Chromebook: Thất bại từ trong... trứng?
Thật thú vị khi nhìn lại quãng đường một ý tưởng mới phải trải qua để có thể đơm hoa kết trái trên thị trường. Chúng ta lần đầu nhắc tới tablet từ đầu thập niên 90, và giờ đây, sau gần 20 năm, mới chỉ có duy nhất một doanh nghiệp thực sự thành công là Apple.
Về cơ bản, series Chromebook mới của Google chính là những máy client mini (vốn là máy tính siêu nhẹ sống lệ thuộc vào máy chủ, mà trong trường hợp này là vào đám mây). Sun và Oracle đã cố hết sức để đưa ý tưởng về thin client ra thị trường cách đây 20 năm, để rồi cả hai cùng thất bại thảm hại. Wyse và HP cũng từng thử sức mình sau đó, nhưng chưa bao giờ, thin client có thể trở thành kẻ-thay-thế-cho-PC như viễn cảnh mà Sun và Oracle hướng đến.
Nhưng, cũng có thể như trong địa hạt tablet, lần thử thứ hai có thể thành công chăng? Google đang gồng hết sức mình để chứng tỏ ChromeOS chính là những gì mà Sun và Oracle từng mơ ước: một sự thay thế đúng nghĩa cho máy tính truyền thống. Yếu tố thuận lợi ư? Rất nhiều tác nhân tiêu cực vùi dập sáng kiến về client mini lần đầu đã biến mất.
Tuy vậy, yếu tố bất lợi cũng rất nhiều: Windows 7 được giới phân tích đánh giá là ưu việt, trong khi máy tính bảng iPad đang nổi lên như một sự lựa chọn thay thế PC sành điệu. Và theo tin đồn, Windows 8 thậm chí còn kết hợp cả hai ý tưởng của ChromeOS và iPad vào trong nền tảng Windows nữa.
Sự ra đời và cảnh thoi thóp sống mòn của Client mini
Năm 1993, người ta từng rất hy vọng khi Larry Ellison lần đầu đề cập đến thin client. Không lâu sau đó, Sun tung ra Sun Ray, để rồi tận mắt chứng kiến sản phẩm này chìm nghỉm. Giới công nghệ gọi Sun Ray 1 là “một tối kiến ngớ ngẩn”: một sản phẩm “bít bùng”, buộc họ phải mua tất cả các nâng cấp trong tương lai từ Sun mà thôi. Chưa hết, chi phí lắp đặt cũng rất đắt. Chi phí tích hợp các phần mềm, chương trình đang dùng sang Sun Ray 1 không hề ít, chưa kể máy còn gặp vài vấn đề khi chạy mã PC.
Tại một cuộc hội thảo trong giới, các đại biểu đã nói thẳng vào mặt đại diện của Sun rằng, không-đời-nào họ đánh đổi những gì đang dùng lấy một mớ rắc rối gây bực mình như vậy. Trông các quan chức của Sun lúc đó không khác gì như vừa bị đụng xe: thất thần và ngán ngẩm tột độ.
Về sau, một số hãng khác cũng tung ra thin client nhưng đều không thu hút được sự chú ý nào đáng kể. Máy tính cài Windows quá rẻ, phong phú, nhiều sự lựa chọn càng khiến cho thin client chẳng có cơ hội nào. Với việc điện toán di động phổ biến như hiện nay, thin client chính là thứ mà người dùng nghĩ đến cuối cùng.
ChromeOS
Những năm 90, người dùng chưa biết Wi-Fi là gì chứ đừng nói là có chút manh mối gì về những công nghệ như 3G hay 4G. Nhưng với nền mạng siêu tốc hiện nay, chúng ta đã có thể truy cập băng thông rộng – điều bất khả thi vào 20 năm trước. Netbook đã cho thấy chúng ta thực sự có thể chế tạo ra những chiếc máy tính xách tay “dùng được”, thú vị với giá dưới 400 USD. Dù không đủ mạnh để chạy hệ điều hành Windows cấp cao nhưng chắc chắn, chúng vẫn ổn với một hệ điều hành gọn nhẹ.
Đến lượt mình, iPad đã minh chứng một điều: một hệ điều hành tiện lợi kết hợp với phần cứng giá vừa phải có thể làm nên kỳ tích.
Tin tốt đã hết, và giờ là lúc chúng ta xét đến những tin xấu:
Trước hết, netbook đang dần chìm xuồng trên thị trường, cho thấy người dùng không mấy mặn mà với những thứ rẻ tiền. Sở dĩ iPad thành công là vì đa số người dùng không nhìn nhận đây là một chiếc laptop tối giản, giá rẻ, bị lược mất bàn phím... dù trên thực tế đúng là như vậy. Nhờ thiết kế dạng bảng và màn hình cảm ứng, người dùng tự xếp iPad vào... một chủng loại mới.
Cũng đừng quên công lao PR to lớn của Steve Jobs, người đã biến iPad thành biểu tượng của sự sành điệu và hợp mốt. Cả một chiến dịch marketing rầm rộ đã được Apple tiến hành để khoác lên mình iPad chiếc áo sang trọng. Đúng thế, cần rất nhiều công sức để có thể hình thành được “cách nghĩ tích cực” trong dư luận về một sản phẩm mới.
Trở lại với Chromebook: thiết bị này trông giống như laptop nên thật khó để người dùng xếp nó vào dạng thiết bị mới. Còn về marketing, Google chưa hề có ý định sẽ tiến hành cả một chiến dịch marketing ở cấp độ của Apple, chưa kể nhớ lại thất bại của Nexus One, ta có thể thấy cả năng lực lẫn ngân sách marketing của Google đều có vấn đề. Cuối cùng, Chromebook được tung ra thị trường trước khi tất cả hệ sinh thái đám mây kịp phổ biến, khiến cho Chromebook có nguy cơ giẫm lại vết xe đổ của Xoom (Xoom được phát hành vội vàng khi chưa hỗ trợ 4G và Flash – 2 tính năng quan trọng nhất của nó nên đã thất bại).
Cốc làm, cò xơi
Một số nhà phân tích tin rằng, sự ra đời của Chromebook vô tình lại làm lợi cho Windows 8. Vì sao?
Thành thật mà nói, không phải là Chromebook không có chút hấp dẫn nào. Trông chúng cũng khá thú vị, nhưng vấn đề là cả netbook, tablet Android và nhất là Xoom đều đã cho thấy cái gì nên làm, cái gì không nên làm. Dường như Google đang lập lại tất cả các sai lầm đó với Chromebook. Sản phẩm thì hứa hẹn đấy, nhưng Google cần học theo Apple nếu muốn ý tưởng này hiện thực hóa. Trên tất thảy, Chromebook cần rũ bở lớp áo “laptop giá rẻ” và tìm mọi cách để sang-trọng-hóa mình, giống như iPad.
Công nghệ có thể không thua kém, nhưng tầm nhìn marketing đạt đến đẳng cấp như Steve Jobs hiển nhiên là chưa có. Khi bạn cố gắng bán một sản phẩm mới như thế này, thì chính yếu tố marketing, chứ không phải cấu hình, có vai trò dẫn dắt. Thật không may, đây lại là điểm yếu chí cốt của Google. Tương lai của Chromebook sẽ chẳng mấy sáng sủa nếu như Google không khắc phục được nhược điểm này.
Tuy nhiên, điều mỉa mai là Chromebook lại đang dọn đường cho Windows 8. Theo như các tin hành lang đang lan truyền trên mạng Internet, Microsoft đã có những chính sách để tích hợp cả Chromebook lẫn iPad vào trong Windows 8, tạo ra một hệ điều hành nhẹ nhàng, hiệu quả, dễ dùng, trực quan và tối ưu hóa cho môi trường di động. Hơn ai hết, Microsoft có thể học từ những sai lầm của Google, chưa kể gã khổng lồ phần mềm còn có sẵn lợi thế “sân nhà” trên thị trường hệ điều hành.
Theo VietnamNet