Điều gì sẽ đến sau báo điện tử
Mỗi khi có sự xuất hiện của một loại hình mới, ban đầu người ta hay nói đến sự đe doạ của loại hình mới đối với loại hình cũ để rồi rốt cuộc, tất cả đều cùng tồn tại, “cùng chiến thắng”, cho đến khi báo điện tử xuất hiện.
Tốc độ phát triển về quy mô của các tờ báo điện tử ở Việt Nam không thua các tờ báo điện tử thế giới.
Lịch sử phát triển báo chí cho thấy, sự xuất hiện và phát triển của mỗi loại hình báo chí - từ báo in, phát thanh, truyền hình cho đến báo điện tử - phụ thuộc vào công nghệ.
Báo điện tử không phải là mối đe doạ suông đối với báo in, truyền hình hay phát thanh nữa. Ở nhiều nước phương Tây, nhiều tờ báo thua lỗ do mất độc giả, quảng cáo vào tay báo điện tử, thậm chí có những tờ báo hàng trăm tuổi đã quyết định đóng cửa để chỉ xuất bản trên mạng. Tại Việt Nam, chưa có tờ báo nào ngừng xuất bản vì báo điện tử, cũng không có số liệu thống kê chính thức số lượng phát hành, doanh thu quảng cáo của báo in giảm do báo điện tử nhưng chắc chắn, những tác động này là có. Nhưng ngay cả khi đang ở trong thế thượng phong như vậy, bản thân báo điện tử vẫn còn loay hoay với mô hình kinh doanh, đồng thời đối mặt với câu hỏi thường xuyên được đặt ra: Báo điện tử sẽ thay đổi đến mức nào? Điều gì sẽ tới sau báo điện tử?
Đối với nhiều người, đây là những vấn đề có vẻ quá xa vời, nhất là trong thời đại bùng nổ truyền thông kỹ thuật số. Nhưng ít nhất, có một số người phải tìm được câu trả lời - các tổng biên tập, phụ trách báo điện tử. Và rất may, có ba vị tổng biên tập, phụ trách báo điện tử hàng đầu Việt Nam đã đồng ý cởi mở suy nghĩ của mình về tương lai báo điện tử.
Đó là ông Phạm Huy Hoàn, Tổng biên tập báo điện tử Dân trí (
www.dantri.com.vn), một trong top 3 báo điện tử Việt Nam. Ông Hoàn là người đặt nền móng đổi mới thành công cho tờ Lao động khi ông là Tổng biên tập báo này và kể từ khi đảm nhiệm vị trí Tổng biên tập Dân trí năm 2005, ông Hoàn đã đưa Dân trí nhanh chóng lọt vào top 3 báo điện tử tiếng Việt có lượt truy cập đông nhất.
Người thứ hai là ông Hàng Phước Long, Phó Tổng thư ký toà soạn báo Tuổi trẻ, phụ trách báo điện tử Tuổi trẻ Online (
www.tuoitre.com.vn). Theo nhận xét của cư dân mạng, Tuổi trẻ Online là báo điện tử chính luận đáng tin cậy nhất và đông người truy cập nhất mà không cần tin tức lá cải, giật gân.
Và cuối cùng là vị Tổng biên tập trẻ tuổi Lê Quốc Minh của báo điện tử Vietnam Plus (
www.vietnamplus.vn) thuộc Thông tấn xã Việt Nam. Vietnam Plus vừa mới mừng sinh nhật tròn một tuổi hồi tháng 11/2009 nhưng đã trở thành nguồn tin chính thức được nhiều báo sử dụng lại và hứa hẹn là đối thủ cạnh tranh đáng gờm trong làng báo điện tử. Còn ông Lê Quốc Minh, đồng thời là người sáng lập Diễn đàn nghiệp vụ báo chí (VJ) tại
www.vietnamjournalism.com có uy tín trong giới báo chí, đã có hàng chục năm nghiên cứu về báo điện tử.
Lộn xộn hay bão hoà?
Trước khi đi đến câu hỏi bước phát triển tiếp theo của báo điện tử là gì, ông Lê Quốc Minh thảo luận về giai đoạn phát triển của báo điện tử Việt Nam hiện tại. Ông cho rằng tốc độ phát triển về quy mô, sự mở rộng của các tờ báo không thua các tờ báo điện tử thế giới. Tuy nhiên, để gọi báo điện tử Việt Nam đã phát triển một cách đầy đủ chưa, thì câu trả lời có thể nói luôn là chưa. Bởi cho đến giờ phút này nội dung báo điện tử Việt Nam mới chỉ dừng lại ở dạng tin bài bằng văn bản, hình ảnh, video và tương tác ở các cuộc giao lưu trực tuyến, phản hồi độc giả mà chưa có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các hình thức này. Về số lượng, theo ông Minh tuy công nghệ đang làm cho việc trình bày nội dung tin tức hấp dẫn hơn nhưng số phiên bản dành cho Internet đến một “ngưỡng” nhất định, không thể tạo được đột phá như những năm trước nữa và có thể nói báo điện tử đang bão hoà.
Không cho là báo điện tử bão hoà, ông Hàng Phước Long và ông Phạm Huy Hoàn đưa ra minh chứng về số lượng báo điện tử so với báo giấy. Hiện tại, theo Bộ TT&TT, cả nước có 896 ấn phẩm báo in trong khi có 21 báo điện tử và 160 trang tin điện tử thuộc các cơ quan báo chí. Vấn đề ở chỗ, ngoài các báo điện tử và trang tin điện tử nói trên còn rất nhiều trang tin của doanh nghiệp chuyên copy nội dung của các báo điện tử, hình thức không khác báo điện tử. “Đây là tình trạng phát triển lộn xộn chứ không phải bão hoà”, ông Hàng Phước Long nói. Trong khi các báo điện tử tốn kém vô khối chi phí để sản xuất nội dung thì nhờ sự trợ giúp của công nghệ, ngày càng xuất hiện nhiều cỗ máy nghiễm nhiên “quét” toàn bộ nội dung từ các báo điện tử và bán quảng cáo.
Để bảo vệ bản quyền báo điện tử, báo Tuổi trẻ cùng bốn tờ báo khác đã liên kết, thuê luật sư giám sát tình trạng sử dụng nội dung của mình trái phép. Tuy nhiên, như ông Long nói cũng “chả làm gì được” và “nó (tình trạng sao chép nội dung tin tức trực tuyến trái phép) sẽ không chấm dứt, phải sống chung thôi”. Ông Hoàn cũng đồng quan điểm, “cho đến lúc này vấn đề bản quyền tôi nghĩ thật khó kiểm soát, đến thế giới còn chả kiểm soát được…”.
Đó cũng chính là một lý do báo điện tử Việt Nam không thể bàn tới việc thu phí nội dung. Ngoài ra, câu hỏi ông Lê Quốc Minh nói cũng đáng phải suy nghĩ là ở Việt Nam “nội dung có đáng để người ta bỏ tiền ra mua không?”. Chẳng hạn, có tin về thay đổi nhân sự ở địa phương được đọc nhiều nhất nhưng bảo độc giả đăng ký để đọc tin này thì chắc chắn, ông Minh nói là sẽ có rất ít.
Mối đe doạ từ mạng xã hội
Trong khi vấn đề bản quyền hầu như rơi vào bế tắc, các tổng biên tập báo điện tử còn đương đầu với thách thức ngày càng lớn từ các mạng xã hội, blog.
Mặc dù cho rằng mạng xã hội, blog là nơi cư dân mạng vui chơi, giải trí và báo điện tử mới là nơi độc giả tìm được thông tin chính thống họ cần nhưng ông Hàng Phước Long nói nó có thách thức với báo điện tử. Báo điện tử có những nguyên tắc đăng tải thông tin khắt khe trong khi blogger hay mạng xã hội cho phép thành viên thoải mái đăng bất cứ điều gì họ thích/muốn. Ngoài ra, các mạng xã hội cũng sử dụng tuỳ tiện nội dung của báo điện tử. Ông Lê Quốc Minh bổ sung thêm hiện có tình trạng người ta không tin vào truyền thông chính thống mà vào blogger, tâm lý thích tìm hiểu những gì không chính thống trên mạng rất rõ.
Với ông Phạm Huy Hoàn, mạng xã hội có thách thức lớn hơn nhiều. “Có thể tương lai cạnh tranh mạnh mẽ nhất với báo điện tử là mạng xã hội”, ông Hoàn nói. Lý do là đến một lúc nào đó, người dùng Internet quá quen với một hệ thống thông tin (báo điện tử) và có nhu cầu tìm đến những nhóm người, cộng đồng có chung mối quan tâm.
“Mạng xã hội có cộng đồng của nó, chính những cộng đồng đó sẽ hút độc giả - trước đây tìm đến báo điện tử - làm giảm lượng truy cập vào báo điện tử, tức là giảm doanh thu quảng cáo… Vì vậy, các tổng biên tập tôi tiếp xúc đều nghĩ xa hơn và cũng phải tính tới việc sẽ chuyển mình như thế nào trong lúc mạng xã hội, blog cá nhân đang phát triển rất nhanh”, ông Phạm Huy Hoàn nói.
Những dự đoán khác nhau
Vậy thì rốt cuộc, tương lai báo điện tử sẽ thay đổi như thế nào?
“Chúng tôi đang phải nhìn tới tương lai báo điện tử trong môi trường mạng xã hội đang phát triển rất nhanh mà trong giai đoạn này tôi nhìn hướng đi các mạng xã hội lấn sân báo điện tử rất nhiều”, ông Phạm Huy Hoàn nhấn mạnh. Ông nói, sự thay đổi của báo điện tử phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ. Chỉ cần một sáng kiến, thiết bị mới có thể làm thay đổi thói quen của độc giả ngay lập tức và làm báo điện tử thay đổi theo. Còn theo ông Hàng Phước Long, người làm nội dung tin tức điện tử tuỳ thuộc vào công nghệ. “Có thể, sắp tới độc giả không đọc báo điện tử trên máy tính mà cầm tờ giấy điện tử (e-paper) có thể uốn, gập được”, ông Long dự đoán.
Tại Việt Nam, ông cho rằng cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của báo điện tử. Chẳng hạn, Tuổi trẻ Online không thể áp dụng tính năng cho phép người dùng cá thể hoá trang chủ theo sở thích. “Phát triển báo điện tử tuỳ thuộc vào kỹ thuật, hạ tầng cơ sở viễn thông trong vài năm tới. Nội dung báo điện tử tiếp tục đi theo hướng hội tụ truyền thông đa phương tiện: hình ảnh, âm thanh video, văn bản kết hợp”. Ông Lê Quốc Minh nhìn thấy tương lai báo điện tử từ di động. “Báo điện tử hiện nay đang được hiểu là một trang đặt trên Internet với nhiều tính năng, ứng dụng. Tiếp theo của nó sẽ vẫn là cái gì đó ở dạng điện tử nhưng được phân phối dưới hình thức khác là qua điện thoại di động. Rồi chúng ta sẽ thấy chừng hai năm nữa, mức độ truy cập qua mobile sẽ chi phối so với Internet truyền thống”, ông Minh nói.
Ngoài ra, báo điện tử phải đi theo xu hướng người dùng tạo nội dung chứ không thể thuần tuý dựa vào đội ngũ biên tập viên, phóng viên và thông tin không đòi hỏi thật quy chuẩn, chỉ là những dòng tin mang tính thông báo và được thẩm định chính xác, ông Minh dự báo. “Nếu không tận dụng những người nghiệp dư thì nội dung (báo điện tử) dần nhàm chán, khuôn mẫu. Chỉ có điều báo chí mang tính xã hội cao nên phải thẩm định để quyết định đưa tin này hay không, do đó đòi hỏi bản lĩnh biên tập viên rất cao”.
Cũng từ năm 2009, các báo điện tử Việt Nam bắt đầu tung ra các phiên bản dành cho di động và dự báo xu hướng này sẽ tăng mạnh trong năm 2010. Đồng thời, các báo cũng ráo riết đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu làm báo thời di động.
Báo điện tử Tuổi trẻ Online không có phóng viên viết riêng cho báo điện tử vì phóng viên báo giấy đồng thời là phóng viên báo điện tử. Yêu cầu đối với mỗi phóng viên là “ba trong một”: viết (cho cả báo giấy và báo điện tử), chụp ảnh và quay video. Ban biên tập báo Tuổi trẻ đã mở lớp đào tạo phóng viên “ba trong một” trong năm 2009.
Hiện vào mỗi thứ Năm hàng tuần, ông Lê Quốc Minh dành một buổi đào tạo về các kỹ năng viết cho báo điện tử cho các phóng viên, biên tập viên Vietnam Plus. Ông Minh nói so với yêu cầu của Vietnam Plus, nhân lực làm báo điện tử chỉ ở mức trung bình khá, nhưng so với báo điện tử khác là hài lòng vì họ làm đúng theo quy chuẩn.
Ông Hoàn cho biết, Dân Trí có kế hoạch đào tạo phóng viên, ngoài khả năng về nghiệp vụ báo chí cao, còn phải hiểu biết về công nghệ thí dụ như khả năng quay video, dựng video... Hơn nữa mỗi người làm báo cần biết tận dụng tính tương tác của báo điện tử để đón nhận sự tham gia tức thời ở mọi nơi của bạn đọc trong thời đại mà thông tin đa phương tiện được hội tụ ngay trên màn hình mỗi máy điện thoại di đông của bạn đọc. "Muốn tồn tại, cạnh tranh, phải vượt trội hơn đồng nghiệp bằng những nét riêng hoặc những hoạt động xã hội rộng lớn của báo mình " , ông Hoàn chia sẻ kinh nghiệm thành công của báo Dân trí.
Theo ICTNews