Một thập kỷ, một tầm vóc anh hùng
Song hành cùng với sự phát triển của đất nước, có thể nói, trong 10 năm qua, ngành Viễn thông và CNTT Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn. Hơn một lần, Việt Nam đã tự hào ghi tên mình trên bản đồ công nghệ thế giới. Trong dòng chảy ấy, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam luôn nỗ lực thể hiện vai trò của một Tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông - CNTT chủ lực.
Đi đầu trong phát triển dịch vụ, công nghệ mới
Ngày 19/4/2008, một sự kiện đã ghi tên Việt Nam lên không gian mạng thế giới đó là vệ tinh đầu tiên của Việt Nam mang tên Vinasat đã được phóng lên không gian. Đây là thành quả của hơn 13 năm kể từ ngày dự án quốc gia Vinasat-1 được khởi xướng (năm 1995) và bắt tay vào thực hiện mọi công việc cần thiết để được phóng thành công lên quỹ đạo trái đất: 5h17 phút sáng 19/4/2008.
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT đã vinh dự được giao trọng trách là chủ đầu tư dự án Vinasat-1 . Vệ tinh Vinasat-1 với tuổi thọ 15 năm dự kiến sẽ khai thác hết dung lượng vào năm nay, 2010. Bên cạnh đảm bảo lợi ích quốc gia về chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng, mục tiêu đặt ra hàng đầu của VNPT vẫn là phải kinh doanh và khai thác vệ tinh Vinasat-1 có hiệu quả.
Tập đoàn VNPT đã tích cực triển khai hoạt động kinh doanh song song với giai đoạn thực hiện dự án. Từ khi vệ tinh Vinasat-1 đi vào hoạt động, công ty Viễn thông quốc tế VTI – doanh nghiệp thành viên của VNPT đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện phủ sóng thành công các kênh truyền hình quảng bá như VTV1, VTV2, VTV3, VTV4 trên mọi miền Tổ quốc và phủ sóng đến một số nước trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. VTI cũng đã và đang chủ động thực hiện chuyển các kênh VSAT hiện đang thuê dung lượng của vệ tinh nước ngoài sang sử dụng vệ tinh Vinasat-1.
VTI đã ký hợp đồng với Đài truyền hình Việt Nam sử dụng gần một nửa bộ phát đáp băng tần C và đang đàm phán hợp đồng sử dụng một số bộ phát đáp trên băng tần Ku; ký hợp đồng với Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh với dung lượng 2 bộ phát đáp trên băng tần Ku; đã ký hợp đồng với Công ty MODEC MANAGEMENT SERVICES PTE LTD sử dụng 5MHz dung lượng băng C phục vụ thông tin liên lạc giữa các tầu khai thác dầu ở vùng biển Việt Nam.
Nhiều biên bản ghi nhớ về việc sử dụng dung lượng vệ tinh được ký kết giữa VTI với các khách hàng như Tổng Công ty Truyền thông Đa phương tiện (VTC). Bên cạnh đó, VTI cũng đã làm việc và ký hợp đồng với Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Bình Dương (BTV), Đài Tiếng nói Thành phố Hồ Chí Minh (VOH), Tổng Công ty Viễn thông Toàn cầu (GTel) và đang làm việc với các cơ quan thuộc các Bộ ngành trong nước có nhu cầu sử dụng vệ tinh Vinasat-1 như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao,...
Theo Phó Tổng giám đốc VNPT Bùi Thiện Minh, sau một năm lên quỹ đạo, Vinasat-1 vẫn luôn hoạt động ổn định với các chỉ tiêu chất lượng hoạt động tốt. Tính đến thời điểm này, hơn 70% dung lượng của Vinasat-1 đã được khách hàng ký kết sử dụng. Hiện nay, khách hàng trong nước sử dụng vệ tinh Vinasat-1 là các đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương, doanh nghiệp khai thác trong ngành dầu khí, cung cấp dịch vụ viễn thông, một số cơ quan bộ, ngành. Khách hàng nước ngoài sử dụng vệ tinh hiện nay là Thái Lan, Singapore và Lào...
Sau vệ tinh VINASAT-1, VNPT vừa tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ giao làm chủ đầu tư dự án VINASAT-2 dự kiến hoàn thành vào năm 2012 với vốn đầu tư từ 290-350 triệu USD
Nếu như với sự kiện phóng thành công vệ tinh Vinasat-1 , VNPT đã góp phần không nhỏ ghi tên Việt Nam lên không gian mạng thế giới thì với cuộc thi “sinh tử” giành giấy phép 3G trong năm 2009, VNPT lại cùng là tập đoàn ghi tên Việt Nam vào bản đồ công nghệ 3G toàn cầu khi đã có tới hai doanh nghiệp trúng tuyển là VinaPhone và MobiFone. Điều góp phần đặc biệt hơn, đây cũng là hai doanh nghiệp đã cung cấp dịch vụ tới khách hàng chỉ sau một tháng và ba tháng chính thức nhận được giấy phép. VinaPhone đã chính thức cung cấp 6 dịch vụ công nghệ 3G đầu tiên từ ngày 12/10/2009 và MobiFone cung cấp 4 dịch vụ từ 15/12/2009.
Nếu chỉ đề cập tới hai thành tựu lớn đó của ngành nói riêng và đất nước nói chung thì vẫn chưa thể kể hết được nỗ lực của doanh nghiệp trong suốt thời gian qua. Thành công của VNPT còn là hoàn thành mục tiêu đưa điện thoại đến 100% xã trên toàn quốc từ năm 2005, phát triển mạnh dịch vụ Internet băng rộng ADSL tới tất cả các tỉnh, thành trên cả nước với giá thành phù hợp với mọi đối tượng người dùng… Những nhiệm vụ đã hoàn thành này sẽ còn tiếp tục được triển khai và phát huy trong các năm tiếp theo.
Năm 2010 bắt đầu giai đoạn mới để các doanh nghiệp viễn thông trong đó có VNPT triển khai một kế hoạch dài hạn hơn. Trong tất cả các chiến lược, kết hoạch phát triển của cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy cần thiết phải tiến tới xây dựng một mạng viễn thông quốc gia có tầm phục vụ, đi trước những nhu cầu phát triển viễn thông, CNTT của đất nước trong thời gian tới. Đón đầu chiến lược này, theo Phó Tổng giám đốc VNPT Bùi Thiện Minh, đích đến của doanh nghiệp viễn thông đó là có được một mạng cáp quang đồng bộ đến nhà thuê bao. Làm được điều này, chắc chắn chất lượng và dịch vụ của doanh nghiệp dành cho khách hàng sẽ được nâng lên rất nhiều.
Những nỗ lực đã được ghi nhận
Cuối tháng 12/2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký Quyết định số 2056/QĐ-CTN về việc phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động cho Tập đoàn BCVT Việt Nam (VNPT) vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động sáng tạo từ năm 1999 đến năm 2008, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đây là niềm vinh dự, tự hào của toàn thể hơn chín vạn CBCNV VNPT, thể hiện sự tiếp nối xứng đáng truyền thống 65 năm xây dựng và phát triển đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, CNH-HĐH đất nước của ngành Bưu điện.
Trong chặng đường 10 năm phát triển 1999 - 2008, với những thành tựu, nỗ lực của mình, có thể khẳng định, VNPT đã luôn giữ vững vai trò là doanh nghiệp chủ lực của đất nước trong lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông và CNTT.
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Vịêt Nam đã xây dựng và phát triển một hạ tầng cơ sở thông tin liên lạc hiện đại, đồng bộ và rộng khắp phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế, xã hội, sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước.
Những năm qua, đóng góp của VNPT không chỉ thể hiện ở vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nói chung mà nó còn thể hiện qua những con số, thành tựu ứng dụng khoa học công nghệ mới về viễn thông và CNTT của xã hội.
Trong sản xuất kinh doanh, tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm của VNPT năm sau luôn cao hơn năm trước khoảng 20 đến 30%. VNPT cũng là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu về đóng góp cho ngân sách nhà nước. Đặc biệt, với những nỗ lực không ngừng của VNPT, lĩnh vực Viễn thông - CNTT đã trở thành phương tiện hữu hiệu cho các ngành kinh tế của đất nước phát triển.
Theo VnMedia