Các cổng kết nối trên HDTV
Bên cạnh cổng HDMI vốn đã gắn liền với HDTV, còn hàng loạt đường hình và đường tiếng khác mà một HDTV hiện đại hỗ trợ.
Mặc dù tích hợp rất nhiều cổng kết nối, nhưng nếu tìm hiểu, bạn sẽ thấy mỗi một cổng đều có những ưu việt cũng như những hạn chế nhất định của nó. Dù rằng HDMI giờ đã trở thành tiêu chuẩn, nhưng nguồn phát HDMI không phải lúc nào cũng sẵn.
Mặt sau của một TV LCD. Ảnh: Television.
HDMI
Ngoài truyền hình ảnh, chuẩn HDMI còn có khả năng truyền âm thanh và các tín hiệu điều khiển khác. Chính sự đa dạng đó biến HDMI thành một giao diện lý tưởng cho màn hình LCD và Plasma, cũng như các thế hệ máy chiếu tiên tiến hiện nay. Tín hiệu video được truyền nguyên bản dưới dạng kỹ thuật số từ nguồn phát đến màn hình, đem lại chất lượng hình ảnh tốt nhất hiện tại.
Tất cả kết nối HDMI đều có khả năng chống sao chép HDCP, vì thế những màn hình không hỗ trợ chống sao chép sẽ không hiện thị được hình ảnh ngoài một màn hình nhiễu. Cổng HDMI cũng có tính tương thích ngược với tiền thân của nó là DVI (phải qua adapter), tuy nhiên, chuẩn DVI không hỗ trợ audio, nên nếu dùng adapter giữa HDMI và DVI, chỉ có hình ảnh được hiển thị với chất lượng tương đương, còn âm thanh sẽ bị loại bỏ.
Dạng tín hiệu: Số.
Độ phân giải tối đa: 1080p.
Kết nối Component
Cổng video component đại diện bằng ba giắc tròn có ba màu khác nhau. Hai giắc dùng để truyền tín hiệu màu, còn giắc còn lại mang tín hiệu về độ sáng tối.
Mặc dù là kết nối dạng analog nhưng cổng component cho chất lượng hình ảnh rất chính xác với khả năng tái tạo màu chuẩn và giảm thiểu giao thoa giữa các tín hiệu thành phần (vốn là một hạn chế trên các cổng S-video và Composit). Nếu như bạn chưa có nguồn HDMI hay đơn giản là chưa có cáp HDMI, thì đây là một sự thay thế hoàn hảo nhất.
Dạng tín hiệu: Analog.
Độ phân giải tối đa: 1080p (nhưng hầu hết đầu video chỉ truyền tín hiệu 1080i qua cổng component này).
Scart
Cổng Scart là đặc trưng riêng của châu Âu, thường thấy trên các màn hình có xuất xứ từ (hoặc nhằm hướng tới) thị trường này. Chuẩn cho phép kết nối rất nhiều thiết bị nguồn phát mà chỉ sử dụng một cổng đơn nhất. Chuẩn Scart có thể truyền tải rất nhiều dạng tín hiệu: RGB, S-Video và Composit qua các adapter. Tuy nhiên, nếu có thể, bạn nên lựa chọn sử dụng tín hiệu RGB bởi nó cho chất lượng hình ảnh tốt nhất.
Bên cạnh truyền tải tín hiệu hình ảnh, cổng Scart còn có những dây riêng dùng cho tín hiệu âm thanh dạng stereo. Thêm nữa, nó còn có thể thêm một cáp nguồn, cho phép các thiết bị video khác như đầu ghi video tự động mở TV khi thiết bị này được bật.
Dạng tín hiệu: Analog.
Độ phân giải tối đa: 576i.
Cổng Component. Ảnh: Akamaipix.
S-Video
Kết nối này sử dụng các đường tín hiệu riêng nhau để truyền tải thông tin về màu sắc và sáng tối riêng rẽ, tránh tối đa hiện tượng lỗi hình ảnh. Đình đám một thời bời thiết kế gọn nhẹ và chất lượng tốt, cổng S-Video cho chất lượng hình ảnh tốt hơn Composit nhưng vẫn chưa thể cạnh tranh được với chất lượng của cổng Component.
Cổng S-Video đôi khi còn được gọi là Y/C Video, viết tắt của thành phần độ sáng tối (luma_Y) và màu sắc (chroma_C) - bản chất kỹ thuật của nó.
Dạng tín hiệu: Analog.
Độ phân giải tối đa: 576i.
Composite Video
Cổng kết nối hình ảnh thông dụng nhất trên tất cả các thiết bị từ cổ chí kim là cổng Composit (giắc tròn màu vàng) với tuổi thọ đã lên tới 20 năm. Chất lượng hình ảnh của nó kém hơn so với S-Video do chỉ sử dụng một tín hiệu duy nhất để truyền tải các thông tin màu sắc, hình ảnh, blanking (khoảng mất tín hiệu, vốn đặc trưng bởi hệ thống TV quét hình thời xưa) và đồng bộ. Vì thế, đôi khi cổng Composit còn được gọi là CVBS (color, video, blank, sync).
Dạng tín hiệu: analog.
Độ phân giải tối đa: 576i.
RF (cổng ăng-ten)
Cổng RF, hay thường gọi là cổng ăng-ten, cổng cáp, do được dùng để tiếp sóng ăng-ten tần số cao hay tín hiệu cáp rồi truyền vào bộ giải mã TV. RF là viết tắt của Radio Frequency (tần số sóng vô tuyến), có khả năng truyền tải một vài kênh hình ảnh với âm thanh stereo trên một đường tín hiệu UHF (tần số siêu cao_ultra high frequency). Nếu như nhà bạn vẫn có những TV hay đầu đọc cổ xưa, bạn có thể thấy cổng này truyền tải hình và tiếng thông qua việc dò sóng y như dò sóng truyền hình.
TV LCD giờ có đa dạng cổng kết nối. Ảnh: Trustedreviews.
S/PDIF (quang/đồngtrục)
Cổng kết nối đường tiếng này (hoặc dưới dạng cổng quang, hoặc dưới dạng cổng đồng trục) truyền tải âm thanh dạng số với chất lượng cao nhất có thể, từ TV tới dàn A/V Receiver. Với số lượng các kênh chiếu phim hỗ trợ âm thanh Dolby Digital ngày một nhiều, để thưởng thức âm thanh chất lượng cao, bạn phải nối TV ra dàn A/V Receiver và ra loa ngoài qua cổng này thì mới tận hưởng hết chất lượng.
Audio Stereo
Cổng này truyền âm thanh từ các nguồn phát analog tới TV với hai giắc đại diện cho các kênh trái, phải (left/right - L/R) hỗ trợ âm thanh stereo. Bên cạnh đường ra L/R trên TV, dùng để nối với ampli, TV còn có thêm giắc cắm headphone với dạng cổng stereo truyền thống. Một số các nhà sản xuất LCD như LG lại tích hợp sẵn module truyền âm thanh không dây qua Blue-tooth trên các thế hệ TV mới của mình, vì thế người dùng thay vì cắm vào giắc headphone, có thể tận hưởng âm nhạc stereo với tai nghe không dây.
VGA
Với cố gắng trở thành trung tâm giải trí tại gia, màn HDTV hiện tại đều tích hợp thêm cổng VGA để kết nối với máy tính. Không giống như tín hiệu hình ảnh số trên HDMI và DVI, tín hiệu hình ảnh của VGA là analog. Độ phân giải của cổng này cũng không tệ và nhưng phụ thuộc vào thiết bị được gắn là gì.
Cổng mạng (Ethernet)
Các thế hệ TV đời mới ngày nay còn có thể dùng cổng này vào mạng Internet truy cập nội dung hay mạng gia đình DLNA để truyền tải phim ảnh. Một số nhà sản xuất như Samsung và Philips còn tiến xa hơn bằng việc thay cổng Ethernet thông thường bằng kết nối mạng không dây (WLAN).
DMPORT (cổng đặc trưng của nhà sản xuất)
Một số nhà sản xuất thích tích hợp những cổng giao tiếp đặc biệt trên màn hình để kết nối với các thiết bị ngoại vi khác. Chẳng hạn với TV Sony, bạn có thể thay thêm một cổng DMPort không giống ai, chuyên dùng để nối với các module lắp thêm như Bluetooth adapter hay đế cho iPod/Walkman.
Theo Sohoa