Cảm nhận ban đầu về Sony Alpha A900
Được Sony
hứa hẹn từ đầu năm nhưng phải đến ngày hôm qua, Alpha A900 mới
chính thức xuất hiện. Đây không chỉ là mẫu máy ảnh số ống kính rời đầu tiên của Sony được trang bị cảm biến full-frame mà còn là chiếc DSLR có độ phân giải cao nhất trên thị trường.
Sony Alpha A900 cũng là mẫu máy ảnh số ống kính rời có độ phân giải cao nhất trên thị trường. Ảnh:
Dpreview.
Sony không cho A900 là một mẫu máy ảnh chuyên nghiệp, mà chỉ gọi nó là model cao cấp nhất của dòng DSLR Alpha. Dẫu vậy, giá bán của chiếc máy này tương đương với
Nikon D700 và
Canon EOS 5D, hai mẫu máy bán chuyên của hai nhà sản xuất máy ảnh lớn nhất trên thị trường. Nikon D700 và Canon EOS 5D cũng chính là hai đối thủ trực tiếp của Sony Alpha A900, cả ba đều được trang bị cảm biến full-frame.
Tuy nhiên, không giống như hai đối thủ, đều sử dụng hệ thống ổn định ảnh tích hợp trên ống kính, Sony Alpha A900 được trang bị hệ thống chống rung tích hợp ngay trên thân máy, hoạt động theo cơ chế di chuyển cảm biến để bù lại những chuyển động rung từ tay người chụp, có tên gọi "SteadyShot Inside". Bên cạnh đó, giống như những mẫu máy ảnh số ống kính rời khác của Sony, A900 cũng tương thích với cả những ống kính của Konica Minolta.
Sony Alpha A900 tương thích với cả các loại ống kính của Konica Minolta.
Ảnh:
Dpreview.
Thiết kế của A900 tuy không giống hoàn toàn nhưng phần nào làm gợi nhớ tới
A700, chiếc DSLR cao cấp nhất của Sony trước khi A900 xuất hiện. Cả hai đều có một màn hình nhỏ ở mặt trên máy dùng để hiển thị các thông tin trạng thái, cùng một màn hình LCD lớn hơn ở mặt sau, có nhiều chức năng hơn. Giống như A700, A900 cũng cho phép người dùng chỉnh sửa tất cả các thông số cài đặt thông qua màn hình chính.
A900 có nhiều điểm tương đồng về thiết kế với A700. Ảnh:
Dpreview.
Tuy nhiên, người dùng sẽ phải mất một thời gian để quen với hệ thống phím bấm phức tạp của chiếc máy này, bởi khá nhiều phím có hình thù giống nhau nhưng chức năng lại khác nhau. Ngoài ra, trên thân máy của Sony Alpha A900 còn có một bánh xe chỉnh chế độ và một kính ngắm quang có kích cỡ lớn (bao quát được 100% khung hình), rất lý tưởng cho việc ngắm chụp.
Sẽ phải mất thời gian để làm quen với hệ thống phím bấm của máy. Ảnh:
Dpreview.
Một trong những tính năng khá đặc biệt được Sony trang bị cho A900 có tên gọi Intelligent Preview. Theo đó, người dùng chỉ việc bấm phím DOF preview, trên màn hình sẽ hiện lên bức ảnh vừa chụp, nhưng đặc biệt ở chỗ nó cho phép thay đổi các thông số như độ sáng, cân bằng trắng, tốc độ trập, khẩu độ... và ngay lập tức thể hiện sự thay đổi đó trong bức ảnh đang hiển thị. Nhờ đó, người dùng có thể thấy được những tác động khác nhau của sự thay đổi đó lên bức ảnh, từ đó lựa chọn được những cài đặt phù hợp nhất.
Để có thể xử lý tốt những bức ảnh cỡ lớn, Sony trang bị cho A900 không phải một mà là hai vi xử lý Bionz. Nhờ đó, chiếc máy này có thể đạt được tốc độ chụp liên tiếp lên tới 5 khung hình/giây đối với những bức ảnh ở độ phân giải tối đa, đồng thời việc xử lý và lưu những bức ảnh chụp ở ISO cao cũng không mất quá nhiều thời gian.
Sony Alpha A900 được trang bị màn hình rộng 3" độ phân giải lớn. Ảnh:
Dpreview.
Tuy nhiên, với những tay máy chuyên, đối tượng khách hàng mà A900 hướng đến, tốc độ chụp liên tiếp thường không được coi trọng bằng khả năng lấy nét nhanh và tốc độ chụp từng bức ảnh đơn lẻ. Đáng tiếc là chiếc DSLR đời cao của Sony này lại không đáp ứng tốt những đòi hỏi đó.
Trong những điều kiện chụp lý tưởng, tốc độ của Sony Alpha A900 không ổn định mà dao động trong mức từ 0,3 đến 0,5 giây một ảnh. Tệ hơn, tốc độ lấy nét của chiếc máy này khá chậm trong môi trường thiếu sáng (với ống kính 24-70mm f2.8 do Sony cung cấp). Bạn sẽ gặp khó khăn nếu muốn chụp hình những con mèo đang chơi đùa với nhau, bởi tổng thời gian để máy lấy nét và chụp xong bức hình lên tới 1,2 giây. Điều này là rất đáng thất vọng, bởi tốc độ như vậy thường chỉ thấy ở những chiếc DSLR có giá dưới 1.000 USD. Thậm chí,
Nikon D90 lấy nét còn nhanh hơn.
Ảnh chụp từ ISO 800 trở xuống không có nhiễu, nhưng từ ISO 1600 đã xuất hiện nhiễu nhiều. Ảnh:
Cnet.
Chất lượng của những bức ảnh chụp trong nhà bởi chiếc máy này cũng không ấn tượng cho lắm. Độ sắc nét của các chi tiết không cao, đó là chưa kể đến nhiễu đã xuất hiện trong những bức ảnh chụp ở ISO 1.600. Màu sắc trong ảnh khá đẹp, nhưng nếu nhìn kỹ ở những khu vực bóng, ảnh có xu hướng bị vỡ.
Nói tóm lại, đáng ra khi nhìn vào những bức ảnh chụp bằng một chiếc máy tầm cỡ như Sony Alpha A900, người xem sẽ phải trầm trồ thán phục, nhưng điều đó trên thực tế không xảy ra đối với chiếc máy này.
Theo kế hoạch của nhà sản xuất, Alpha A900 sẽ xuất hiện trên thị trường châu Á vào cuối tháng 10. Giá bán dự kiến dành cho thân máy là 3.000 USD.
Điểm mạnh: cảm biến full-frame độ phân giải 24,6 Megapixel, hai chip xử lý Bionz, hệ thống ổn định ảnh tích hợp trên thân máy, tính năng Intelligent Preview
Điểm yếu: tốc độ lấy nét chậm, tốc độ chụp không ổn định, ảnh chụp trong điều kiện thiếu sáng không tốt
(theo SoHoa)