Những máy siêu zoom đầu bảng 2010
Ngoài những tính năng tiên tiến không thua kém DSLR, các phiên bản này còn ấn tượng nhờ tiêu cự khủng mà các tay chơi DSLR cũng chẳng dám mơ.
Để chụp tiêu cự lớn, các tay chơi DSLR phải đầu tư ống kính tele mà chỉ cần tiêu cự vượt ra ngoài mức 400mm thì giá đã thuộc hàng quá xa xỉ. Chính vì thế, phân khúc siêu zoom vẫn còn đất phát triển với những người ham thích chụp ảnh nhưng lại muốn sự gọn gàng khi mang vác. Các phiên bản siêu zoom năm nay đã vượt xa mốc 20x, giúp người chụp có thể chụp được những tiêu cự tới hơn 800mm trong khi vẫn có thể có góc rộng cho chụp ảnh thông thường. Dù chất lượng còn nhiều điều phải bàn với những ống kính này, nhưng rõ ràng ngoài tính năng cao cấp và khả năng quay phim HD, dải zoom rộng là tiêu chí hấp dẫn khó cưỡng lại đối với phần lớn người dùng.
Dưới đây là một số mẫu máy superzoom hàng đầu theo đánh giá của Số Hóa.
Leica V-lux 2
Leica V-lux 2 là máy siêu zoom đắt nhất thị trường. Ảnh: Ggpht.
Thuộc hàng siêu zoom đắt nhất trên thị trường (có giá khoảng 23 triệu tại Việt Nam), V-lux 2 không phải là máy có zoom khủng nhất nhưng có thể nói là "oai" nhất nhờ mang tên tuổi Leica, mặc dù hình dáng thì khá giống với FZ100 của Panasonic. V-lux 2 sử dụng cảm biến CMOS 14,1 triệu điểm ảnh, ống DC Vario – Elmarit zoom quang 24x (25-600mm f/2.8 – 5.2), bộ xử lý hình ảnh Venus Engine FHD, màn LCD lật xoay 3 inch 406.000 điểm ảnh. Ngoài các tính năng chỉnh tay cao cấp, phiên bản này cũng khá thời thượng chứ không cổ như phong thái của hãng với khả năng quay video full-HD 1080i định dạng tiên tiến AVCHD.
Đây là phiên bản có tốc độ chụp liêp tiếp thuộc hàng nhanh nhất trên thị trường với 11 khung hình/giây kể cả tại độ phân giải tối đa. Đối với những ai quan tâm đến bản quyền, phiên bản này còn hấp dẫn với hai phần mềm biên tập ảnh và video nổi tiếng của Adobe là Photoshop Elements 8 và Premiere Elements 8.
Panasonic Lumix FZ100
Panasonic Lumix FZ100 có cấu hình tương tự V-lux 2. Ảnh: Photokina-show.
Họ hàng của bản xa xỉ V-lux 2 là phiên bản Lumix FZ100 của Panasonic, đối tác lâu năm của Leica. Có cấu hình tương tự với V-lux 2 cùng ống kính siêu zoom của Leica, DC Vario – Elmarit 24x (25-600mm f/2.8 – 5.2), cảm biến CMOS 14,1 triệu điểm ảnh, FZ100 hỗ trợ ảnh RAW, ISO 80 – 1.600, màn LCD 3 inch 460.000 điểm ảnh và quay phim Full HD 1080p với tốc độ 30 khung hình/giây kèm tính năng thu âm lọc tạp Wind Cut.
Chất lượng ảnh của FZ100 trên thực địa tỏ ra khá tốt với nhiễu được kiểm soát tốt ở mức ISO dưới 200. Quang sai màu cũng được thể hiện trên mức trung bình. Hệ thống chống rung làm việc hiệu quả. Nếu như phiên bản này chú trọng nhiều hơn tới khử nhiễu ở ISO cao thì chắc chắn FZ100 sẽ khiến nhiều người chú ý hơn là bản V-lux 2 của Leica do giá thành chỉ rẻ bằng phân nửa.
Canon Powershot SX30 IS
Canon SX30 IS đứng đầu bảng về độ zoom (35x). Ảnh: Cyberindian.
SX30 IS với zoom quang 35x (24 – 840mm f/2.7-5.8) hiện đứng đầu bảng về độ zoom. Máy có cảm biến CCD 14,1 triệu điểm ảnh, quay phim HD 720p 30 khung hình/giây, màn hình LCD lật xoay 2,7 inch, độ phân giải 230.000 điểm ảnh.
Với giá thành không thuộc hàng rẻ, SX30 IS không chỉ nhắm tới các máy siêu zoom cao cấp mà còn cạnh tranh với cả DSLR bình dân. Có thiết kế tương tự như các máy thay ống kính nên khá dễ cầm, bản SX30 IS còn nhẹ hơn người tiền nhiệm SX20 bởi đã sử dụng pin Lithium thay vì AA thông thường. Chỉ đáng tiếc là phiên bản này dù khá cao cấp nhưng lại không hỗ trợ chụp ảnh RAW.
Chất lượng ảnh trên SX30 IS tuy chưa thuộc loại xuất sắc nhưng cũng đã ở mức trên trung bình. Độ hiển thị màu tốt, quang sai được kiểm soát hiệu quả. Dải zoom khủng với góc khá rộng 24mm và tele tới 840mm quả là niềm mơ ước của dân chơi máy ảnh. Mặc dù ống kính đã được tích hợp công nghệ chống rung nổi tiếng của Canon cũng như độ mở đã được hạ xuống khá tốt nhưng chất lượng ảnh với tiêu cự tele vẫn rung và mờ do ống quá dài và máy quá nhẹ. Nhưng so về độ tiện dụng thì chất lượng ảnh dẫu mang tính tư liệu như vậy vẫn rất khả quan và vẫn là điểm mạnh đối với phần đông người tìm mua máy.
Fujifilm Finepix HS10
Fujifilm Finepix HS10 có zoom quang tới 30x. Ảnh: Letsgodigital.
Theo sau về độ zoom và cũng là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của SX30 IS là Fujifilm Finepix HS10 với zoom quang 30x (24 – 720mm f/2.8-5.6) với cơ chế xoay cơ học như trên các ống kính rời thực thụ nên nhanh và chuẩn hơn. Phiên bản này không sử dụng cảm biến Super CCD EXR trước đây của hãng mà được phát triển cảm biến CMOS back-illuminated (công nghệ đẩy lớp tế bào quang điện lên sát bề mặt nhận sáng) nhằm thu nhận được nhiều ánh sáng hơn. Nhờ vậy, cảm biến này có thể xử lý các trường hợp ISO cao tốt hơn với nhiễu hạt ít hơn, đồng thời, tốc độ lại có thể được đẩy lên tới 10 khung hình/giây. Máy có ISO 100 – 6.400, hỗ trợ ảnh RAW, quay phim full-HD 1080p, màn hình LCD lật 3 inch và sử dụng pin AA.
Dải zoom khủng của HS10 cũng tỏ ra khá hợp lý do góc khá rộng (24mm), thích hợp cho cả những trường hợp chụp phong cảnh hay kiến trúc. Mặc dù cũng được trang bị hệ thống chống rung cảm biến cùng với sự hỗ trợ của ISO cao, hiện tượng ảnh mờ nhòe vẫn rất dễ xảy ra do máy quá nhẹ, khó cầm chắc nếu chỉ với tay không.
Ngoài chất lượng ảnh tốt trong điều kiện đủ sáng với màu sắc tươi tắn, hơi thiên ánh xanh đặc trưng từ những thế hệ phim Fujifilm xưa kia, HS10 có tốc độ hoạt động và tốc độ lấy nét khá nhanh và chính xác, đặc biệt là việc tích hợp nhiều hiệu ứng độc đáo như tự động xóa đối tượng chuyển động trong ảnh phong cảnh, chụp liên tiếp các hành động liền nhau…
Nikon Coolpix P100
Nikon Coolpix P100 ống kính zoom quang 26x. Ảnh: Digicambuyer.
Coolpix P100 được Nikon giới thiệu vào khoảng giữa năm 2010 với ống kính zoom quang 26x (26 – 678mm f/2.8 – 5.0), cảm biến CMOS 10,3 triệu điểm ảnh, ISO 160 – 3.200, màn LCD lớn 3 inch 460.000 điểm ảnh, và khả năng quay phim Full-HD 1080p 30 khung hình/giây.
Dù với hình dáng khá giống một phiên bản DSLR thu nhỏ, Coolpix P100 vẫn có thiết kế giao diện khá thuận lợi bởi giống với các mẫu máy ảnh du lịch hơn là phức tạp như trên DSLR. Tuy vậy, không vì thế mà các tính năng tiên tiến khác của dòng thay ống kính bị bỏ qua, như chụp bám đối tượng, chụp thể thao tốc độ cao, tạo ảnh HDR, tối ưu hóa dải tương phản (Active D-lighting), kiểm soát méo ảnh...
Dù là ống kính cho dòng máy nhỏ nhưng chất lượng ảnh của P100 cải thiện đáng kể so với phiên bản tiền nhiệm P90. Kể cả khi chụp cận dải tiêu cự, các mép ảnh chỉ hơi mờ và bị tối góc, nhưng không đáng kể, quang sai màu hầu như không xuất hiện, còn độ méo ảnh chỉ ở mức trung bình và có thể sửa chữa ngay trong máy. Một điểm đáng giá khác ở phiên bản này là tốc độ thực thi khá ấn tượng với thời gian trễ màn trập và lấy nét có thể xếp vào hàng nhanh nhất trong số các máy siêu zoom có mặt trên thị trường hiện nay.
Để hỗ trợ zoom dài, cơ chế chống rung tổng hợp của Coolpix P100 dựa trên cả cảm biến lẫn nâng ISO để bù lại sự rung lắc của thân máy. Tuy nhiên, cũng như các máy siêu zoom khác, nếu muốn chụp sắc nét ở dải tiêu cự tối đa, tốt nhất nên dùng đến chân máy ảnh. Ngoài ra, máy còn cung cấp chế độ BSS (Best Shot Selector) giúp chụp tới 10 hình với tốc độ cao chỉ bằng một lần nhấn, máy sẽ tự lọc và lưu lại bức ảnh nét nhất.
Theo Sohoa