Dùng kính lọc, chụp hình đẹp như tranh
Kính lọc giảm sáng bán phần có tác dụng làm tối đi phần quá sáng của cảnh chụp, giúp ảnh chụp ra có độ bão hòa màu tốt hơn, chi tiết hơn, hay hiểu đơn giản là đẹp hơn.
Trong một cảnh chụp sẽ có các vùng sáng và vùng tối, tạo nên một khoảng tương phản rộng hẹp khác nhau tùy bối cảnh. Mắt người có khả năng ghi lại một khoảng tương phản rất rộng (tới 24 trị số thời chụp) và vì vậy có thể cảm nhận tối đa vẻ đẹp của tự nhiên. Trong khi đó, về mặt kỹ thuật, máy ảnh cũng chỉ có thể ghi lại được chính xác một khoảng tương phản nhỏ hơn (khoảng 12 đến 13 trị số thời chụp), thường được gọi là dãy tương phản (dynamic range).
Trong nhiều trường hợp, dãy tương phản của máy ảnh hẹp hơn dãy tương phản của bối cảnh chụp nên đương nhiên không thể ghi lại chi tiết ở cả vùng sáng và vùng tối. Lúc này, chỉ có hai khả năng xảy ra, một phần của cảnh chụp bị tối đen, hoặc một phần của cảnh chụp bị sáng trắng mất hết cả chi tiết. Người chụp phổ thông thường băn khoăn, sao cảnh đẹp vậy mà chụp lên lại nhợt nhạt.
Kính lọc đi kèm với bộ giá đỡ xoay được.
Kính lọc giảm sáng bán phần (Graduated Neutral Density Filter) - loại trắng trong ở dưới và hơi sậm màu ở phần trên với đường phân cách cứng hoặc chuyển dần đều - có tác dụng làm tối đi phần quá sáng của cảnh chụp giúp toàn bộ khung hình có khoảng tương phản nằm trong dãy tương phản của máy ảnh. Do đó, ảnh chụp ra sẽ có độ bão hòa màu tốt hơn, chi tiết hơn, đồng nghĩa với bức ảnh đẹp hơn.
Hình dưới đây là một cảnh chụp với 3 chiếc kính lọc khác nhau. Đường phân cách được đặt trùng với đường chân trời. Phần bầu trời ngoài kính lọc trắng bệch, nhưng phần trong đã lưu lại được chi tiết.
Kính lọc được chế tạo với các độ sậm khác nhau, thường được gọi là stop (trị số thời chụp). Một trị số thời chụp sẽ làm giảm đi một nửa lượng sáng đi qua phần sậm của kính. 2 trị số giảm đi 4 lần và 3 trị số giảm đi 8 lần lượng sáng. Vì là kính lọc bán phần nên nó chỉ làm tối bớt bầu trời mà thôi, thảm có phía dưới không bị ảnh hưởng gì khi ta đặt dải phân cách đúng vào đường chân trời.
Kính lọc giảm sáng bán phần một thời chụp (one stop grad filter) cho kết quả yếu nhất - chỉ thêm được một ít chi tiết của đám mây.
Kính lọc 2 thời chụp cho kết quả khá cân đối, gần nhất khi nhìn thấy bằng mắt thường.
Kính lọc 3 thời chụp làm tối hơi quá mức tạo cảm giác nặng nề so với thực tế. Kính lọc thường đi kèm với bộ giá đỡ xoay được.
Thiết kế này giúp ta có thể kéo filter lên xuống cũng như là xoay tròn được, giúp người chụp đặt chính xác vị trí dải phân cách. Giá đỡ cũng cho phép gài nhiều kính lọc cùng lúc. Trong trường hợp một tấm sẫm nhất rồi mà vẫn chưa đủ, phải thêm tấm nữa để tối hơn.
Nhìn chung, những cảnh có mức độ tối sáng vượt dải tương phản của máy ảnh thì rất nên dùng kính lọc này. Và nếu chưa vượt quá thì sử dụng cũng vẫn rất tốt bởi nó giúp làm giảm chênh sáng quá mức giữa khu vực sáng và khu vực tối – giúp cảnh chụp đẹp mắt hơn, giống cảm nhận bằng mắt thường hơn. Điều này giúp giảm nhẹ rất nhiều trong khâu xử lý hậu kỳ.
Hai hình ở dưới cho thấy có sự chênh sáng quá mạnh giữa khu vực tiền cảnh và lâu đài đón ánh sáng mặt trời ở trên. Hình bên trái cần tới kính giảm sáng 5 giá trị thời chụp (ghép một tấm 3 và một tấm 2) và để xiên sao cho nó hợp với cảnh đổ bóng. Kính lọc giúp cân sáng rất đẹp, khu vực tối vẫn giữ đầy đủ chi tiết. Hình bên phải là chụp không có kính lọc – khu vực tối gần như đen hẳn, có thể xử lý hậu kỳ để vãn hồi một số chi tiết nhưng không thể bằng việc sử dụng kính lọc ngay từ đầu.
Trước tiên nên tránh loại vặn ngay vào ống kính. Tuy loại này đơn giản nhưng lại kém linh hoạt nhất bởi không thể dịch chuyển được dải phân cách.
Nên mua hệ thống có giá đỡ. Hai hãng tốt nhất là Cokin và Lee trong đó Lee chất lượng cao và giá cũng đắt hơn. Một hệ thống đầy đủ thường có 6 chiếc – một, hai hay ba trị số thời chụp và có đường phân cách cứng hoặc chuyển dần đều. Nếu vì lý do kinh tế bạn chỉ mua được một chiếc thì nên chọn loại hai trị số thời chụp bởi nó sẽ được sử dụng nhiều nhất.
Khi nào không nên dùng kính lọc?
Chắc các bạn cũng đoán ra, kính lọc này chỉ hoạt động hiệu quả khi cảnh chụp có đường phân cách rõ ràng giữa vùng sáng và vùng tối. Mà thực tế không phải lúc nào cũng vậy. Ví dụ, một cái cây mọc vươn từ tiền cảnh lên vùng trời ở trên. Nếu lắp kính giảm sáng bán phần thì phần trên của cây sẽ bị tối rõ rệt so với phần dưới. Chụp trong nhà với ánh sáng mạnh từ cửa số cũng là vấn đề.
Gặp trường hợp này, ta bắt buộc phải hi sinh một phần hoặc khu vực sáng hoặc khu vực tối, cũng có thể áp dụng kỹ thuật high dynamic range – HDR (tăng dải tương phản). Kỹ thuật này là chụp nhiều tấm hình với các mức phơi sáng khác nhau để phủ được toàn bộ dải tương phản của cảnh chụp rồi xử lý trộn ghép.
Theo Sohoa