Doanh nghiệp Game Việt Nam: Vô danh - hữu thực
Game thủ nội tụ hội chơi game ngoại. Gần 80% của khoảng 80 triệu USD doanh thu từ game chảy ra nước ngoài.
* Năm 2007, trong số 25 game phát hành tại Việt Nam thì không có game nào của Việt Nam.
Việt Nam có CLB các doanh nghiệp (DN) game, thậm chí các DN này còn to tát nói về một ngành công nghiệp game "gà đẻ trứng vàng". Nói vậy nhưng không phải vậy. Các DN game mới dừng ở là nhập khẩu, phát hành game. Kiểu làm ăn "vô danh" lại "hữu thực" nhờ phần trăm lợi nhuận từ doanh thu. Nhưng phần đó chỉ là váng mỡ, còn bao nhiêu béo bở lại chảy ra nước ngoài, vào túi các DN có công nghiệp game thực sự.
Game nội: Ai làm - ai chơi?
Câu trả lời rõ ràng rằng: Tại Việt Nam có tới cả chục DN game, nhưng thực chất hầu như không có DN nào làm game cả. Sự thật này dễ khiến số quá ít DN sản xuất game không hài lòng. Vì vậy, lại xin trả lời vế tiếp theo là: Thảng hoặc có DN nào sản xuất game thì cũng không có game thủ Việt Nam nào chơi. Giới chơi game Việt Nam toàn xài hàng ngoại.
Đã có lúc, đại diện DN game cho rằng cơ chế pháp lý của Việt Nam còn bó buộc. Ví dụ như với thông tư 06 áp dụng cho quản lý game online (hạn chế giờ chơi, hạn chế trẻ em, cần nhiều giấy phép...), khiến cho các
DN game gặp nhiều khó khăn. Có đại diện cũng cho rằng việc hạn chế này sẽ khiến doanh thu của game phát hành bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, một câu trả lời sâu xa và đơn giản nhất nhưng không dễ chấp nhận đấy là game ngoại hay hơn, hấp dẫn hơn, chuyên nghiệp hơn; trong khi có thể nói thẳng là DN game Việt Nam chưa đủ tài, chưa đủ tầm để sản xuất game cho ra hồn.
Hệ luỵ là game ngoại chèn ép game nội. Và chắc hẳn nhiều DN game cũng nghĩ rằng "mình đấu không lại người ta", lại sẵn có game rồi thì mua về còn hơn. Và đã từ lâu, DN game Việt Nam chấp nhận thua trên sân nhà và trở thành nhà phát hành cho các hãng game nước ngoài. Phát hành càng được nhiều game, thu hút được nhiều người chơi thì DN được hưởng lợi nhuận mà không mất công sản xuất.
Con số đáng buồn được công bố là: Năm 2007, trong số 25 game phát hành tại Việt Nam thì không có game nào của Việt Nam. Ngay trong nửa đầu năm 2008 thì sự vắng lặng cũng tương tự.
Tiền chảy ra nước ngoài
Thực tế, dù là game nội hay game ngoại thì cứ hay là các game thủ "cày". Trước đây, FPT cũng đã từng "chống cự yếu ớt" khi tung ra một game nội. Tuy nhiên, FPT đã sớm thất bại. Trong khi đó, Vinagame và các DN khác cũng hoàn toàn im lặng.
Thế nhưng, không ít người lại hào hứng với con số: Game thủ Việt Nam đã chi nhiều hơn số tiền 80 triệu USD hàng năm (khoảng 1.296 tỉ đồng) để tham gia các trò chơi game online. Tiếp đó, một con số kỳ vọng là đến năm 2010, doanh số này sẽ đạt tới 83 triệu USD. Cách tính rất đơn giản là theo Hiệp hội các DN phần mềm Việt Nam (Vinasa): Trung bình 2 triệu game thủ Việt Nam chỉ cần chi ra 50USD/năm cho những trò chơi, con số đã khổng lồ như thế.
Tuy nhiên, một điều mà các DN game và bản thân Vinasa phải cay đắng thừa nhận là phần lớn số tiền này chảy ra nước ngoài, cụ thể là chảy vào túi các DN nước ngoài sản xuất game.
Ngay từ năm 2006, Việt Nam đã bắt tay với Hàn Quốc và tìm kiếm sự hợp tác nhiều nơi để phát triển ngành công nghiệp game. Tuy nhiên, dù nhìn thấy cả một "núi" tiền trước mắt nhưng các DN game của Việt Nam không thể tài nào lấy nổi. Một mặt là tự bản thân các DN của Việt Nam chưa tìm được con đường để sản xuất game một cách chuyên nghiệp, mặt khác Việt Nam cũng chưa có định hướng cụ thể cho ngành công nghiệp này.
Vì thế tại một hội thảo về công nghiệp giải trí, trong đó có game online, ông Leo Hwa Chiang, chuyên gia về phát triển ngành game và nội dung số của Cục Phát triển CNTT Hàn Quốc nhận định: "Việt Nam chưa đánh giá hết tiềm năng mà game mang lại". Còn các DN thì thừa nhận rằng: Các DN vẫn phải mày mò tìm hướng đi, trong khi Việt Nam chưa có một chính sách hay định hướng rõ ràng nào để phát triển ngành công nghiệp này.
(Theo Bantincongnghe)