Windows Vista: Chiến binh mang số phận hẩm hiu
Windows Vista không phải là một sản phẩm tồi mà là "anh hùng không gặp thời".
Từng được kỳ vọng là sự thay thế xứng đáng cho Windows XP, nhưng rốt cuộc người tiêu dùng lại thờ ơ với sản phẩm này để quay sang với “ông già” XP hoặc “chàng trai trẻ” Windows 7. Vậy phải chăng Windows Vista là một hệ điều hành tồi, hay chúng ta đã “trù dập” một sản phẩm tốt?
Ra đời năm 2007, Windows Vista đươc coi là con át chủ bài của Microsoft. Điều này thể hiện qua chiến dịch quảng cáo rầm rộ và hàng loạt tính năng mới cập nhật rất hấp dẫn. Người dùng ngay lập tức bị ấn tượng bởi giao diện, cách mở các cửa sổ, duyệt web bằng tab… Chẳng thế mà Microsoft đặt tên cho chàng ta là Vista (trong tiếng Anh nghĩa là viễn cảnh, ngầm so sánh Vista như sản phẩm dành cho tương lai).
Đẹp nhưng … sát phần cứng.
Thế nhưng phiên bản được o bế, tung hô ngút trời này đã gặp phải sự lạnh nhạt khó hiểu của người sử dụng. Theo một nghiên cứu của tổ chức Gartner vào năm 2009, có tới 70% doanh nghiệp Mỹ từ chối không nâng cấp lên Windows Vista. Thậm chí, con số này còn lớn hơn ở khối gia đình.
Một trong những lý do chính dẫn tới thất bại của Windows Vista là đòi hỏi phần cứng. Trong điều kiện nhiều người dùng vẫn còn làm việc với Pentium 4 thì Vista đòi hỏi phải có chip lõi kép, RAM tốc độ cao (dung lượng từ 2GB trở lên). Sự thay đổi CPU khiến phần lớn cá nhân e ngại. Tất nhiên, khi nâng cấp máy tính và sử dụng Windows Vista thì hiệu quả công việc sẽ cao hơn, tuy nhiên nếu xét bài toán hiệu quả - hiệu năng thì chưa chắc đây đã là một lựa chọn khôn ngoan.
Tại các nước phát triển, mỗi cá nhân phải bỏ ra khoản tiền kha khá nâng cấp máy tính và cũng chừng đó tiền mua bản quyền phần mềm. Còn với những nước có mức sống thấp hơn, câu chuyện bản quyền tạm gác lại nhưng chỉ cần nghe tới con số vài ba triệu đồng để chạy tốt Windows Vista đã khiến số đông người sử dụng chán hẳn.
Mặc dù được quảng cáo là ưu việt hơn XP, Vista cũng chưa phải một chương trình quá xuất sắc. Trình duyệt dạng tab có thể khiến giới trẻ thích thú nhưng đối tượng trung niên và cao tuổi lại cảm thấy khó khăn. Các hiệu ứng đôi khi làm giao diện trở nên rối rắm. Ngoài ra, Vista còn “đóng gói” sẵn một số chương trình, trường hợp người dùng không cần tới nhưng Vista vẫn cứ chạy mỗi khi khởi động, dẫn tới tình trạng ngốn tài nguyên và máy chậm hẳn.
Giá bản quyền còn vượt cả chi phí nâng cấp.
Windows Vista thường xuyên bắt CPU làm việc nhiều hơn 50%. Ngay cả với những máy tính cài cắm chip lõi kép, tình trạng treo máy vẫn xảy ra. Các nhà thiết kế quá tham lam đưa vào những hiệu ứng đồ hoạ biến Vista thành một chiếc Limousine bóng bẩy nhưng cồng kềnh.
Vì thế, mới xuất hiện những phần mềm cho phép chạy giả lập hoặc “ruột XP, vỏ Vista”. Dễ thấy người tiêu dùng mới bị chinh phục bởi hình thức của Windows Vista chứ chưa hài lòng với tính năng của nó.
Microsoft cũng có một phần lỗi trong “cái chết yểu” của Windows Vista. Khi hệ điều hành này vướng phải nhiều phản hồi không tốt, Microsoft lại ít có những động thái khắc phục. Có vẻ như hãng đã tính toán nhầm thời điểm ra mắt và thiếu hẳn phản ứng mạnh mẽ kịp thời khi hàng loạt thông tin không hay về Vista được lan truyền.
Hiểm ác nhất có lẽ là tin đồn Vista chỉ là bản thăm dò, mở đường cho Windows 7. Bạn nghĩ sao nếu mình đang cài đặt Windows? Chắc hẳn bạn sẽ thấy thật lãng phí khi bỏ nhiều tiền chỉ để làm việc với một phiên bản thử nghiệm. Cứ chờ xem bản chính thức ra mắt rồi tính tiếp!
Như vậy, Windows Vista không phải là một sản phẩm tồi (mặc dù thất bại – như chính Microsoft thừa nhận). Nhưng câu chuyện về Windows Vista vẫn luôn nóng hổi. Nó mang đến những bài học cho cả giới công nghệ và giới kinh doanh. Dù thất bại, chúng ta hãy nhìn nhận Windows Vista là khoản chi phí đầu tư cho thành công của Windows 7 cũng như sự phát triển của các hệ điều hành ngày nay.
Theo PLXH