NgocVNPT
New Member
Đưa Internet trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Ông Trương Hoài Trang, Phó Giám đốc Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC) trình bày tại Hội thảo Toàn cảnh CNTT-TT 2008 diễn ra ngày 15/7. Ảnh: Văn Hân
Phấn đấu từ nay cho tới năm 2010 sẽ đưa viễn thông và Internet trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ tăng trưởng gấp 1,5-2 lần so với tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Đó chính là mục tiêu mà VNPT đặt ra cho 2 năm tới, theo đó sẽ tập trung phát triển viễn thông và Internet sao cho tỷ trọng đóng góp của chúng có thể giúp tăng trưởng GDP, thúc đẩy nền kinh tế phát triển, và tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn cho người dân.
Mục tiêu trên chính là một phần nội dung của báo cáo toàn cảnh về Internet Việt Nam do Thạc sĩ Trương Hoài Trang, Phó Giám đốc Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC) trình bày tại Hội thảo Toàn cảnh CNTT-TT 2008 diễn ra ngày 15/7.
Thúc đẩy nền kinh tế phát triển
Theo ông Trang, với việc tập trung nhiều nguồn lực hơn cho viễn thông và Internet, dự kiến tổng doanh thu của 2 mảng này tới năm 2010 sẽ là 55 tỉ đồng (tương đương 3,5 tỉ USD). Ông Trang cho rằng số doanh thu này hoàn toàn có thể đạt được nếu dựa trên tốc độ phát triển rất nhanh của viễn thông và Internet Việt Nam như hiện nay.
Số lượng thuê bao Internet quy đổi tính tới tháng 5/2008 là trên 5,8 triệu, số lượng người sử dụng gần 20 triệu, tương đương với 23,5% dân số Việt Nam. Trong khi đó, tổng băng thông đi quốc tế của Việt Nam là 18,2Gbps, và trong nước là 34,9Gbps. Tổng số tên miền .vn đã đăng ký gần 75.000, và tổng số thuê bao băng rộng đạt trên 1,6 triệu.
Ngoài việc thúc đẩy nền kinh tế phát triển, viễn thông và Internet còn là nhân tố chủ chốt giúp thu hẹp khoảng các số giữa các vùng miền, giúp phát triển kinh tế xã hội và góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng toàn dân. Để bảo đảm cho tất cả các yếu tố này, hiện tại chỉ có hệ thống mạng lưới của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) mới thực hiện được. Ngoài nhiệm vụ về kinh tế, VNPT còn có trọng trách phổ cập dịch vụ viễn thông và Internet trên phạm vi cả nước để phục vụ người dân thông qua mạng lưới bưu điện 64 tỉnh thành.
Tăng số người dùng Internet, thu hẹp khoảng cách số
Với nỗ lực thu hẹp khoảng cách số, kể từ năm 2006, VNPT đã giao cho VDC xây dựng thử nghiệm mạng Internet không dây tốc độ cao Wimax tại tỉnh Lào Cai, và có kế hoạch triển khai tại Hà Nội và TP.HCM trong thời gian tới. Do địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi nên các công nghệ truy cập Internet thông thường khó có thể triển khai tại Lào Cai. Wimax được coi là giải pháp tối ưu nhất tại thời điểm đó, và nay đã có thêm một giải pháp kết nối khác, đó là thông qua vệ tinh Vinasat-1.
Theo chỉ tiêu mà VNPT đặt ra, phấn đấu từ nay cho tới năm 2010 sẽ có 100% huyện và hầu hết các xã trong vùng kinh tế trọng điểm “phủ sóng” Internet.; 70% các xã có điểm truy cập Internet công cộng; và 30% trong số các thuê bao Internet là băng rộng. Mặc dù việc phổ cập Internet băng rộng cho tất cả các trường ĐH, CĐ, THCP, THPT trên cả nước đã được khởi động cách đây khá lâu, nhưng theo ông Trang hiện các trường vẫn còn thiếu giáo viên đào tạo, và phần lớn các hệ thống máy tính vẫn chưa được sử dụng một cách hiệu quả.
Trong 2 năm tới, phấn đấu trên 90% các trường học có kết nối Internet băng rộng, hầu hết các bệnh viện sẽ hòa mạng, và đa số các cán bộ, công nhân viên chức, học sinh đều có điều kiện sử dụng Internet cho công việc và học tập.
Một số biện pháp thúc đẩy
Để thực hiện được các mục tiêu trên, VNPT đưa ra một số các đề xuất phát triển mạng Internet trong vòng 2 năm tới, đó là tiếp tục nâng cấp cổng Internet quốc tế đạt 100Gbps vào cuối năm 2010 và mở rộng nhiều thêm hướng kết nối mới; nâng cao chất lượng truy cập Internet trong nước; tiếp tục mở rộng mạng truy nhập Internet đến tất cả các vùng, miền, các tỉnh trên cả nước.
Ngoài ra, việc phát triển các công nghệ mạng mới như NGN và Metro NET cũng rất cần thiết, giúp nâng cao năng lực của hệ thống Hà Nội – Đà Nẵng – TP.HCM (đạt 10Gbps). Đồng thời, tiếp tục mở rộng mạng cung cấp băng rộng, và triển khai các công nghệ mạng không dây mới nhất như Wi-Fi, Wimax…
Nhân tố khách hàng cũng được đặt lên hàng đầu với việc hoàn thiện các hệ thống cơ sở dữ liệu khách hàng tập trung, giúp hỗ trợ tốt hơn; đồng thời xây dựng và hoàn thiện đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dùng.
(Theo VnMedia)