“Kỷ nguyên” Google
Hãy tưởng tượng buổi sáng bạn thức giấc từ tiếng chuông của chiếc điện thoại Google Android. Sau đó vào nhà tắm, bạn đọc Google News và kiểm tra các tin tức khác, rồi sau đó là check mail qua Gmail. Cuộc hẹn đầu tiên trong ngày của bạn đã được chuyển sang một vị trị khác, bạn sẽ sử dụng Google Maps để tìm địa điểm. Tới văn phòng, bạn tạo bài trình bày của hôm đó bằng Google Template, rồi có thể sẽ phải dịch chúng ra một thứ ngôn ngữ khác thông qua Google Translate.
Bộ ba lãnh đạo Google: Larry Page, Schmidt, và Sergey Brin.
Sếp của bạn muốn thảo luận với nhóm để đưa ra một số quyết định – bạn sẽ dùng Google Groups. Nếu không phải ra ngoài, bạn có thể ở văn phòng tìm kiếm thông tin quan trọng cho công việc, download game, kiểm tra giá cổ phiếu hôm đó thế nào, sắp xếp lại các bản ghi y tế, có thể chia sẻ ảnh, đặt trước hỗ tại một nhà hàng nào đó vào buổi tối, hoặc cũng có thể đặt trước chỗ xem phim tại rạp. Cuộc sống thật tiện lợi biết bao!
Chủ đích của Google ở đây là gắn liền mọi khoảnh khắc trong cuộc sống của bạn với mạng Internet. Dù bạn có ở đâu, tại nhà, hay sân bay, nơi làm việc, hoặc bất cứ nơi đâu thì bạn vẫn luôn được kết nối. Tất cả những điều đó đều được thể hiện qua gói ứng dụng Google Applications (Apps), cho phép mọi người chia sẻ lịch, bảng tính, ghi chú, báo cáo, e-mail, blog, bài trình bày và nhiều thứ khác thông qua hệ thống máy chủ lưu trữ khổng lồ của Google.
Eric Schmidt, đồng sáng lập Google, giải thích cho tham vọng trên: “Đơn thuần là chúng tôi chỉ muốn mọi thứ được chia sẻ 100%”. “Mô hình của chúng tôi tốt hơn nhiều so với các đối thủ khác. Nếu bạn nhìn sang Microsoft, bạn sẽ thấy các sản phẩm của họ vẫn còn rất nhiều vấn đề”.
Tất nhiên, là một tập đoàn lớn và danh tiếng, Microsoft không thể tệ hơn những gì mà Eric Schmidt nói. Các sản phẩm chủ chốt của hãng này như Bing, Windows 7, Office 2010 (kể cả phiên bản trên Web) vẫn được người dùng đánh giá cao và rất có triển vọng. Gần đây, Microsoft đã có cuộc tiếp xúc với News Corp. để bàn về cơ chế trả tiền cho phần nội dung mà hãng sử dụng cho công cụ tìm kiếm Bing, đồng thời tìm cách ngăn không cho Google lấy thông tin của News Corp. Đây có thể xem là đòn phản pháo mạnh tay nhất của Microsoft trong thời gian gần đây nhắm vào Google.
Tầm nhìn chiến lược
Trong khi đó, gói ứng dụng 3 năm tuổi Google Apps hầu như không có đối thủ nào. Tầm ảnh hưởng của Google Apps được tiếp sức bởi thị phần 60% của Google trong lĩnh vực kinh doanh quảng cáo trực tuyến, và chắc chắn gói ứng dụng này đã có những đóng góp đáng kể trong khoảng doanh thu 22 tỉ USD của Google năm 2009.
Bên cạnh đó, Google cũng thu lại khoảng 750 triệu USD nhờ bán Google Apps cho doanh nghiệp (50USD/năm/người dùng). Tuy nhiên, tầm nhìn của Schmidt không đơn thuần chỉ là tiền. Khi Google Apps đã liên kết chặt chẽ hơn với hệ điều hành Chrome OS, hệ điều hành di động Android và trình duyệt Web Chrome của hãng này, thì mọi sự thay đổi sẽ diễn ra, hứa hẹn hay thậm chí là định hình lại kỷ nguyên công nghệ hiện nay, có thể thay đổi cách thức mọi người làm việc và giải trí.
3 kỹ sư: Rajen Sheth, Sam Schillace và Bradley Horowitz đã tạo nên gói ứng dụng Google Apps.
Trình duyệt Web Chrome không chỉ được thiết kế với mục đích kết nối máy tính với Web, mà nó còn cho phép Google Apps hoạt động ngay cả khi bạn không kết nối với Internet, giống như cách thức làm việc của gói ứng dụng Office hiện nay. Google cũng đang phát triển hệ điều hành Chrome OS dành cho netbook, dự kiến sẽ hoàn thiện trong năm tới, và sẽ gắn kết chặt chẽ với trình duyệt Chrome. Những chiếc netbook được trang bị Chrome OS có thể khởi động và sẵn sàng online trong vòng 10 giây. Trong khi đó, hệ điều hành Android dành cho điện thoại di động cũng đang được các nhà sản xuất đánh giá cao. Motorola tuyên bố sẽ tích hợp Android cho các dòng smartphone cao cấp của hãng này trong thời gian tới.
Từ con số 25 nhân viên năm 2004, giờ đây Google đã có 1000 người trong tổng số 20.000 nhân viên chuyên phát triển các sản phẩm doanh nghiệp, chủ yếu là tập trung cho Google Apps. Trong số này, khoảng 400 người là kỹ sư, phần còn lại là bán hàng và hỗ trợ kỹ thuật. Tuy nhiên, mảng doanh nghiệp của Google vẫn kém xa Microsoft, vốn “làm mưa làm gió” với gói phần mềm văn phòng (thu khoảng 19 tỉ USD/năm). Tuy vậy, vẫn có khoảng 2 triệu khách hàng doanh nghiệp sử dụng phần mềm Google trong thời gian ngắn hạn, chủ yếu là do thế mạnh về giá cả (rẻ hơn), tốc độ (nhanh hơn), khả năng hợp tác (tốt hơn) và kiểm soát (tốt hơn). Chủ yếu các khách hàng này là nhỏ lẻ, nhưng cũng có những tập thể khách hàng lớn, chẳng hạn như khoảng 15.000 nhân viên tại hãng Genentech, hay như 35.000 người dùng tại công ty Rentokil Initial (Anh), và 30.000 khách hàng trong chính quyền địa phương Los Angeles.
“Đầu tàu” Schmidt
Sinh tại Washington, D.C, Schmidt (54 tuổi) từng học kỹ sư điện tử tại Đại học Princeton và học bộ môn máy tính tại Berkeley. Năm 1983, Schmidt gia nhập Sun Microsystems với cương vị Giám đốc kỹ thuật. Ông phụ trách mảng ngôn ngữ lập trình Java, cho phép chương trình máy tính có thể chạy trên nhiều nền tảng phần cứng khác nhau. Năm 1997, Schmidt rời sang làm việc cho Novell. Công việc đầu tiên mà ông này thực hiện trên cương vị lãnh đạo Novell là sa thải hơn 1000 nhân viên để cứu doanh thu công ty. Kết quả là cổ phiếu Novell đã tăng gấp 7 lần sau đó, nhưng vẫn không thoát khỏi “cơn bão” dot-com cuối những năm 99.
Schmidt sang làm cho Google đầu năm 2001 khi hãng này chỉ có khoảng 300 nhân viên. Cùng với 2 sáng lập Larry Page và Sergey Brin, Schmidt đã gây dựng nên một Google hùng cường như ngày nay. Tính tới tháng 11/2009, giá trị cổ phiếu mà Page, Brin và Schmidt nắm giữ tại Google lần lượt là 18,2 tỉ USD, 18,2 tỉ USD, và 6,4 tỉ USD.
Nhiều sản phẩm “sát thủ”
Ngoài gói ứng dụng Apps, các kỹ sư trẻ của Google còn phát triển những ứng dụng e-mail doanh nghiệp, và Gmail là một điển hình tiêu biểu (ra mắt 4/2001). Gmail hướng tới nhiều đối tượng người dùng, vừa phổ thông, vừa doanh nghiệp. Dịch vụ này được trang bị nhiều tính năng, nhất là khả năng tìm kiếm nhanh chóng, lưu trữ lớn, lọc spam hiệu quả.
Ngoài ra, những sản phẩm tiêu biểu của Google còn có Google Docs, một dạng gói ứng dụng văn phòng dùng trên nền Web. Với Docs, người dùng có thể tương tác và lưu trữ trực tiếp tài liệu trên mạng. Chính nhờ khả năng đó mà người dùng có thể truy cập vào tài liệu của mình từ bất cứ nơi đâu miễn là máy tính hoặc thiết bị di động có kết nối Internet. Khả năng lữu trữ của Google Docs cũng hữu ích không kém, toàn bộ dữ liệu người dùng được lưu trữ trên hệ thống máy chủ Google, nên sẽ không lo bị mất dữ liệu ngay cả khi máy tính bị hỏng.
Tháng 4/2008, nêu ra ý tưởng về một loại trình duyệt có ưu điểm vượt trội so với các đối thủ hiện có. Và Chrome đã ra đời, sử dụng ngôn ngữ Javascript với khả năng xử lý tốt hơn các tab riêng rẽ. 6 tháng sau đó, hệ điều hành cùng tên - Chrome OS ra mắt, và Schmidt nhận ra rằng những lo ngại về phần cứng có thể giúp Google một lần nữa vượt lên trên các đối thủ khác. Vì là hệ điều hành Web, hoạt động như một ứng dụng web nên Chrome OS có thể chạy trên bất cứ chiếc máy tính nào, và không đòi hỏi về phần cứng. Trong khi đó, Windows của Microsoft thì lại không được như thế. Cứ mỗi phiên bản Windows mới lại đòi hỏi phần cứng “khủng” hơn, gây bất lợi và tốn kém cho người dùng.
Có thể sẽ phải mất một thời gian dài Chrome mới tính tới chuyện thay thế Windows, nhưng rõ ràng với những lợi thế không thể phủ nhận thì đây sẽ là đối thủ cạnh tranh rất khó chịu cho Microsoft. Google không phải là đối thủ dễ chơi của Microsoft, bằng chứng là hãng này đã “đoạt” rất nhiều thứ từ tay gã khổng lồ Microsoft. Tất nhiên, phải có điều gì đó đặc biệt mới giúp Google luôn mạnh mẽ tới vậy. Ngoài yếu tố con người, khả năng quản lý, kinh doanh, thì theo Schmidt: “Trong thế giới tôi sống, mọi người đều hăng say làm việc tất cả thời gian có thể”.
Theo VnMedia