Loa máy tính UCube - nhỏ mà có võ
Bộ loa USB bé hạt tiêu U-Cube của hãng Ultralink có thiết kế mang phong cách các sản phẩm Apple. Tuy kích thước nhỏ nhưng sân khấu âm thanh rộng nhưng chi tiết.
Ultralink là một hãng âm thanh Canada, chuyên sản xuất các loại dây dẫn phục vụ audio vốn khá quen thuộc với dân chơi âm thanh. Mới đây, Ultralink bắt đầu mở rộng sản xuất sang lĩnh vực thiết bị và Ucube là sản phẩm đầu tiên của thương hiệu Ultralink Ufi.
Loa Ucube có thiết kế giống các sản phẩm của Apple.
Được sản xuất để phục vụ thị trường đại chúng với mức giá bình dân, song UCube được làm khá kỹ với một thiết kế mang đậm phong cách Apple. Bộ loa có kích thước hình khối Rubik này có 4 màu khác nhau (đen, trắng, bạc và đỏ) và kích thước khiêm tốn (mỗi cạnh 8,9cm), đi kèm bộ chân đế cùng màu được tạo hình trang nhã. Vỏ loa được làm bằng nhựa để giảm trọng lượng phục vụ mục đích di động, nhưng được phủ lớp bảo vệ bề mặt trước khi sơn, tạo cảm giác được làm bằng kim loại. Mặt trước được bảo vệ bằng tấm lưới hợp kim. Đường kết nối nằm ở mặt sau. Loa chính nối trực tiếp với máy tính qua cổng USB, loa còn lại kết nối với loa chính qua một sợi cáp dài 1m.
Khác với các bộ loa máy tính thông thường, UCube không dùng nguồn điện bên ngoài mà lấy năng lượng thông qua cổng USB của máy tính. Dòng điện tối thiểu từ cổng USB cho bộ loa này hoạt động là 500 miliampere. Vì thế, UCube cần được kết nối với máy tính bàn hoặc máy laptop. iPad, iPhone và các thiết bị máy tính bảng không phải là đối tác của bộ loa này.
Công suất tối đa của cặp UCube theo cataloge của hãng là tương đương 30W, có nghĩa là 15W/ kênh.
UCube là loa nhỏ nhưng trường âm rộng.
Tuy có kích thước tí hon, nhưng UCube thực chất là sản phẩm "nhiều trong một", tích hợp cả bộ nhận tín hiệu USB từ máy tính, bộ giải mã DAC, ampli class D và loa. Cổng USB của máy tính vừa là nơi cung cấp tín hiệu âm thanh, vừa là nơi cung cấp năng lượng cho bộ loa hoạt động.
Có thể nhiều người sẽ hoài nghi, tại sao với một mức năng lượng chỉ khoảng 2,5W từ cổng USB của máy tính (5V, 500mA) lại có thể tạo ra một công suất âm thanh tương đương 30W như lời quảng cáo của hãng? Năng lượng từ cổng USB của máy tính sẽ được đưa tới một bộ nguồn switching. Một bộ DSP thông minh làm nhiệm vụ điều khiển phần nguồn sẽ lập trình sao cho ở những khoảng lặng của bản nhạc, tức là lúc năng lượng tiêu thụ thấp nhất thì phần năng lượng dư thừa sẽ được tích trữ lại để "bù" cho những thời điểm cần huy động công suất. Theo tài liệu của hãng, nhờ vào nguyên lý hoạt động như vậy, ampli class D trong loa sẽ đạt được mức công suất hiệu dụng lớn hơn từ 10 đến 15 lần so với công suất cấp từ nguồn máy tính.
Song, điểm nhấn công nghệ của cặp loa này lại chính là nằm ở phần loa. UCube sử dụng công nghệ loa BMR, một phát minh gần đây của hãng NTX. BMR là một công nghệ lai ghép giữa công nghệ loa điện động truyền thống với công nghệ DML cũng do NTX phát minh. DML là từ viết tắt của Distributed Mode Loudspeaker, hay còn gọi là Bending Wave Loudspeaker.
Loại loa này được phát minh ra dựa trên nguyên lý sóng tròn. Nôm na là khi ném một viên sỏi xuống dưới nước sẽ tạo ra các vòng tròn đồng tâm có bước sóng khác nhau. Vòng tròn càng gần tâm nơi viên sỏi rơi xuống thì có bước sóng càng ngắn (tần số cao); vòng tròn càng xa tâm thì có bước sóng càng dài (tần số thấp). Dựa vào nguyên lý như vậy, người ta chế tạo màng loa là một tấm panel có bề mặt phẳng và tương đối cứng nhưng có độ dày hoặc trọng lượng khác nhau từ tâm ra ngoài viền loa. Khi có tín hiệu, cuộn dây điện động trong loa dao động sẽ tác động làm tấm panel này rung phát ra âm thanh. Mỗi phần của màng loa có kết cấu khác nhau nên tần số rung động khác nhau và tạo ra một thứ âm thanh nhất định. Vì thế, người ta còn gọi đây là loại loa màng rung. Do cơ chế màng rung như vậy nên dạng loa này có ưu điểm nổi trội là tán xạ âm thanh một diện nghe rất rộng, gần như 360 độ, kể cả các âm thanh ở tần số cao vốn là loại âm thanh có tính định hướng. Nhược điểm là để tái tạo chính xác âm thanh ở tần số thấp thì đòi hỏi tấm panel phải tương đối lớn. Để khắc phục nhược điểm này, loại loa BMR đã ra đời. BMR kế thừa nguyên lý màng rung của loa DML nhưng có thêm phần viền nhún ở ngoài cùng của tấm panel. Viền loa này đảm nhiệm 2 vai trò, nó vừa tạo cân bằng động cho màng loa, đồng thời là cơ cấu nhún để khi có tần số thấp thì tấm panel dao động theo trục dọc như một cái pistol, tương tự như cơ chế của loa điện động màng nón. Như vậy, màng loa sẽ rung để tái tạo các âm thanh ở dải tần trung và cao, còn với âm trầm, toàn bộ màng loa sẽ được đẩy về phía trước để tạo ra tiếng bass. Với kết cấu này, công nghệ BMR giúp có thể thu nhỏ màng loa, trong khi vẫn giữ được đặc tính ưu việt của loại loa màng rung.
Vì sự ưu việt như vậy mà trong vài năm gần đây, loa BMR đã tạo ra một cuộc cách mạng thực sự và được hàng loạt hãng điện tử ứng dụng trong các sản phẩm loa từ loa điện thoại, loa TV, loa xe hơi, sound-bar xem phim đa kênh đến loa hi-end. Một số hãng audio có tên tuổi cũng đã bắt đầu sản xuất các loại loa dựa trên công nghệ BMR, như Cambridge Audio, Naim Audio.
Đối với sản phẩm UCube này, Ultralink đã tỏ ra rất thức thời khi ứng dụng cùng lúc 2 công nghệ được coi là mới nhất là ampli Class D dùng DSP thông minh để điều khiển cấp nguồn và công nghệ loa BMR.
Cặp loa nhỏ này chỉ cần cắm vào cổng USB của thiết bị phát nhạc là có thể thưởng thức.
UCube được sản xuất theo triết lý Plug an Play, có nghĩa là chỉ việc cắm và thưởng thức, không cần phải thao tác cài đặt gì, chỉ đơn giản là cắm cáp USB, kết nối dây tín hiệu giữa 2 loa với nhau, khởi động một phần mềm chơi nhạc bất kỳ.
Ấn tượng đầu tiên là âm hình. Chỉ cần đặt loa 2 bên cạnh của máy tính, xoay nhẹ loa tạo thành một góc hợp lý, một sân khấu âm thanh khá sống động sẽ hiện ra phía trước bạn. Trong bản song tấu cổ điển Czardas, có thể dễ dàng hình dung ra vị trí 2 nhạc công guitar của ban nhạc Monti đang phối hợp với nhau một cách khá nhuần nhuyễn. Còn với các bản thu phức tạp hơn như Allegro No Troppo, khi nhắm mắt lại, bạn có thể cảm nhận về một dàn nhạc giao hưởng Allatic thu nhỏ. Không gian âm thanh của cặp loa này khá rộng và có chiều sâu, vượt ra ngoài vị trí đặt loa. Khi lùi ra xa, tính chính xác của âm hình sẽ giảm đi, nhưng cảm nhận về âm hình vẫn tương đối rõ. Đây là điểm khác biệt thú vị của dạng loa BMR so với loa truyền thống.
Ấn tượng tiếp đến là sự chi tiết ở mức âm lượng nhỏ. Tiếng luyến láy, lấy hơi của ca sỹ, tiếng vuốt tay trên dây đàn của nhạc công, tiếng lanh canh của bộ gõ cymbal và những chi tiết rất nhỏ của bản nhạc đều được UCube thể hiện khá hoàn hảo. Có thể nhận định rằng, đây là một trong những cặp loa nghe gần (near field) tốt nhất.
Trung âm là điểm nổi trội ở cặp loa này. Giọng ca trầm khàn của Allan Taylor như thêm phần đậm đặc. Chất giọng trong vắt của Madona trong bài Don’t cry for me Argentina cho thấy phần thánh thiện ẩn bên con người cô ca sỹ luôn nổi loạn và nhiều điều tiếng này. Thử nghiệm qua nhiều bản vocal cho thấy UCube đặc biệt thích hợp với thể loại nhạc này. Tuy nhiên, có vẻ như trung âm của UCube được bộ DSP xử lý có phần hơi nhấn, khiến cho ưu điểm này có thể trở thành nhược điểm ở những bản nhạc đòi hỏi sự cân bằng giữa các dải.
Dải cao cũng có thể được coi là thế mạnh của UCube, tơi, nhuyễn và lan tỏa. Tiếng đàn violon hay kèn clarinet qua cặp loa này có cảm giác không bị chói, gắt.
Thử nghiệm cho thấy UCube là cặp loa khá đa dụng, chơi tốt nhiều thể loại nhạc, từ vocal, hòa tấu đến những thể loại nhạc "khó tính" như classical, jazz. Thậm chí, khi test thử những bản pop hay heavy metal, cặp loa tí hon này cũng thể hiện khá tốt. Tiếng bass chắc và gọn cho dù có vẻ hơi lưng lửng, không xuống được sâu, giống như nhược điểm của phần lớn các cặp loa bookshelf.
Theo Sohoa