dinhtuandung2012
Manager
Apple và các MTXT siêu mỏng đều đạt chuẩn EPEAT
Sau khi tiến hành thử nghiệm 5 MTXT siêu mỏng kể từ tháng 7 vừa qua, nhóm tiêu chuẩn EPEAT xác định rằng các sản phẩm này phù hợp với các yêu cầu nghiêm ngặt về hệ thống thân thiện với môi trường của tổ chức.
EPEAT được biết đến như là một công cụ đánh giá sản phẩm điện tử thân thiện với môi trường dựa trên các tiêu chí hàng đầu, đảm bảo góp phần giảm nguy cơ tạo ra các chất thải điện tử trên trái đất.
Năm MTXT siêu mỏng được thử nghiệm bao gồm các sản phẩm được tạo bởi Apple, Lenovo, Samsung và Toshiba.
Đánh giá của EPEAT đối với các MTXT siêu mỏng diễn ra sau khi Apple công bố thu hồi tất cả các sản phẩm của mình khỏi tiêu chuẩn EPEAT. Chỉ 3 ngày sau đó, Apple đã phải quay trở lại với tiêu chuẩn này do nhận phải những phản ứng dữ dội từ phía người tiêu dùng.
Trên trang web của Apple, Bob Mansfield, phó chủ tịch cấp cao bộ phận phần cứng tại công ty cho biết: "Chúng tôi đã nhận được những phản ứng từ phía khách hàng khi cho rằng họ cảm thấy thất vọng sau khi chúng tôi tuyên bổ từ bỏ hệ thống đánh giá EPEAT đối với các sản phẩm của mình. Chúng tôi nhận ra đó là một sai lầm và tất cả các sản phẩm của Apple hứa sẽ đáp ứng đủ các điều kiện của EPEAT".
Lí do ban đầu được phát ngôn viên của Apple cho biết là công ty đang muốn hướng các sản phẩm của mình theo một hướng đi mới không theo tiêu chuẩn EPEAT nữa. Theo các giới phân tích suy đoán, dòng MTXT siêu mỏng mới của Apple sẽ không đáp ứng được các tiêu chuẩn EPEAT đưa ra, và công ty muốn tránh tình huống bị EPEAT từ chối cấp chứng nhận trong tương lai.
Theo Harrell đến từ tổ chức về môi trường Greenpeace cho biết: "Apple muốn rời khỏi tiêu chuẩn EPEAT khi họ biết MacBook Pro với màn hình Retina sẽ không có khả năng hội đủ điều kiện đăng kí".
Greenpeace: "Các đánh giá chưa đúng với thực tế"
Tại phòng thí nghiệm kiểm tra kĩ thuật về khả năng tháo gỡ 5 MTXT siêu mỏng nói trên, quá trình này mất dưới 20 phút trong tất cả các trường hợp, điều này được cho là phù hợp với những yêu cầu dành cho EPEAT. Tuy nhiên, Greenpeace lập luận rằng những phát hiện trong phòng thí nghiệm không phản ánh điều kiện trong thế giới thực.
Harrell cho biết: "Người dùng có thể sẽ bị vi phạm vào chính sách bảo hành sản phẩm của họ một khi thay đổi pin trên máy do họ không được trang bị đầy đủ các dụng cụ tháo gỡ. Chắc chắn điều này là một quá trình phức tạp, và họ có thể sẽ mua một sản phẩm mới. Kết quả là thiết bị điện tử đó có tuổi thọ làm việc ngắn hơn và nguy cơ sinh ra chất thải điện tử là không thể tránh khỏi".
Ông cũng nói thêm rằng thiết bị điện tử cần phải được thiết kế để người dùng có thể nâng cấp và sửa chữa chúng một cách dễ nhất có thể. Và nếu mà các công ty không thể làm cho sản phẩm dễ dàng thay thế, họ không nên bán chúng ra thị trường.
Mặc dù vậy, theo các đánh giá của các nhóm môi trường thì Apple đang trở nên "xanh hơn" trong thời gian gần đây với các sản phẩm được cải thiện nhiều về vấn đề môi trường.
Theo TTCN.