Canon S95 tính năng phong phú
Canon Powershot S95 đã khắc phục được một số nhược điểm cố hữu của tiền nhiệm (phiên bản S90), đồng thời mở rộng bộ tính năng với khả năng tùy biến cao hơn.
Canon Powershot S95 sở hữu thiết kế không khác nhiều tiền nhiệm S90 ra mắt một năm trước đó. Ảnh: Imaging Resource.
Powershot S90 được coi là một trong những mẫu máy compact thành công nhất của Canon vài năm trở lại đây. Tại thời điểm mới ra mắt (tháng 8/2009), S90 được ví như một luồng gió mới vào thị trường máy ảnh du lịch cao cấp bằng những trang bị tiên tiến tích hợp trong một thân hình thời trang mỏng manh cùng mức giá khá phải chăng nếu so với Panasonic LX3 hay Canon G11.
Trong lần ra mắt lần này, dù không có nhiều cải tiến về cấu hình quan trọng so với dòng máy tiên phong, nhưng phiên bản kế tục S95 vẫn thu hút được nhiều sự chú ý do đã khắc phục được một số nhược điểm cố hữu của tiền nhiệm đồng thời mở rộng bộ tính năng với khả năng tùy biến cao hơn.
So sánh kích thước Panasonic LX5 và Canon S95. Ảnh: Imaging Resource.
Canon Powershot S95 gây ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên bởi thiết kế ngoài mỏng manh trên nền sơn đen lịch lãm. So với đối thủ Panasonic LX5, máy nhẹ và gọn hơn khá nhiều nên có thể dễ dàng nhét vào túi áo quần mỗi khi đi chơi xa. Tương tự như tiền nhiệm S90, mặt trước được mài nhẵn tạo cảm giác rất thanh thoát nhưng lại gây trơn trượt khi tay ra quá nhiều mồ hôi. Cơ cấu quang học chiếm khá nhiều diện tích do phải gánh thêm vành tròn Control Ring với rãnh xẻ ngang, giúp điều chỉnh nhanh các thông số phơi sáng, khẩu độ, ISO, bù trừ Ev, lấy nét tay, cân bằng trắng... Người dùng có thể thiết lập thêm chức năng cho vành tròn này bằng cách nhấn phím Ring Func nằm ở cạnh trên máy. Đèn flash của S95 không bật lên theo kiểu lò xo cơ học như một số model cũ của Canon mà được điều khiển hoàn toàn bằng motor điện tử phía trong. Như vậy, người dùng phải truy cập vào menu hiển thị trên màn hình LCD thì mới có thể thực hiện được các thao tác cơ bản như bật/tắt hay chỉnh độ sáng của đèn... Thêm một bất tiện nữa là khi được kích hoạt, đèn pop-up sẽ nhảy lên và chiếm một khoảng không gian khá lớn tại cạnh trái máy. Nếu không lưu ý, ngón tay trỏ tỳ vào mặt trước sẽ che mất một lượng lớn ánh sáng mỗi khi phả flash ở cự ly gần.
Mặt sau nổi bật với màn hình LCD 3 inch và tổ hợp phím giống các dòng máy du lịch trước đó của Canon. Ảnh: Imaging Resource.
Hệ thống điều khiển không khác nhiều phiên bản S90. Vị trí tổ hợp phím tại mặt sau được đẩy lui xuống một chút để dành chỗ cho ngón tay cái. Ngoài tác dụng khởi động chế độ in ảnh trực tiếp, phím Shortcut còn cho phép cài đặt một trong số 12 tính năng mà máy hỗ trợ. Thông thường, người dùng nên gán chức năng quay phim cho phím này để không phải mất thời gian lựa chọn trên đĩa mặc cảnh Mode Dial. Vòng xoay bao quanh bốn phím điều hướng cũng cho phép thay đổi nhanh vài thông số trong quá trình chụp đồng thời có tác dụng cuộn menu và duyệt ảnh trong chế độ xem lại. Màn hình LCD vẫn giữ nguyên kích thước 3 inch, độ phân giải 461.000 điểm ảnh theo tỷ lệ 4:3. Với công nghệ chống lóa PureColor II cùng khả năng điều chỉnh độ tương phản khá linh hoạt, người dùng vẫn có thể thoải mái xem và chụp ảnh ngoài trời nắng mà không sợ bị ảnh hưởng bởi góc nhìn lệch hay hiện tượng nhạt màu thái quá.
Ống kính của S95 có dải tiêu cự 28-105mm tương ứng với tầm zoom 3,8x. So với "hàng khủng" Leica Vario-Summicron trang bị trên LX5, máy hơi hạn chế về khả năng chụp góc rộng nhưng lại có lợi về tele. Khẩu độ lớn f/2.0 cùng hệ thống chống rung lai Hybrid IS có tác dụng hữu hiệu trong những tình huống chụp thiếu sáng, cần tốc độ màn trập thấp mà không thể nâng ISO lên quá cao. Thử nghiệm trên file ảnh RAW cho thấy, ống kính cho ảnh cực kỳ sắc nét trên mọi thiết lập tiêu cự và khẩu độ. Sắc sai có xuất hiện một chút ở mép ảnh với những vật thể có độ tương phản lớn nhưng hầu như không đáng kể. Tuy nhiên, méo ảnh lại khá nghiêm trọng (3,5 %) ở góc chụp rộng nhất tương ứng tiêu cự 28mm. Nếu chọn lưu dưới dạng JPEG, máy sẽ tự động loại bỏ lỗi này nên người dùng không phải bận tâm sử dụng tới các phần mềm chuyên dụng.
Đánh giá khả năng khử nhiễu của Canon S95 cùng tiền nhiệm S90 và đối thủ Panasonic LX5. Ảnh: Imaging Resoure.
Cảm quang CCD trang bị trên S95 không khác gì nhiều phiên bản cũ với độ phân giải hiệu dụng 10 Megapixel và kích thước 1/1,7 inch. Dải ISO của máy thay đổi trong khoảng từ 80 đến 3.200, tăng từng nấc 1/3 Ev. Ngoài ra, S95 còn cung cấp thêm một chế độ chụp riêng biệt giúp nâng độ nhạy sáng lên tới giá trị 12.800. Tại thiết lập ISO dưới 400, máy cho ảnh khá mịn màng với màu sắc tươi tắn nhưng không quá rực như Panasonic LX5. Tuy nhiên, S95 lại tỏ ra đuối hơn đối thủ trong việc thể hiện tái hiện các chi tiết có màu tối trên nền đỏ sẫm. Theo
Imaging Resoure, khả năng khử nhiễu của S95 có phần nhỉnh hơn "người tiền nhiệm" một chút. Tại độ nhạy sáng ISO 800 và 1.600, máy vẫn thể hiện được một vài chi tiết nhỏ tách bạch đồng thời giữ nguyên được độ tương phản chứ không mờ ảo và nhạt màu như trên S90. Khi tăng ISO lên quá 3.200, ảnh rất nhiễu nên chỉ có thể in được cỡ nhỏ trong trường hợp khẩn cấp.
Về khả năng đáp ứng, Canon S95 tỏ ra khá chậm chạp trong chế độ chụp đơn. Khoảng thời gian chờ giữa hai ảnh liền kề nhau lên tới 2,58 giây. Bù lại, khi chuyển sang chế độ chụp liên tiếp, tốc độ máy vọt lên 1,9 hình mỗi giây với file JPEG, gấp đôi tiền nhiệm S90 tuy nhiên vẫn còn kém đối thủ LX5 với 2,5 hình một giây. Tuy nhiên, bộ nhớ đệm của S95 lại cho phép chụp tới 20 ảnh ở độ phân giải và chất lượng nén tốt nhất, có lợi hơn khá nhiều so với con số 3 ảnh của LX5. Độ trễ màn trập trong điều kiện đủ sáng vào khoảng 0,096 giây, khá tốt với một model máy ảnh du lịch nhỏ gọn như S95. Tuy nhiên, thời gian chờ hồi đèn vẫn đáng thất vọng như tiền nhiệm, lên tới 6 giây nếu đặt ở công suất phát mạnh nhất.
Một bức ảnh HDR chụp bằng Canon S95. Ảnh: Imaging Resource.
Canon S95 cung cấp bộ tính năng khá phong phú cho người dùng mặc sức thể hiện sự sáng tạo. Kho mặc cảnh của máy được lập trình sẵn 18 chế độ chụp căn bản như chân dung, phong cảnh, trẻ em, hoa lá, bãi biển, pháo hoa... Đáng lưu ý, các bộ lọc kỹ thuật số trên S95 còn cho phép tạo ra những hiệu ứng đặc biệt như thu nhỏ cảnh vật, giả lập ống kính mắt cá hay tạo màu hoài cổ.
Máy còn có chế độ chụp HDR giúp tạo ra một bức ảnh đơn nhất với dải tương phản rất rộng, hữu dụng khi chụp phong cảnh và chân dung ngoài trời nắng. Khác với phương pháp xử lý trên file RAW vốn rất phức tạp và kém hiệu quả, Canon S95 chọn giải pháp chụp ba ảnh liên tiếp của cùng một đối tượng nhưng thời gian phơi sáng khác nhau rồi ghép lại để đạt cho ra một bức hình HDR theo đúng nghĩa. Người dùng có thể kết hợp một số hiệu ứng về màu sắc và hình ảnh ngay trong chế độ HDR để cho ra những tác phẩm giàu sức sáng tạo. Tuy nhiên, cách này lại có nhược điểm khi không thể thu được các vật thể chuyển động trong quá trình chụp và thời gian tổng cộng từ lúc nhấn nút chụp cho đến khi thu được ảnh HDR lên tới gần 6 giây.
Ngoài các chế độ chụp đượp tạo sẵn, S95 cũng cung cấp các chế độ chụp chỉnh tay Tv, Av và M dành cho người dùng có kinh nghiệm.
Một điểm cải tiến cũng rất đáng hoan nghênh là máy đã hỗ trợ khả năng quay phim HD 720p cao cấp hơn nhiều so với độ phân giải VGA trên tiền nhiệm S90 và cả "ông anh" G11. Tuy nhiên, tốc độ quét vẫn bị đóng khung ở mức 24 hình/giây mà không có tùy chọn cao hơn. File xuất ra được mã hóa theo chuẩn H.264 kết hợp âm thanh stereo chất lượng cao.
Tại thời điểm này, S95 chưa có hàng chính hãng. Hàng xách tay được bán với giá 8,9 triệu đồng. Ảnh: Letsgodigital.
Với mức giá khoảng 8,9 triệu đồng (hàng xách tay), Canon S95 là sự lựa chọn không tồi cho những người cần một chiếc máy du lịch nhẹ gọn nhưng vẫn yêu cầu cao về chất ảnh và bộ tính năng. So với phiên bản đầu tiên, máy đã cơ bản khắc phục được những yếu điểm liên quan đến tốc độ đáp ứng và khả năng quay phim nhưng vẫn chưa có đổi mới thực sự về mặt công nghệ bên trong cũng như thiết kế bên ngoài. Vì vậy, nếu điều kiện kinh tế chưa cho phép, bạn có thể chọn model S90 với mức giá thấp hơn gần 2 triệu đồng.
Theo Sohoa