Đau đầu với virus mùa lễ, tết
Hacker ngày càng tinh vi hơn với các chiêu lừa đảo mới, đáng kể nhất là chiêu ăn theo sự kiện Giáng sinh, lễ, tết.
Hàng loạt chiêu lừa đảo, ăn cắp thông tin, lừa mật khẩu đang hoành hành. Ảnh:BÁ HUY
Mặc dù đã có đề phòng, thế nhưng với nhiều chiêu lừa mới, chỉ một cái click chuột, nạn nhân dễ lâm vào cảnh dở khóc dở cười. Nếu không bị mất thông tin, nạn nhân cũng vô tình trở thành người tiếp tay cho việc phát tán virus.
Virus ăn theo sự kiện
Không chỉ phát tán virus theo dạng cảm tính, giới hacker trong nước ngày càng tinh vi khi đưa ra nhiều chiêu thức lừa đảo mới. Những sự kiện thu hút sự quan tâm của công chúng như: Giáng sinh, Halloween, World Cup... bắt đầu trở thành điểm ngắm của kẻ xấu.
Anh LH, một nhân viên kinh doanh ở quận Tân Bình, “kêu trời” rằng khoảng năm, sáu ngày trước anh đã nhận được link chat với tiêu đề “Quàtặnggiángsinh” do một người bạn thân gửi. Đường link này dẫn tới một website đầy đủ tên tuổi, có nội dung yêu cầu anh đăng nhập bằng tài khoản Yahoo! Mail hoặc Gmail để xem món quà. Kết quả sau khi điền thông tin thì địa chỉ mail của anh bị chiếm giữ. Còn anh THL (quận 10, TP.HCM) thì đang phải trốn, không dám gặp bạn bè vì “tai họa” do mình gây ra. Chuyện là cách đây vài hôm, check mail thấy có thư của một người bạn gửi tới chúc mừng Giáng sinh, anh tưởng thật nên mở ra và làm theo hướng dẫn. Tiếp đó anh còn phấn khởi gửi thêm đường link chúc mừng nhiều bạn bè. Hôm sau, anh chẳng nhận được câu cảm ơn nào mà thay vào đó là hàng chục lời cằn nhằn, nhiếc móc vì đã “tiếp tay cho hacker”.
Theo cảnh báo của một số công ty an ninh mạng, nạn lừa đảo thả virus “theo mùa” đang là chiêu thức mới của giới hacker. Dịp Giáng sinh, những email lừa đảo này sẽ có các thông điệp: “Chúc mừng Giáng sinh”, “Giáng sinh vui vẻ nhé”, “Gửi tới bạn món quà Giáng sinh nho nhỏ”… và kèm theo nhiều đường link chứa virus. Ngoài ra, nhiều hacker còn ghép cả virus vào các trang tìm kiếm Google hoặc dùng đường link YouTube (vốn được nhiều người ưa thích) làm mồi nhử để dẫn đến trang web có chứa virus.
“Ngoài những sự kiện nóng, khi tìm kiếm các phần mềm, video clip, file nhạc hay thông tin về những nhân vật nổi tiếng thế giới..., người sử dụng đều có thể bị dẫn đến những website chứa virus. Đây là một hình thức lừa đảo mới, quá trình lừa đảo được thực hiện rất tinh vi. Thậm chí, ngay cả những người am hiểu về công nghệ thông tin cũng có thể bị lừa” - ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc bộ phận nghiên cứu của Bkav, cảnh báo.
Người dùng máy tính phải tự bảo vệ mình
Theo một chuyên gia an ninh mạng, tình trạng phát tán virus đã đến mức báo động. Nguyên nhân gây nên tình trạng hỗn loạn như hiện nay phần lớn xuất phát từ các hacker trẻ. Ngoài một số hacker phát tán với mục đích xấu, một số hacker tham gia phát tán với mục đích thử sức là chính, sau đó là mất kiểm soát.
Anh BQ (một hacker mũ trắng) cho biết nhiều bạn trẻ vẫn coi mình là hacker và tự hào mình giỏi hơn các bạn cùng trang lứa khi biết cài virus, trojan, worm dù chỉ đều dùng tools và code có sẵn của các bậc đàn anh. Đây là cách khẳng định bản thân rất không hay, gây nhiều thiệt hại cho bản thân và người khác.
Còn theo ông Nguyễn Minh Đức - Giám đốc bộ phận an ninh mạng của Bkav, thực chất đang có sự chuyển biến mục tiêu rõ rệt, mục đích phát tán virus của các hacker đang bắt đầu rõ ràng hơn. Không còn là thể nghiệm, nhiều hacker chuyển sang ăn cắp thông tin hộp thư, thông tin tài khoản ngân hàng và nhiều thông tin quan trọng hơn. Để phòng chống các tác hại do virus gây ra, người dùng phải hết sức cẩn thận với các đường link qua email và không nên gõ mật khẩu vào những website không rõ nguồn gốc.
Hacker và virus hoành hành dữ dội
Theo thống kê của Công ty An ninh mạng Bkav, tình hình phát tán virus đang trở thành vấn nạn đau đầu. Trong tháng 11-2010 đã có 161 website của các cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam bị hacker xâm nhập, trong đó có 13 trường hợp gây ra bởi hacker trong nước, 148 trường hợp do hacker nước ngoài. Trong tháng 11 đã có 5.432 dòng virus máy tính mới xuất hiện tại Việt Nam.
Theo Phapluat