A3100 IS – dòng A cách tân của Canon
Giã từ dáng vẻ cục mịch của dòng A, PowerShot A3100 IS gần với dòng IXUS thời trang hơn nhờ quay về dùng pin Lithium gọn nhẹ.
Canon Powershot A3100 IS. Ảnh:
Cameralabs.
PowerShot A3100 IS là phiên bản máy du lịch giá rẻ với các thông số cơ bản gồm cảm biến 12,1 triệu điểm ảnh, bộ xử lý hình ảnh DIGIC III, ống kính chống rung với zoom quang 4x và màn LCD 2,7 inch. Ra mắt thay thế cho bản A1100 IS, có thể nói đây là dòng A đầu tiên đã mạnh dạn giã từ pin AA mà thay vào đó là pin Lithium như các dòng du lịch khác. Màn hình do lớn hơn bản trước đó nên khung ngắm quang cũng đã được loại bỏ. Khe cắm thẻ nhớ được cập nhật với khả năng hỗ trợ thẻ dung lượng cao SDXC tới 32GB.
Cùng đợt ra mắt phiên bản dòng A cách tân này còn có thể tính gồm luôn cả bản A3000 IS, bởi lẽ hai phiên bản này hầu như giống nhau mọi thông số, chỉ trừ việc A3000 IS có độ phân giải thấp hơn, chỉ 10 triệu điểm ảnh.
Do không sử dụng pin tiểu nên trông hình dáng của A3100 IS có vẻ gọn nhẹ hơn, dù thực tế kích thước và trọng lượng vẫn tương tự. Tay cầm được thu gọn lại hơn so với A1100 IS nhưng không vì thế không tạo cảm giác chắc chắn. Các nút được bố trí khá hợp lý cho phép cầm máy và điều chỉnh bằng một tay dễ dàng.
Tuy nhiên vòng xoay chỉnh chế độ ở trên mặt khá cứng, vì thế để chuyển chế độ tốt nhất nên cầm hai tay. Dù hơi bất tiện nhưng thiết kế này lại tránh được việc vòng xoay dễ bị dịch chuyển bất ngờ trong quá trình cầm máy.
Dù nút chụp ảnh và công tắc nguồn đặt cạnh nhau nhưng do thiết kế hợp lý nên việc bấm nhầm khó có thể xảy ra. Nút zoom thay vì là vòng xoay gạt xung quanh nút chụp ảnh giờ chuyển thành nút ấn phía sau lưng, khá giống với các phiên bản nhỏ gọn của Canon gần đây nhưng có thể sẽ bất tiện hơn với một số người đã quen dùng cơ chế gạt truyền thống.
Các nút bấm mặt sau cũng được đơn giản hơn một chút nhờ vào việc loại bỏ đi nút in trực tiếp, có lẽ do sau quãng thời gian nghiên cứu thị trường, Canon thấy không mấy người dùng tính năng này. Tuy nhiên để làm quen dần, hãng vẫn bố trí tính năng này tích hợp trong nút điều hướng chỉnh các chế độ ở mặt sau.
Về cơ bản, các chế độ điều chỉnh vẫn khá quen thuộc với nút Func Set ở tâm điểm của vòng điều hướng, cho phép truy cập và thay đổi các thông số về độ nhạy phim, cân bằng trắng, chỉnh màu, đo sáng, chụp liên tục hay thay đổi kích cỡ ảnh… Còn các nút điều hướng giúp truy cập nhanh tới các thông số bù sáng, đèn, tự động chụp và chế độ macro.
Đèn flash nhỏ gọn phía góc trái cho phép chụp xa tới 4 mét. Nhờ việc chuyển sang dùng pin Lithium nên thời gian hồi đèn đã được cải thiện đáng kể so với tốc độ rùa bò của các dòng trước dùng pin AA (đôi khi lên tới 7 giây). Thời gian hồi của A3100 IS giờ nằm trong khoảng 3 giây, còn nếu chuyển sáng chế độ chụp liên tiếp, người chụp cũng có thể duy trì được đèn ở tốc độ khoảng 2 giây/ảnh.
Tuy nhiên việc chuyển sang dùng dòng pin Lithium gọn nhẹ cũng chỉ bộc lộ lợi thế rõ ràng nhất ở việc thời gian hồi đèn, còn các chức năng khác cũng chưa có gì nổi trội so với các phiên bản cũ. Thời lượng của pin mới cũng chỉ được chừng 240 kiểu/lần xạc, ít hơn cả bản tiền nhiệm A1100 IS lẫn các bản ra cùng thời A490 IS và A495 IS.
Bộ đôi A3100 IS (12 Megapixel) và A3000 IS (10 Megapixel). Ảnh:
Gadgetfolder.
PowerShot A3100 IS được trang bị zoom quang 4x, tương đương 35 – 140mm với độ mở f/2,7 – 5,5 và cơ chế chống rung quang học truyền thống của Canon. Khi khởi động, ống kính thò ra ngoài khoảng 24mm. Thời gian khởi động đo được khoảng 2 giây, không quá nhanh nhưng cũng đủ dùng cho hầu hết các trường hợp. Zoom được phân chia thành 7 nấc với thời gian từ góc rộng tới full tele mất khoảng 1,5 giây.
Các chế độ tự động của Canon hoạt động khá hoàn hảo, nhất là cơ chế tự động nhận diện khuôn mặt Face AiAF với khả năng bám dính rất cao. Dù vẫn còn hạn chế về tốc độ nhận diện trong điều kiện ánh sáng yếu nhưng nếu có nhiều khuôn mặt hơn (chụp tập thể chẳng hạn) thì điểm yếu này cũng dễ dàng được khắc phục.
Màn hình LCD trên A3100 IS thuộc hàng tiêu chuẩn so với các máy ảnh du lịch bình dân hiện nay với độ rộng 2,7 inch và độ phân giải 230.000 điểm ảnh. Do đã được loại bỏ khung ngắm quang nên màn hình này sẽ đóng vai trò chính trong chụp ảnh của model này, vì thế màn hình được thiết kế hiển thị hình ảnh khá tốt ở mọi góc độ dù vẫn còn hơi hạn chế dưới ánh nắng trực tiếp.
A3100 IS có zoom quang 4x. Ảnh:
Cameraworld.
Được thiết kế hướng tới người dùng ưa đơn giản nên các chế độ của A3100 IS được tự động hóa tối đa thay vì hỗ trợ các tính năng chỉnh tay. Chỉ ở chế độ Program người chụp mới có thể can thiệp đến các thông số như ISO, còn thì các thông số phơi sáng sẽ do máy đảm nhiệm toàn bộ. Phụ trợ cho cơ chế này là hệ thống tự động thông minh nhận cảnh mặc định Intelligent Auto.
Nhằm giảm giá thành cho phù hợp với đối tượng người dùng bình dân, phiên bản này mặc dù mới ra mắt nhưng đã được loại bỏ khả năng quay video HD thời thượng, thay vào đó là chế độ quay VGA tiêu chuẩn 640 x 480 pixel với tốc độ 30 khung hình/giây. Phim được nén chuẩn MPEG và lưu với định dạng AVI thông dụng. Thời gian quay không giới hạn đến khi đầy thẻ nhớ và zoom quang sẽ bị khóa khi chế độ quay phim được kích hoạt, thay vào đó người dùng chỉ dùng được zoom số.
Thời gian chụp liên tục của phiên bản A3100 IS trên thực tế tốt hơn cả thông số kỹ thuật với tốc độ khoảng 0,9 khung hình/giây ở độ phân giải và chất lượng ảnh cao nhất (thông số là 0,8 khung hình/giây). Không giống như cơ chế chụp liên tục của các hãng khác là sẽ tăng lên khi giảm độ phân giải, phiên bản A3100 IS giữ tốc độ khá ổn định ở hầu hết độ phân giải. Chỉ ở chế độ chụp liên tục trong điều kiện ánh sáng yếu (chế độ Low Light), máy ảnh tăng tốc lên một chút với 2,6 khung hình/giây ở độ phân giải 2 triệu điểm ảnh.
ISO trên A3100 IS nằm trong khoảng 80 – 1600 nhưng lại không có chế độ kích lên 3200 như một số phiên bản khác của hãng này. Tốc độ cửa trập trải dài từ 1 tới 1/1500 giây và có thể kéo dài tới 15 giây (ở một số chế độ).
Hình ảnh chụp từ A3100 IS không tồi lắm. Ảnh:
Canonpowershot.
Khi chụp so sánh thực tế ở ISO thấp với hai phiên bản cùng cấp là PowerShot A490/A495 và Nikon Coolpix L22, kết quả của A3100 IS dù không tồi lắm nhưng chưa bằng được các phiên bản du lịch khác của ngay Canon (mà A490 là một ví dụ cụ thể). Bù lại, màu sắc hiển thị cả ở toàn cảnh lẫn cảnh đã được crop hiển thị khá tốt dù chưa đủ độ sắc nét. Với ISO cao và điều kiện ánh sáng trong nhà và ống kính được mở rộng nhất, chất lượng của A3100 IS có được cải thiện hơn dù vẫn còn "dưới phân" A490. Ở ISO dưới 200, chất lượng không có gì đáng chê trách với nhiễu được kiểm soát khá tốt. ISO tăng lên 400 nhiễu bắt đầu rõ rệt hơn nhưng màu sắc hiển thị vẫn khá ổn định. Từ ISO 800 đến 1600 thì nhiễu hạt nhiều hẳn và chỉ nên chụp trong những trường hợp thật cần thiết.
Là phiên bản dòng A đầu tiên sử dụng pin Lithium thay vì AA truyền thống, Canon PowerShot A3100 IS gần gũi với dòng IXUS hơn với màn hình lớn và thân hình gọn nhẹ. Điều đáng tiếc là pin mới ngoài cải thiện tốc độ hồi đèn, còn thì chưa bộc lộ được tính năng nào ưu việt cả, nhất là khi tính về thời lượng. Ống kính dù chưa đủ độ rộng nhưng cũng đã phủ một dải khá hợp lý và nhất là tích hợp thêm cả chống rung. Theo
CameraLab, chất lượng ảnh của A3100 IS dù chưa bằng được bản cùng thời A490 nhưng có thể nói vẫn quá tốt so với các đối thủ khác trên thị trường, nhất là với mức giá công bố chỉ 180 USD.
Theo Sohoa