10 thất bại công nghệ thảm hại nhất
Tạp chí Time liệt kê danh sách những sản phẩm và công ty công nghệ nổi tiếng và được đầu tư tài chính mạnh mẽ nhưng kết thúc thảm hại trong 10 năm qua.
Tạp chí Time (Mỹ) vừa đưa ra danh sách 10 sản phẩm và công ty công nghệ nổi tiếng toàn cầu nhưng cũng là những thất bại thảm hại nhất trong lĩnh vực công nghệ 10 năm qua.
Theo Time, các sản phẩm và công ty công nghệ trong danh sách này đều đáp ứng các tiêu chí: được biết đến rộng rãi, quen thuộc với khách hàng, nhắm đến thị trường toàn cầu, công nghệ tương đương hoặc ưu việt hơn đối thủ cạnh tranh, có khả năng tạo ra hàng tỷ USD doanh thu nhưng cuối cùng đã bỏ lỡ cơ hội chiếm lĩnh thị trường, không thành công như kỳ vọng của những người tạo ra nó.
Windows Vista
Hệ điều hành Windows Vista ra mắt trên toàn thế giới vào ngày 30/1/2007. Đây là một trong những sản phẩm chủ đạo của hãng phần mềm lớn nhất thế giới Microsoft. Vista được tạo ra để cải thiện khả năng bảo mật của hệ điều hành máy tính được dùng rộng rãi nhất trên toàn cầu. Nhưng các tính năng bảo mật của Vista đã không tốt hơn so với những phiên bản cũ của Windows như Windows XP. Vista cũng không tương thích tốt với một số máy tính cũ chạy XP. Nhiều phân tích cho rằng Vista còn chạy chậm hơn các máy tính dùng phiên bản Windows XP.
Tất cả những yếu tố này khiến Vista không được xem là sản phẩm ưu việt hơn các phiên bản cũ của Microsoft. Theo nghiên cứu của Net Applications, số máy tính dùng Vista trên toàn cầu hiện nay chưa được 24%, trong khi đó Windows XP là 62% và OS X là hơn 9%. Khi Vista ra mắt, tạp chí công nghệ hàng đầu PC Magazine của Mỹ gọi đó là “sản phẩm có thì vui, nhưng không nhất thiết phải có”. Còn CNNMoney gần đây đánh giá: “Vista, từ khi ra mắt vào đầu năm 2007, chưa bao giờ cất cánh như kỳ vọng của Microsoft. Doanh thu của Vista đã giảm 16% trong quý vừa qua. Sự thỏa mãn của người dùng cũng không ấn tượng, hầu hết người làm IT đều chọn XP thay cho Vista”. Microsoft đang khẩn trương thay thế Vista bằng Windows 7, dự kiến ra mắt cuối năm nay.
Gateway
Hãng máy tính Gateway được thành lập năm 1985 và đã từng là công ty máy tính thành công nhất ở Mỹ. Doanh thu của hãng này đã tăng 4 lần trong năm 1990. Vào năm 2004, Gateway là hãng máy tính lớn thứ 3 ở Mỹ sau HP và Dell, chiếm 25% thị phần. Nhưng đến năm 2007, Gateway làm ăn thất bát và bị Acer thâu tóm với giá 710 triệu USD. Thất bại của Gateway được cho là do nhiều nguyên nhân, cơ bản nhất là sự chậm trễ trong việc tham gia thị trường laptop. Thị phần máy tính để bàn của hãng này rất mạnh trong những năm đầu thập kỷ nhưng Gateway đã không nhanh nhạy chuyển sang kinh doanh laptop như các đối thủ. Gateway cũng chậm chễ trong việc bán máy tính cho khối doanh nghiệp, phân khúc thị trường đã làm giàu cho Dell trong nhiều năm qua. Gateway đã cố gắng đa dạng hóa bằng cách nhảy vào lĩnh vực điện gia dụng nhưng lợi nhuận thấp và cũng thất bại.
HD DVD
HD DVD là một trong hai định dạng DVD độ nét cao. Định dạng còn lại là Blu-ray. Các đặc tả kỹ thuật của HD DVD được đưa ra vào năm 2002. Các cuộc thương lượng giữa các hãng sản xuất hàng điện tử gia dụng nhằm tìm ra một định dạng duy nhất cho DVD độ nét cao đã không đạt được đồng thuận. Cuối cùng, HD DVD được Toshiba và NEC “đỡ đầu” với việc ra mắt sản phẩm đầu tiên hỗ trợ định dạng này vào năm 2006. Khi HD DVD lần đầu tiên ra mắt, doanh thu đã vượt Blu-ray. Nhưng sau đó thời gian, cục diện đã hoàn toàn thay đổi.
Các phân tích chuyên môn cho rằng Toshiba đã mất khoảng 1 USD từ việc hỗ trợ định dạng này trước khi tuyên bố bỏ rơi HD DVD vào năm 2008. Có một số lý do khiến định dạng HD-DVD thất bại trong cuộc đua với Blu-ray được Sony hậu thuẫn. Trong đó, lý do quan trọng nhất là Sony đã làm tốt hơn trong việc thuyết phục các hãng phim lớn hỗ trợ công nghệ Blu-ray. Sony cũng có lợi thế hơn khi sở hữu một trong số những hãng phim lớn nhất thế giới. Giới phân tích tin rằng khi Sony thuyết phục được hãng phim Warner Brothers chỉ “chơi” với Blu-ray, hãng này đã thắng trong cuộc đua với HD DVD. Đặc biệt là khi tập đoàn bán lẻ Mỹ Wal-Mart quyết định dừng bán sản phẩm hỗ trợ định dạng HD DVD.
Vonage
Vonage là hãng đi đầu trong thị trường công nghệ thoại qua Internet (voice-over-IP – VoIP). Nhưng hiện nay, rất khó thấy cơ hội tăng trưởng nào của Vonage trong thị trường đang bị thống trị bởi các sản phẩm của các hãng cáp và dịch vụ miễn phí, chủ yếu là Skype. Skype đã có 405 triệu người đăng ký vào cuối năm 2008 và đạt doanh thu 551 triệu USD. eBay, hãng sở hữu Skype, có kế hoạch đưa Spype lên thị trường chứng khoán vào năm tới. Trong quý đầu năm nay, Vonage không kiếm được đồng lời nào và doanh thu cũng không tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, với nguồn đầu tư từ các quỹ mạo hiểm, Vonage đã tiếp thị mạnh mẽ dịch vụ của hãng như là sự thay thế dịch vụ điện thoại truyền thống đắt đỏ. Công ty này đã từng thành công khi thu về 531 triệu USD qua việc bán cổ phiếu ra công chúng vào tháng 5/2006. Khi đó, giá cổ phiếu của công ty này là 17 USD. Nhưng vào tháng 12 năm ngoái, cổ phiếu của hãng này chỉ còn có 1 USD do sức ép cạnh tranh từ các đối thủ. Không chỉ có vậy, Vonage cũng đang phải đối mặt với các vụ kiện tụng ước tính sẽ khiến hãng này mất hàng chục triệu USD.
Các phân tích dự đoán hãng này không còn cơ hội phát triển trong thị trường VoIP. Ngược lại tình cảnh của Vonage, hãng viễn thông Comcast hiện có 6,8 triệu thuê bao VoIP, trong đó có gần 300.000 khách hàng trong quý I/2009.
YouTube
YouTube là trang web chia sẻ video lớn nhất thế giới hiện nay. Theo công ty đánh giá website comScore, có 99,7 triệu người xem 5,9 tỷ video trên YouTube.com ở Mỹ trong tháng 3/2009. Tháng 11/2006, Google đã mua YouTube với giá 1,65 tỷ USD. Mặc dù là trang web thu hút lượng lớn người dùng và có kho dữ liệu khổng lồ nhưng YouTube không phải là mô hình kiếm thành công. Forbes dự đoán doanh thu của YouTube năm 2008 là 200 triệu USD, trong khi đó hãng tài chính Bear Stearns ước tính doanh thu nội địa (ở Mỹ) của trang web này năm 2008 là 90 triệu USD.
Gần đây, hãng tài chính Credit Suisse đánh giá YouTube sẽ lỗ 470 triệu USD trong năm nay chủ yếu là chi phí lưu trữ và băng thông để hoạt động trang web. Còn tờ nhật báo nổi tiếng của Mỹ New York Times gần đây viết: “mặc dù YouTube cùng với MySpace, Facebook và Twitter, được xem là thách thức hàng đầu với các công ty truyền thông truyền thống, nhưng chính YouTube cũng đang phải vật lộn tìm kiếm lợi nhuận từ sự nổi tiếng của mình trong thế giới số. Có thể YouTube là công ty lớn, nhưng đó không phải là công ty thành công”.
Còn tiếp...
Theo ICTNews