Học tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học, công nghệ
Tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học xã hội và nhân văn đã được nghiên cứu và trình bày trong nhiều tác phẩm, riêng về khoa học tự nhiên và công nghệ còn chưa được phổ biến thoả đáng.
Giữa khoa học xã hội – nhân văn với khoa học tự nhiên và kỹ thuật (công nghệ) luôn có mối quan hệ khăng khít. Bài viết này trình bày một số vấn đề với những nét đặc sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ để mong góp phần hoàn hảo hệ tư tưởng lớn.
Khoa học và công nghệ cho chiến thắng
Trong kháng chiến chống thực dân và chủ nghĩa đế quốc để bảo vệ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng để vạch ra các đường lối chiến lược cho chiến thắng mà nổi bật nhất là phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, thực hiện “tất cả cho chiến thắng”, trong đó có khoa học và công nghệ cho chiến thắng.
Kháng chiến chống lại kẻ thù có sức mạnh quân sự vào loại hàng đầu của thế giới, tư tưởng Hồ Chí Minh định hướng chiến lược là phải “trường kỳ kháng chiến” để “nhất định thắng lợi” với phương pháp phát triển chiến đấu “càng đánh càng mạnh”.
Để thực hiện định hướng chiến lược và phương pháp phát triển chiến đấu nói trên thì khoa học và công nghệ phải được chuẩn bị và được ưu tiên nguồn lực để phát triển sớm, trước hết là nguồn nhân lực mà chú trọng đặc biệt các nhân tài. Trong tình hình nước ta hồi giữa thế kỷ XX thì việc có các cơ sở ban đầu của công nghiệp quốc phòng, bảo đảm được các vũ khí thông dụng, nhất là vũ khí đặc biệt lợi hại của chiến tranh du kích, là cực kỳ quan trọng cho chiến thắng.
Thực tiễn đã chứng tỏ rằng, đường lối khoa học và công nghệ phục vụ công cuộc kháng chiến trên đây là rất đúng đắn và có hiệu quả cao.
Ngay từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, trong Đảng đã chuẩn bị các vấn đề liên quan đến đấu tranh vũ trang, năm 1944 “chiến thuật du kích” được phổ biến và huấn luyện, trong đó trình bày khá chi tiết về các loại vũ khí của chiến thuật du kích, đặc biệt là các biện pháp công nghệ về phá hoại cơ sở địch, các phương tiện thông tin liên lạc…
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt qua nhiều hiểm nguy tới Pháp năm 1946, một mặt để đấu tranh ngoại giao, mặt khác thu hút về nước một số chuyên gia khoa học và công nghệ người Việt Nam yêu nước, trong đó có chuyên gia về vũ khí là đồng chí Trần Đại Nghĩa.
Khi cuộc kháng chiến toàn quốc sắp bùng nổ, trên báo Cứu quốc, giữa tháng 9 năm 1946 đã có bài phân tích và vai trò quyết định của lục quân, các loại binh khí công nghệ cần thiết cho lục quân kể cả xe tăng, các hình thức chiến tranh và vũ khí hiện đại lúc đó và “công việc khẩn cấp bấy giờ” là làm khí giới. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ thì ở rừng Việt Bắc đã hình thành và ngày càng phát triển một tổ hợp nghiên cứu và chế tạo, sản xuất các vũ khí từ đơn giản (lựu đạn, mìn..) đến hiện đại (Ba-dô-ka, SKZ).
Sau khi mở thông biên giới phía Bắc, bắt đầu có sự giúp đỡ vũ khí thì lực lượng quân giới trong nước đã trưởng thành, một mặt tiếp tục nghiên cứu, sản xuất phát triển lực lượng của mình, mặt khác tiếp thu công nghệ mới và thích nghi hoá các loại vũ khí cho phù hợp với điều kiện Việt Nam, nhất là điều kiện của khí hậu nhiệt đới ẩm. Như vậy khoa học và công nghệ quốc phòng đã thực hiện thành công tư tưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực này, nghĩa là càng đánh càng mạnh.
Bác đã có bức thư nổi tiếng dưới đây trong kháng chiến chống Pháp
“Thư gửi các ông Phạm Văn Bạch và Nguyễn Văn Tây
Chú Bạch, chú Tây và các đồng chí
Dưới đây là một cách giải thích rất đơn giản, dễ hiểu về con đường trường kỳ kháng chiến, viết ra cho anh em dùng.
Chào thân ái và quyết thắng
Ngày 7 tháng 3 năm 1947
Hồ”
Sơ đồ giải thích của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trình bày quan điểm đó cho thấy tính biện chứng của quá trình này. Quỹ đạo của ta là một hình Pa-ra-bon dương, của kẻ thù là một hình Pa-ra-bon âm. Đoạn giao nhau tương ứng với lúc ta “gay go” và kẻ thù tạm thời có ưu thế. Tuy nhiên, do ta kiềm chế được kẻ địch qua giai đoạn “gay go”, cuối cùng cũng tiến tới thắng lợi (Xem sơ đồ).
Sau khi kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân thắng lợi, miền Bắc chuyển vào thời kỳ phục hồi kinh tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội làm chỗ dựa cho giải phóng miền Nam và miền Nam lại chuyển sang thời kỳ đấu tranh chống Mỹ giải phóng dân tộc. Như vậy yêu cầu về khoa học và công nghệ cho chiến tranh giải phóng và bảo vệ đất nước càng cao, vì lần này công nghệ đứng hàng đầu thế giới.
Tiếp tục phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ quốc phòng, kết quả là chúng ta đã đối phó thành công với mọi loại vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại mà đối phương có (trừ vũ khí hạt nhân). Điển hình là thắng lợi của ta trong trận phá tan phong toả “thuỷ lôi từ tính” và “bom từ trường” và nhất là trận “Điện Biên Phủ trên không”. Đây là loại chiến tranh có nội dung chủ yếu của chiến tranh điện tử số hoá.
Khoa học và công nghệ gắn với sản xuất và xã hội
Ngày 18.5.1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài nói chuyện tại đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ I của Hội phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam, trong đó nhiệm vụ của khoa học được nhấn mạnh “chúng ta đều biết rằng trình độ khoa học, kỹ thuật của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Năng suất lao động còn thấp. Phong tục tập quán lạc hậu nhiều.
Nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải biến những cái đó. Khoa học là tổng kết những kinh nghiệm đấu tranh giữa giai cấp bị bóc lột và giai cấp bóc lột và đấu tranh giữa con người với thiên nhiên. Ở đây chỉ nói riêng về khoa học tự nhiên và kỹ thuật.
Khoa học phải tự sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”.
Quan điểm của tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ là sự phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê nin về khoa học và công nghệ trong điều kiện cụ thể của Việt Nam. Những yếu tố của quan điểm về khoa học và công nghệ của tư tưởng Hồ Chí Minh có thể thấy là:
Thứ nhất là, khoa học và công nghệ liên kết chặt chẽ với sản xuất, nhất là của một nước còn nghèo, phục vụ sản xuất phát triển; đồng thời sản xuất lại cũng là động lực thúc đẩy khoa học và công nghệ phát triển. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước ta là nước chậm phát triển, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, chúng ta phải hết sức tranh thủ áp dụng các thành tựu từ thấp đến cao của khoa học và công nghệ trên thế giới, đồng thời từng bước xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ của nước ta hướng tới khoa học và công nghệ hiện đại. Khoa học và công nghệ làm cho sản xuất phát triển nhanh, tạo điều kiện nâng cao đời sống của nhân dân lao động, trước hết là bảo đảm các nhu cầu cơ bản, xoá đói giảm nghèo.
Thứ hai là, khoa học và công nghệ có nhiệm vụ phục vụ sự phát triển xã hội, “cải biến” xã hội nước ta, nghĩa là phát triển toàn diện văn hoá, vừa giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc vừa tiếp thu tinh hoa văn hoá thế giới, xoá bỏ các phong tục tập quán lạc hậu, tiến tới một xã hội văn minh. Khoa học và công nghệ cũng là một bộ phận của văn hoá, có ảnh hưởng quan trọng đến lối sống tinh thần của nhân dân góp phần xây dựng nền văn minh tinh thần tiến bộ của đất nước.
Thứ ba là, khoa học và công nghệ phải góp phần bảo vệ đất nước, khoa học và công nghệ phải luôn gắn chặt với quốc phòng, cung cấp cho quân đội các phương tiện chiến đấu, hậu cần. Đối với các chế độ của giai cấp bóc lột thì khoa học và công nghệ được sử dụng để xoá bỏ. Ngược lại trong chiến tranh giải phóng thì khoa học và công nghệ được sử dụng tối đa một cách sáng tạo để chiến thắng. Hơn nữa, đối với những nước mà kinh tế còn thấp kém như nước ta, vừa thoát khỏi chế độ thực dân lại phải huy động lực lượng toàn dân trường kỳ kháng chiến để bảo vệ độc lập dân tộc, thì sự phát triển khoa học và công nghệ lại từ quốc phòng, an ninh mở rộng ra kinh tế – xã hội.
Thứ tư là, khoa học và công nghệ bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi. Đúng là khoa học và công nghệ ở các nước tư bản phát triển rất cao và được giai cấp tư sản triệt để lợi dụng để củng cố chế độ bóc lột, nâng cao lợi nhuận. Nhưng chủ nghĩa xã hội cũng chứng tỏ tiềm năng phát triển nhanh, khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội (ví dụ: sự phát triển ngành năng lượng nguyên tử và hàng không vũ trụ, các ngành công nghiệp nặng của Liên Xô trước đây và của Trung Quốc hiện nay). Ngày nay khi chuyển sang kinh tế tri thức thì vai trò của khoa học và công nghệ bảo đảm sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội càng quan trọng.
Việc thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ trong những năm qua đã góp phần rất quan trọng cho thắng lợi của hai cuộc kháng chiến và trong sự phát triển thắng lợi của đất nước ta. Ngày nay, bước vào thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, việc phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ lại càng cần thiết.
Khoa học và công nghệ xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi
Vai trò của khoa học và công nghệ trong việc xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện ở các mặt: khoa học và công nghệ gắn với sản xuất bảo đảm thoả mãn các nhu cầu về vật chất và tinh thần ngày càng cao của nhân dân; khoa học và công nghệ bảo vệ môi trường thiên nhiên, trước mắt phải cải thiện môi trường hạn chế hậu quả của thiên tai và chiến tranh trước đây, của công nghiệp hoá hiện nay; khoa học và công nghệ phục vụ sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của mọi người.
Liên kết chặt chẽ giữa khoa học và công nghệ với sản xuất, một điểm quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ. Ngày nay, trong thế giới hiện đại với sự phát triển chưa từng có của khoa học và công nghệ làm xuất hiện nền kinh tế tri thức. Đồng thời cùng với sự phát triển đó là xu thế toàn cầu hoá. Trong điều kiện như vậy càng phải phát huy cao hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ mà chủ yếu là vấn đề “nghệ thuật” phối hợp giữa tiếp thu thành tựu khoa học và công nghệ của thế giới và phát triển công nghệ nội sinh, từ đó từng bước tiến lên một nền khoa học và công nghệ hiện đại đáp ứng các yêu cầu của nền sản xuất định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chúng ta còn phải trải qua một thời gian dài của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong đó nhiệm vụ phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm. Do đó, việc phát huy cao độ trí tuệ sáng tạo của con người Việt Nam, xét cho cùng, chính là cách xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ đây, chúng ta thấy rằng phải tập trung nguồn lực và tạo ra cơ chế cần thiết để khoa học và công nghệ có thể sớm tạo ra “vũ khí” cho thắng lợi của cuộc chiến tranh xoá bỏ nghèo nàn, lạc hậu để tiến lên “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” và cũng là thắng lợi của CNH, HĐH.
Quan điểm của tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề khoa học và công nghệ bảo vệ môi trường dựa trên tình hình thực tiễn Việt Nam đã được hình thành sớm, từ trước khi có phong trào bảo vệ môi trường trên thế giới (sau khủng hoảng dầu hoả đầu năm 70). Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua tác phẩm và hành động, đã phát triển một triết lý hết sức sâu sắc về mối quan hệ không chỉ “thân thiết” mà còn “thương yêu” giữa con người và thiên nhiên, cũng là người đề xướng Tết trồng cây vào năm 1959: “... mỗi tết trồng được độ 15 triệu cây. Từ năm 1960 đến 1965... chúng tôi sẽ có 90 triệu cây... và trong mười năm nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hoà hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”. “Phải có kế hoạch, có hướng dẫn, tìm thêm hạt, ươm thêm giống… phải làm đúng khẩu hiệu “trồng cây nào, tốt cây ấy”.
Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh trong vấn đề bảo vệ môi trường là phải chú trọng trước hết đến việc cốt lõi, mà ở nước ta là vấn đề cây xanh, nói rộng ra là thảm thực vật, là rừng. Vấn đề bảo vệ môi trường ở nước nghèo chỉ có thể giải quyết được, nếu nó được gắn liền với việc cải thiện đời sống của nhân dân. Cũng không thể làm một cách thiếu khoa học mà phải ứng dụng khoa học công nghệ tiến bộ vào việc chọn giống cây, ươm cây con và trồng cây sao cho cây sống và xanh tốt.
Gần đây tình trạng phá rừng ở nước ta có chững lại, độ che phủ bắt đầu tăng lên vài phần trăm. Công trình trồng mới 5 triệu hec-ta rừng bắt đầu triển khai, các Tết trồng cây được duy trì và mở rộng. Đây chính là những việc phát huy cụ thể tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác bảo vệ môi trường. Ngày nay, tiến hành CNH và HĐH có rất nhiều vấn đề môi trường đặt ra, chúng ta luôn ghi nhớ tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này để quyết tâm giữ gìn sao cho phong cảnh của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa phải rất tươi đẹp.
Chủ nghĩa tư bản đã phá hoại nghiêm trọng môi trường trái đất, họ không thể có khả năng giải quyết vấn đề này, vì lẽ không thể tư nhân hoá được bầu trời, đại dương và vũ trụ. Phục hồi lại môi trường trái đất sẽ là nhiệm vụ cao cả nhất của chủ nghĩa xã hội, mà chính ở đây khoa học và công nghệ bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi, một chủ nghĩa xã hội có phong cảnh xanh tươi, đẹp đẽ, không phải chỉ là bê tông và màu xám.
Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng (1951), phần mở đầu nói về tình hình thế giới trong nửa đầu thế kỷ “Trong 50 năm đó, đã có những phát minh như chiếu bóng, vô tuyến điện, vô tuyến truyền hình (television) cho đến sức nguyên tử”. Ngày nay ngành công nghệ dẫn đầu là công nghệ thông tin – máy tính chính là sự phát triển ở tầm cao các phát minh đã được nhắc đến ở báo cáo chính trị nói trên.
Khi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh không đi về phương Đông như phong trào Đông kinh nghĩa thục, mà lại đi về phương Tây, vì ở đó có lời giải về sự yếu kém của phương Đông: thiếu khoa học và công nghệ hiện đại để tạo ra sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn. Tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ được hình thành trong một không gian mở, tiếp thu những cái mới tiến bộ không chỉ bằng lý trí uyên bác mà còn với nhiệt tình của lòng yêu nước nồng nàn.
Ngày nay, những người cộng sản cũng sẽ không ngạc nhiên khi thấy rằng chủ nghĩa xã hội vẫn phát triển ở phương Đông. Vì lẽ cũng chính Các Mác, trước đây hơn 100 năm, đã khuyên rằng ở các nước vốn có một cơ sở cộng đồng trong dân cư bền vững thì không phải trải qua khổ đau của chủ nghĩa tư bản để tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Theo ICTNews