhau. Thực tế, màn hình sử dụng công nghệ LED có tới 4 cấu trúc khác nhau và mỗi một cách thì lại đem lại một chất lượng hình ảnh riêng biệt.
Dưới đây là 4 công nghệ LED phổ biến trên HDTV LED hiện nay được Cnet giới thiệu
Cấu trúc LED không có khả năng kiểm soát tối mờ cục bộ.
Sharp LC-40LE700UN (19 triệu đồng).
Đây chính là cấu trúc LED đầu tiên xuất hiện. Tuy vậy, ở các sản phẩm LED hiện nay, các nhà sản xuất hầu như đều không áp dụng cấu trúc này nữa. Hệ thống đèn huỳnh quang lạnh được thay thế hoàn toàn bởi hệ thống đèn LED. Trong đó, "Full-array" có nghĩa là hệ thống đèn LED sẽ được đặt ở ngay phía bên dưới của tấm nền LCD, dạng chiếu sáng nền, chứ không phải nằm về phía từng cạnh của màn hình, nên nhiều nhà sản xuất vẫn gọi cấu trúc này là "LED-backlight"
Tuy nhiên, do không sử dụng tính năng tự động tắt đèn chiếu sáng theo từng vùng, nên cấu trúc LED này không có khả năng kiểm soát tối mờ cục bộ. Kéo theo đó, chất lượng hình ảnh không có nhiều khác biệt so với các sản phẩm LCD thông thường, ngoài việc tiết kiệm điện hơn một chút.
Sản phẩm tiêu biểu cho cấu trúc LED này là model Sharp LC-40LE700UN.
LED viền không có khả năng kiểm soát tối mờ cục bộ.
Sony Bravia KDL-NX800 52 inch (61.9 triệu đồng).
Đây chính là cấu trúc phổ biến nhất hiện nay, bắt đầu xuất hiện phổ biến từ năm 2009 khi Samsung khai sinh ra dòng "TV LED". Sau đó, hàng loạt các nhà sản xuất khác cũng noi gương hãng điện tử của Hàn Quốc và đầu tư vào công nghệ này. Đặc trưng nổi bật của các sản phẩm mang cấu trúc LED này là thiết kế siêu mỏng, với độ dày của màn hình chỉ còn khoảng 2,54 cm. Nhờ đó, trọng lượng của TV được giảm đi đáng kể và phù hợp hơn với giải pháp treo tường.
Không giống như những model LED "Full-array", hệ thống đèn ở loại màn hình LED này được sắp xếp nằm dọc theo cạnh của tấm nền LCD và có thể rọi sáng cho vùng trung tầm và các vùng khác nhờ vào một hệ thống dẫn sáng. Chất lượng hình ảnh được cải thiện hơn đôi chút so với màn hình LCD thông thường. Tuy nhiên, vẫn có những lỗi nhỏ trong cấu trúc LED này, như việc các hình ảnh ở cạnh bao giờ cũng sáng hơn những khu vực trung tâm.
Mẫu HDTV Bravia thế hệ 2010, KDL-NX800 series của Sony hiện đang sử dụng cấu trúc LED này.
Cấu trúc LED có khả năng kiểm soát tối mờ cục bộ.
Sử dụng cấu trúc LED nguyên thủy (Full-array) và cho chất lượng hình ảnh tốt nhất nhờ vào tính năng kiểm soát tối mờ cục bộ (local dimming). Vẫn có những trường hợp ngoại lệ, nhưng theo
Cnet, TV đèn nền LED là sản phẩm LCD tốt nhất mà khách hàng nên lựa chọn hiện nay. Cấu trúc tương tự như những model LED "full-array" cơ bản, nhưng nhà sản xuất TV sẽ sử dụng các nhóm đèn LED có khả năng tự động tắt hoặc bật để chiếu sáng từng vùng màn hình riêng biệt.
Ví dụ, màn hình xuất hiện một hình ảnh có vùng sáng và tối độc lập, hệ thống đèn nền LED ở khu vực hình ảnh tối sẽ tự động không chiếu sáng nữa, trong khi đó, đèn LED ở vùng sáng vẫn sẽ hoạt động. Bởi vậy, độ tương phản của loại màn hình LCD LED này là rất tốt, dải màu đen sâu, tương đương với những sản phẩm Plasma thông thường. Tuy nhiên, với các chi tiết sáng có kích thích quá nhỏ so với vùng tối, hiện tượng hở sáng (blooming) là một chút rắc rối của loại màn hình này.
LG LH8500 series và Vizio 2XVT series là hai mẫu HDTV LED có chất lượng hình ảnh hoàn hảo khi được áp dụng công nghệ này.
LED viền có khả năng kiểm soát tối mờ cục bộ.
Đây là công nghệ mới xuất hiện dành cho những sản phẩm đời mới, Samsung UNC8000 series và LG LH5500 series một trong số ít những model 2010 sẽ được áp dụng cấu trúc LED mới mẻ này. Phương thức này cho phép một số vùng trên màn hình vẫn có khả năng tối mờ độc lập mà không cần sử dụng đến hệ thống đèn LED nền nằm ở phía sau tấm LCD, thay vào đó, đèn LED vẫn đặt nằm dọc theo cạnh màn hình.
Qua thử nghiệm của
Cnet, sản phẩm của Samsung trình diễn khá ấn tượng, trong khi các sản phẩm của LG thì lại có kết quả không tốt. Chất lượng hình ảnh không phải là tốt nhất, trong khi đó, hiện tượng "blooming" xuất hiện có vẻ rõ ràng hơn.
Theo Sohoa