Máy tính thương hiệu Việt kêu khó trên sân nhà
Đã có một thời gian, ngành CNTT nước nhà cũng đặt kỳ vọng rất nhiều tới những dòng máy tính giá rẻ do chính người Việt sản xuất, lắp ráp. Thế nhưng, cho tới thời điểm này, sự chờ đợi dường như cũng có vẻ hao hụt đi khi mà có nhiều nhận định, máy tính thương hiệu Việt khó có thể trụ vững trên thị trường.
Luôn phải chật vật tìm lối đi cho mình vì bị các thương hiệu ngoại nhập cạnh tranh quá mạnh, thị trường máy tính Việt Nam bị đánh giá là phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng. Thậm chí có nhiều chuyênn gia còn nhận định, thị trường máy tính (gồm cả máy tính để bàn và xách tay) của Việt Nam hiện còn đang ở giai đoạn sơ khai.
Mặc dù trong vài năm trở lại đây, mức độ tin học hóa và mật độ máy tính trên đầu người của Việt Nam đang chuyển biến theo chiều hướng tích cực, tuy nhiên những dòng máy tính thương hiệu Việt như FPT Elead, CMS, Mekong Xanh, VTB… vẫn chưa phải là sự lựa chọn số một của người dùng Việt.
Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này, đó là giá thành, mẫu mã, tính năng… chưa bứt phá được so với các dòng máy tính ngoại. Có thể mẫu mã, tính năng ngang ngửa nhưng giá cả lại cao hơn, không mấy cạnh tranh… Bên cạnh đó, còn một lý do nữa ảnh hưởng lớn để thực trạng này đó chính là do người Việt vẫn chưa chịu dùng hàng Việt.
Tại Hội nghị triển khai lấy ý kiến các doanh nghiệp CNTT và truyền thông với nhiệm vụ triển khai Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT mới đây, ông Nguyễn Phước Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam VEIA cho biết, có rất nhiều doanh nghiệp, cơ quan nhà nước “né” máy tính thuơng hiệu Việt.
Mặc dù Thông tư 42/2009/TT-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành quy định chi tiết về việc các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội cần phải ưu tiên mua sắm sản phẩm CNTT sản xuất trong nước với nguồn vốn ngân sách Nhà nước hoặc vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước đã ngót hai năm qua, song cho đến thời điểm hiện nay, vẫn rất ít các cơ quan tích cực thực hiện Thông tư này. Tình trạng mua sắm thiết bị máy tính để bàn, máy tính xách tay nước ngoài với giá thành đắt hơn vẫn đang rất phổ biến.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam VEIA cho biết, Việt Nam hiện có hơn 3.000 doanh nghiệp phần cứng, mỗi năm tung ra thị trường khoảng trên 1 triệu máy tính để bàn (lắp ráp, gia công), chiếm tới trên 90% thị trường.
Thế nhưng, việc sản xuất, tiêu thụ của thị trường này lại đang gặp rất nhiều khó khăn, bất cập gây cản trở phát triển sản xuất. Các doanh nghiệp đang phải gánh chịu sự bất lợi về thuế do linh kiện nhập khẩu cho sản xuất, lắp ráp cao hơn so với máy nguyên chiếc nhập từ nước ngoài. Điều này đã là vấn đề được các doanh nghiệp kiến nghị từ khá lâu nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Theo VnMedia