Đưa CNTT-TT Việt Nam cất cánh
Trong năm 2010, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục đi đầu đảm bảo hạ tầng và nền tảng cho các ngành kinh tế khác phát triển.
Ông Lê Doãn Hợp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Trong bài trả lời phỏng vấn dành cho Báo Bưu điện Việt Nam Xuân Canh Dần, người đứng đầu ngành TT&TT - Bộ trưởng Bộ TTT&TT Lê Doãn Hợp đã nhìn nhận lại thành tựu cũng như những tồn tại của toàn ngành TT&TT. Ông cũng gửi gắm nhiều ước vọng về một ngành TT&TT chuyển sang giai đoạn cất cánh trước ngưỡng cửa thập kỷ thứ hai của Thế kỷ 21.
Xin Bộ trưởng đánh giá những kết quả nổi bật nhất mà ngành TT&TT đã đạt được trong năm 2009, cũng như tồn tại lớn nhất mà chúng ta vẫn chưa giải quyết được năm qua?
Nhìn lại quá trình phấn đấu của ngành TT&TT năm 2009, có thể thấy những kết quả nổi bật như sau:
Thứ nhất, năm 2009 Bộ TT&TT đã tập trung hướng về cơ sở. Lãnh đạo Bộ TT&TT đã đi các địa phương để giải quyết những kiến nghị, đề xuất của cơ sở, đồng thời tổ chức được 9 cuộc đối thoại trực tiếp trên Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, 3 cuộc trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của Bộ về các vấn đề cơ bản thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ và trả lời các ý kiến của nhân dân, của doanh nghiệp, của chính quyền các cấp. Bản thân tôi năm qua cũng đã 2 lần trả lời chất vấn trước Ủy ban thường vụ Quốc hội và Đại biểu Quốc hội về các vấn đề mà Quốc hội, cử tri quan tâm.
Thứ hai, trong năm 2009 ngành TT&TT cũng đã tổ chức thực hiện được nhiều công việc lớn, không chỉ cho năm 2009 mà còn tạo thế và đà cho những năm tiếp theo. Có thể kể đến việc Quốc hội đã thông qua 2 dự án luật: Luật Tần số vô tuyến điện và Luật Viễn thông. Đây là 2 đạo luật chuyên ngành cực kỳ quan trọng, tạo nền tảng pháp lý cho ngành bước sang một giai đoạn phát triển mới, với 3 chính sách mới có tính đột phá: Xã hội hóa phát triển hạ tầng viễn thông; Chuyển hình thức cấp phép các dịch vụ viễn thông sang thi tuyển và đấu giá, làm cho thị trường viễn thông – CNTT sôi động hơn, đáp ứng đúng xu hướng hội nhập và cơ chế thị trường; Xác định được địa vị pháp lý của Viễn thông Công ích (VTCI), tập trung cao cho phát triển dịch vụ viễn thông ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Chúng ta cũng đã hoàn thành việc xây dựng Quy hoạch Truyền dẫn Phát sóng PTTH (đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành) và Quy hoạch Báo in (đã trình Thủ tướng). Bộ TT&TT cũng đã khẩn trương xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án tăng tốc sớm đưa Việt Nam trở thành Quốc gia mạnh về CNTT&TT, bản Đề án thể hiện ý chí và khát vọng của ngành TT&TT nói riêng và đất nước nói chung, đưa lĩnh vực CNTT-TT Việt Nam chuyển sang giai đoạn cất cánh.
Bộ TT&TT cũng đã hoàn thành việc tổ chức thi tuyển, cấp phép và triển khai dịch vụ viễn thông di động thế hệ thứ 3 (3G), tạo cho ngành viễn thông Việt Nam một bước phát triển mới, cập nhật và hội tụ các các thành tựu tiên tiến của thế giới.
Thứ ba, trong giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế, ngành TT&TT vẫn phát triển mạnh mẽ, xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, là động lực và nền tảng của mọi sự phát triển. Viễn thông Việt Nam đạt mức tăng trưởng trên 61%. Ngành CNTT mặc dù gặp những khó khăn do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng vẫn phát triển khởi sắc, đạt mức tăng trưởng bình quân trên 20%; công nghiệp phần cứng, phần mềm, nội dung số đều có tốc độ phát triển rất cao. Bưu chính từng bước ra khỏi khó khăn và phấn đấu đến năm 2013 lấy thu bù chi và có lãi. Báo chí - Xuất bản đã tạo được sự đồng thuận xã hội cao để đưa đất nước phát triển, đổi mới chiều sâu và hội nhập quốc tế rộng mở.
Những sai sót trong lĩnh vực Báo chí – Xuất bản trong năm 2009 đã giảm nhiều so với năm 2008. Báo chí được dư luận xã hội đánh giá cao trong tuyên truyền người tốt, việc tốt, phê phán những hành vi tiêu cực, góp phần tích cực, tuyên truyền các chính sách kích cầu đầu tư và các giải pháp của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, chống suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, phòng chống dịch bệnh, thiên tai, cùng những chủ trương lớn của Đảng như cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng tự hào, chúng ta cũng còn có 3 tồn tại cần phải khẩn trương và nghiêm túc khắc phục trong năm 2010: Thứ nhất, việc xử lý những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, của công dân vẫn còn chậm và làm cho quá trình đổi mới của cơ sở vướng đọng nhiều khó khăn không cần thiết; Thứ hai, công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực nhạy cảm, nhân dân quan tâm như trò chơi trực tuyến, quản lý thuê bao di động trả trước, phát triển hạ tầng gắn với giải quyết các vướng mắc giữa các doanh nghiệp viễn thông và ngành Điện lực chưa được tiến hành khẩn trương, quyết liệt và hiệu quả; Thứ ba, việc đào tạo và hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho cơ sở còn nhiều bất cập.
Từ thực tiễn hoạt động của ngành TT&TT trong năm 2009, chúng ta có thể rút ra 4 bài học kinh nghiệm là: 1. Tạo sự đoàn kết, thống nhất, hợp lực, cộng sự trách nhiệm cao trong toàn ngành, cả trong nhận thức và hành động; 2. Vừa phải lo chiến thuật, vừa phải lo chiến lược tốt; 3. Quyết tâm cao hơn trong phối hợp hành động cả trong nước và quốc tế, giữa Trung ương và địa phương; và bài học thứ 4 là hướng về cơ sở chăm lo cơ sở.
Tôi tin tưởng rằng những thành quả mà ngành TT&TT đạt được trong năm 2009 sẽ tạo thế, tạo đà, tạo lực để toàn ngành bước vào năm 2010 với quyết tâm cao hơn và chắc chắn sẽ gặt hái những thành quả tốt hơn.
Năm 2009, nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do hệ quả từ suy thoái kinh tế và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, song riêng ngành CNTT-TT Việt Nam vẫn chứng tỏ nội lực và sức bật mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của kinh tế đất nước. Đâu là nền tảng cho sức vươn mạnh mẽ như vậy của ngành CNTT-TT, thưa Bộ trưởng?
Sức vươn mình mạnh mẽ của ngành CNTT-TT Việt Nam thời gian qua thể hiện ở những định hướng phát triển đúng mà lãnh đạo Bộ TT&TT đã xác định từ những năm 2008-2009, hai năm có thể coi là khó khăn nhất của đất nước trong hai thập kỷ qua.
Nếu như năm 2008 là năm lạm phát cao trên phạm vi toàn quốc thì ngành viễn thông vẫn liên tục giảm giá cước dịch vụ cho dân… Hiện tại, giá cước viễn thông Việt Nam, cả điện thoại cố định và di động đều vào loại thấp của khu vực và thế giới. Năm 2009, khi các ngành kinh tế suy giảm thì ngành viễn thông vẫn phát triển với tốc độ cao, bằng 11 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Điều đó khẳng định vai trò của ngành TT&TT đối với sự phát triển của đất nước cũng như trong cuộc sống của mỗi người dân, mỗi tổ chức, doanh nghiệp là rất cần, rất lớn.
Một yếu tố quan trọng không thể không nhắc đến là tiềm năng và lợi thế tự nhiên của ngành viễn thông: khi đất nước phát triển thuận lợi cũng như khi suy thoái, khó khăn, khi vui cũng như khi buồn, người ta đều cần nhu cầu thông tin liên lạc để tìm kiếm sức mạnh, chia sẻ khó khăn… Đất nước càng hội nhập quốc tế sâu rộng thì tiềm năng, lợi thế đó càng được phát huy.
Năm 2009 cũng là năm Bộ TT&TT tăng cường các hoạt động quản lý, định hướng thông tin, báo chí. Tuy nhiên, bài toán khó ở đây là làm thế nào để các hoạt động quản lý đảm bảo được sự cân bằng giữa vấn đề định hướng và sự cởi mở, dân chủ về thông tin. Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này.
Trước hết, tôi cho rằng, trong công tác quản lý báo chí, chúng ta phải tăng cường tiếp xúc, trao đổi, đối thoại, hội thảo trực tiếp với anh em báo chí nhiều hơn. Làm sao tạo được nhiều kênh đối thoại, trao đổi thẳng thắn, cởi mở, chân thành và tin cậy trên cơ sở cộng đồng trách nhiệm. Ngay đầu năm 2010 này, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức 3 cuộc gặp mặt báo chí ở 3 miền Bắc, Trung, Nam để đối thoại và lắng nghe những người làm báo nêu lên những đề xuất, tâm tư, nguyện vọng của mình và trao đổi, thảo luận cùng anh chị em những biện pháp tháo gỡ, khắc phục khó khăn để tiếp tục phát triển.
Thứ hai là cần phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp cho hoạt động báo chí, tạo cho báo chí hành lang pháp lý thông thoáng để anh em được tự do hành nghề. Định hướng quản lý báo chí cũng cần xác định một cách ngắn gọn, bằng hai từ Trung thực (khen đúng, chê đúng).
Điều cuối cùng nhưng cũng là quan trọng nhất là cần phải cung cấp đầy đủ thông tin cho báo chí. Kể cả những thông tin lâu nay vẫn coi là nhạy cảm cũng cần được cung cấp đầy đủ cho báo chí hiểu và thông tin đúng bản chất sự việc. Ví dụ, vừa rồi Thủ tướng Chính phủ ta thăm Liên bang Nga, có hợp đồng mua vũ khí của Nga, Thủ tướng chủ động công bố rõ mua vũ khí phục vụ cho mục tiêu bảo vệ Tổ quốc giữ gìn hòa bình trong cuộc gặp mặt báo chí chiều 07/01/2010. Như vậy thì không chỉ báo chí trong nước hiểu đúng mà cả báo chí thế giới cũng hết suy diễn, những ai không thiện chí cũng hết xuyên tạc.
Rồi những thông tin liên quan đến các chủ trương, chính sách mới, anh em báo chí cần thì cung cấp đầy đủ, làm cho việc định hướng thông tin báo chí được tốt hơn. Lâu nay việc cung cấp thông tin cho báo chí, chúng ta làm chưa trở thành nề nếp nên không ít trường hợp anh em báo chí phải mò mẫm, suy diễn. Trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí là trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức trung ương cũng như địa phương, còn Lãnh đạo ủy quyền cho ai cung cấp thông tin cũng phải được lựa chọn, nhưng ủy quyền đến mức không đủ thông tin cung cấp cho báo chí hoặc làm cho báo chí hiểu sai thì đó là lỗi của người ủy quyền.
Bên cạnh tăng cường quản lý thông tin, báo chí, chúng ta cũng đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động thông tin, đối ngoại để vừa giúp anh em, bạn bè thế giới hiểu về chúng ta hơn, vừa tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng trong những vấn đề quốc tế có liên quan đến Việt Nam. Trong những chuyến công tác nước ngoài, Bộ trưởng có thể đánh giá được về hiệu quả của những công tác này qua sự chia sẻ của bạn bè quốc tế?
Điều tôi mừng nhất khi đi công tác nước ngoài, bạn bè quốc tế đánh giá về đất nước ta rất lạc quan. Họ đánh giá Việt Nam là một quốc gia đã nêu một tấm gương sáng về chủ nghĩa yêu nước trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Nay lại tiếp tục nêu gương sáng trong sự nghiệp Đổi Mới và đánh giá cao khi chúng ta kiên định đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, chấp nhận cơ chế thị trường, bắt tay với tất cả các đảng cầm quyền trên thế giới là một hướng đi đúng đắn, rất Việt Nam, rất thời đại.
Đồng thời nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đều có chung nhận xét Việt Nam ra khỏi khủng hoảng kinh tế rất nhanh, điều đó chứng tỏ đất nước các bạn có một Đảng cầm quyền trí tuệ, một chính phủ bản lĩnh, sáng tạo và linh hoạt. Vì vậy, Việt Nam đã trở thành một đất nước thanh bình, nhân dân thân thiện, chính trị ổn định, kinh tế phát triển là một điểm hẹn rất tốt cho khách du lịch và các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, để bạn bè quốc tế hiểu và ủng hộ Việt Nam hơn, chúng ta cần phải tăng cường công tác thông tin đối ngoại nhiều hơn. Thông tin đối ngoại ngày nay là thông tin cởi mở, nói thẳng nói thật, không nên thấy nhạy cảm là né tránh đến mức thiếu thông tin, cái chính là chọn liều lượng và thời gian, hoàn cảnh thích hợp để cung cấp thông tin đúng và đủ.
Thế giới trong thời đại toàn cầu hóa và bùng nổ thông tin bây giờ là thế giới cởi mở, rõ ràng. Đã đến lúc cần thông tin đầy đủ và chính xác, điều đó sẽ khiến việc liên kết hợp tác với nhau tốt và thiết thực hơn.
Trong bộn bề khó khăn những ngày đầu năm 2009, Chính phủ vẫn tin tưởng vào sức mạnh tiềm ẩn của ngành CNTT-TT và quyết tâm xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT-TT. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Đề án tăng tốc sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT-TT đã được Bộ TT&TT xây dựng và đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân. Là người đứng đầu ngành CNTT-TT, hẳn Bộ trưởng đã gửi gắm vào bản Đề án này nhiều tâm tư, khát vọng?
Mỗi dân tộc cần phải có hoài bão và khát vọng. Người ta đánh giá cao một dân tộc ở trí tuệ, bản lĩnh và khả năng tổ chức thực hiện để biến những ước mơ, hoài bão thành hiện thực. Thực tiễn đã cho thấy trong lĩnh vực CNTT-TT chúng ta đã và đang thể hiện được sức bật mới và khả năng phát triển rất nhanh. Vì thế, bản Đề án là cơ hội để chúng ta thúc đẩy sự phát triển CNTT-TT Việt Nam nhanh hơn nữa, thành công hơn nữa.
Mặt khác, khát vọng này xuất phát từ chính thực tế là nước ta đang ở thời kỳ “dân số Vàng” với một thế hệ trẻ năng động, có tri thức, nhiều khát vọng, nhiều tố chất phù hợp với lĩnh vực CNTT. Đây có thể coi là cơ hội Vàng cho dân tộc, cho thế hệ trẻ mà nếu chúng ta không quyết tâm hành động thì cơ hội Vàng sẽ qua đi rất nhanh và không bao giờ trở lại.
Tất cả những đất nước đi qua chiến tranh đều bị tổn thất, hy sinh, nhưng lịch sử cũng có sự bù đắp để sau khoảng 30 năm kết thúc chiến tranh sẽ cho đất nước đó một quốc gia trẻ. Cơ hội Vàng này trên thế giới đã được Nhật Bản và Hàn Quốc nắm bắt và tận dụng tốt nhất. Cơ hội vàng đang gõ cửa chúng ta. Nếu bỏ lỡ cơ hội này, chúng ta sẽ có lỗi với lịch sử, với dân tộc và với các thế hệ mai sau.
Năm 2010, đất nước ta sẽ tổ chức trọng thể Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội cùng nhiều ngày lễ lớn khác. Trong giờ khắc trọng đại này, Bộ trưởng có ước vọng gì?
Tôi có một khát vọng và tôi tin rằng đó cũng là khát vọng của mọi người Việt Nam yêu nước là: Hãy thay đổi nhanh thứ hạng và hình ảnh của dân tộc mình trên trường quốc tế. Phải làm cho dân tộc Việt Nam bừng sáng, sánh vai với các cường quốc năm châu như ước nguyện của Bác Hồ. Muốn đạt được điều đó chúng ta phải quyết liệt hơn nữa trong hành động. Ngành TT&TT vừa là hạ tầng, vừa là nền tảng, vừa là kinh tế mũi nhọn cần phải đi đầu để tạo điều kiện cho các ngành khác cùng phát triển.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Theo ICTNews