5 mẫu TV hỗ trợ Internet tốt nhất 2010
Trong khi Samsung trình làng kho ứng dụng dành riêng cho HDTV thì Sony, Panasonic, LG cũng bổ sung thêm cho các model 2010 nhiều tính năng Internet mới.
Dù không được kỳ vọng như 3D, nhưng giải trí Internet ngay trên HDTV cũng là một trong những xu hướng công nghệ chính được các hãng TV hiện nay áp dụng. Sau khi công bố hệ thống giải trí trực tuyến Internet@TV dành cho các mẫu HDTV hỗ trợ kết nối mạng trong năm 2009, năm nay, Samsung tiếp tục công bố kho ứng dụng dành riêng cho các sản phẩm TV màn hình mỏng của hãng, Samsung Apps. Trong khi đó, năm nay, LG, Panasonic và Sony cũng tiếp tục bổ sung thêm nhiều tính năng mới cho các mẫu TV hỗ trợ kết nối mạng .
Dưới đây là 5 mẫu TV hỗ trợ các tính năng Internet tốt nhất 2010 theo đánh giá của Số Hóa.
Sony EX710 series
Là sản phẩm thay thế cho model EX700 ra mắt từ đầu năm, EX710 series sở hữu những cải tiến đáng giá so với người tiền nhiệm. Màn hình của TV trở nên mỏng và gọn hàng hơn nhờ vào việc rút gọn các đường viền bao quanh màn hình. Với tính năng cảm biến hiện diện, tự điều chỉnh ánh sáng màn hình và tiết kiệm năng lượng cao, EX710 là mẫu HDTV "xanh", thân thiện với môi trường.
Sony cũng trang bị cho sản phẩm của mình khả năng tương thích với kết nối Wi-Fi, cho phép vào mạng mà không phải sử dụng đến cáp. Hệ thống Internet Bravia Video giúp truy xuất vào hệ thống dữ liệu trực tuyến, gồm nhiều dịch vụ như YouTube, NetFlix, Hulu... hoặc có thể cài đặt thêm một số tiện ích nhỏ được hỗ trợ từ Yahoo Widget. Với giao diện Xcross Bar giống như trên máy game PlayStation 3, người xem có thể dễ dàng tìm và sử dụng dịch vụ yêu thích.
Model EX710 nhỏ nhất với kích thước 32 inch hiện đang có giá khoảng 18 triệu đồng.
Samsung Plasma C7000
Samsung Plasma C7000. Ảnh: SE
Điểm mạnh của Plasma C7000 là về tình năng và các công nghệ phụ trợ chứ không phải ở khả năng trình diễn hình ảnh. Ngoài việc được trang bị công nghệ 3D đầy đủ, với khả năng trình diễn và chuyển đổi tín hiệu 2D thành 3D giả lập, giúp người dùng tự tạo nguồn nội dung nổi phong phú hơn, mẫu Plasma của Samsung còn đáng tiền khi được trang bị các tính năng giải trí trực tuyến với kho phần mềm và Widget trên hệ thống Internet@TV.
Ngoài việc cung cấp cho người dùng khả năng truy cập vào một loạt tiện ích và dịch vụ phổ biến như Facebook, Twitter, Yahoo, mẫu Plasma của Samsung còn giúp cài đặt thêm các tiện ích nhỏ và game mini để thư giãn. Trong năm nay, Samsung tại Việt Nam còn mang tới hàng loạt phần mềm được Việt hóa và viết riêng cho thị trường trong nước.
Dù sở hữu công nghệ phát hình 3D nhưng khả năng trình diễn phim ảnh của C7000 lại không được đánh giá quá cao. Mẫu Plasma 3D hỗ trợ tính năng Internet hiệu quả tới từ Samsung hiện có giá bán từ 35 triệu đồng.
Panasonic V20
Panasonic V20. Ảnh: Panasonic.
Về thông số kỹ thuật, các mẫu màn hình V20 đều chỉ có khả năng hiển thị hình ảnh 2D thông thường. Tuy nhiên, Panasonic vẫn trang bị cho mẫu Plasma 2D của mình các công nghệ chẳng hề kém cạnh người đàn anh VT20, như tấm màn hình Full HD NeoPDP với công nghệ Infinite Black, đảm bảo độ tương phản của hình ảnh cao 5.000.000, giúp tăng chiều sâu của phim ảnh.
Đi kèm, V20 series có độ quét 600Hz cùng các tính năng giải trí trực tuyến Viera Cast. Dịch vụ Viera Cast của Panasonic cung cấp các ứng dụng xem video, truyền hình trực tuyến, nghe radio online, duyệt ảnh, đọc tin tức hay xem thời tiết thông qua kết nối Internet. Đặc biệt, người dùng có thể sử dụng dịch vụ gọi điện thoại qua mạng với ứng dụng Skype tích hợp sẵn.
Hiện tại, mẫu Plasma 2D của Panasonic đã có mặt trên thị trường với mức giá lần lượt 23 và 32 triệu đồng cho các model 42 và 50 inch.
LG LE7500
LE7500 là mẫu Infinia LED thứ hai được LG phát hành tại Việt Nam năm nay, tiếp sau model đầu bảng LX9500. Không sở hữu tính năng 3D và công nghệ Full LED Slim, nhưng mẫu Infinia này vẫn được trang bị đầy đủ các tính năng giải trí của một mẫu HDTV LG hỗ trợ kết nối mạng.
Với kết nối Wi-Fi và Ethernet, người dùng có thể sử dụng hệ thống NetCast có sẵn trên TV để truy cập vào hàng loạt các dịch vụ và tiện ích giải trí trực tuyến khác nhau. Nếu muốn theo dõi tin tức, có thể sử dụng tính năng đọc tin RSS, còn nếu muốn giải trí, sử dụng mạng xã hội có thể sử dụng Yahoo Widgets và Facebook hoặc Twitter. Ngoài ra, có thể truy cập vào các kho nội dung trực tuyến như YouTube, NetFlix...
LE7500 sở hữu chất lượng màn hình LCD LED có khả năng trình diễn hình ảnh Full HD 1080p với độ tương phản động lên tới 5.000.000:1, cùng công nghệ quét hình TruMotion 100Hz. Kết nối AV, DLNA không dây, hệ thống giải trí NetCast, khả năng chạy file DivX trực tiếp là những tính năng đa phương tiện phụ trợ được LG trang bị cho mẫu HDTV LED Plus mới của mình.
Mẫu LED LE7500 của LG đã có mặt tại các cửa hàng với giá thấp nhất là 15,7 triệu đồng cho model 32 inch.
Samsung LED C9000
Samsung LED C9000. Ảnh: Samsung.
Giống như model Plasma C7000, mẫu 3D đầu bảng C9000 cũng được Samsung trang bị hệ thống Internet@TV để có thể thưởng thức các nội dung giải trí trực tuyến, lướt web, trò chuyện Skype hay truy cập kho ứng dụng Samsung Apps từ Wi-Fi tích hợp trên màn hình rộng của Samsung. Tuy nhiên, người dùng sẽ phải bỏ ra số tiền lên tới gần 150 triệu đồng cho một mẫu C9000 55 inch.
Tuy nhiên, lý do để C9000 trở thành một trong những sản phẩm hỗ trợ Internet tốt nhất là việc sản phẩm được đi kèm với một điều khiển từ xa cao cấp, tích hợp Wi-Fi và màn hình cảm ứng. Ngoài việc có thể xem luôn các hình ảnh đang phát trên màn hình TV bằng điểu khiển, người dùng cũng có thể sử dụng thiết bị này để truy cập một số tính năng trực tuyến.
Samsung C9000 cũng là mẫu HDTV mỏng nhất trên thế giới hiện nay với độ dày chưa tới 8 mm, dù vẫn sở hữu màn hình LED có độ phân giải Full HD 1080p.
Theo Sohoa