Những tính năng đặc biệt của Pentax K200D
Không giống như Canon chỉ sử dụng chống rung trong ống kính, Pentax K200D sử dụng hệ thống chống rung cảm biến SR truyền thống bên trong thân máy, giúp chức năng chống rung hoạt động tốt với tất cả các ống kính của hãng.
Pentax K200D. Ảnh:
Imaging Resource.
Cảm biến này có khả năng di chuyển ngang, dọc hay vòng tròn trên một đế điện từ, giúp người chụp có thể giảm tới 4 mức tốc độ (stop) so với mức tiêu chuẩn. Ví dụ, thông thường khi chụp ở tiêu cự 200 mm, tốc độ lý tưởng để ảnh không rung là 1/200 giây, thì ở K200D, người chụp có thể hạ tốc độ xuống còn 1/13 (1/200, 1/100, 1/50, 1/25, 1/13) mà ảnh vẫn nét. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là quảng cáo, còn thực tế phải tùy thuộc vào từng tình huống cụ thể và, tương tự như đối với các máy ảnh khác, bạn cũng không nên trông chờ quá nhiều vào tính năng này.
Bên cạnh tính năng làm sạch bụi bằng cách rung cảm biến, K200D có thêm chức năng Dust Alert (thông báo bụi), theo đó sẽ hiển thị một bức ảnh của cảm biến trên đó hiển thị vị trí của những hạt bụi. Mặc dù không thật sự hữu ích lắm nhưng ít nhất tính năng này cho phép người dùng có thể biết bụi đã nhiều đến mức phải lau chưa, cũng như giúp họ khi lau bụi cảm biến bằng bóng thổi hay chổi chuyên dụng, có thể định vị chính xác khu vực có bụi.
Khe cắm thẻ SD. Ảnh:
Imaging Resource.
Trọng tâm của hệ thống lấy nét là hệ thống SAFOX III vốn thấy ở K100D và K10D với 9 điểm lấy nét trung tâm và hai điểm ở rìa trái và rìa phải. Một điểm đáng lưu ý là đối với các máy DSLR khác, khi không tìm thấy điểm nét, hệ thống lấy nét sẽ dừng lại. Nhưng ở K200D, hệ thống lấy nét sẽ tiếp tục tìm kiếm cho đến khi thấy điểm nét.
Ở chế độ lấy nét liên tục, hệ thống này cũng cho thấy khả năng tìm kiếm và duy trì độ nét khác nhanh và chính xác. K200D không có đèn hỗ trợ lấy nét mà dùng đèn flash để thay thế.
K200D có ba chế độ đo sáng: đa điểm (16 điểm), trung tâm và đơn điểm. Hệ thống hoạt động khá chính xác, tuy nhiên khi để ở chế độ đo sáng đa điểm và chụp cùng một cảnh liên tiếp nhau, đôi khi xảy ra hiện tượng các bức ảnh bị chênh sáng với nhau khoảng 1/3 EV.
Trong thông số kỹ thuật không thấy nói về thông số về độ bền cửa trập, nhưng nếu so với K100D có tuổi thọ 100.000 lần thì chắc chắn cửa trập của K200D sẽ phải tốt hơn.
Tốc độ chụp liên tục của máy có thể đạt 2,96 khung hình/giây nhưng do bộ đệm nhỏ nên chỉ cần sau 5 khung hình, tốc độ máy sẽ bị giảm do độ trễ của việc ghi ảnh, chỉ còn được ở mức 1 khùng hình/giây.
Pentax K200D có hai chế độ giảm nhiễu: giảm nhiễu ở tốc độ chậm và giảm nhiễu ở tốc độ cao.
Giảm nhiễu tốc độ chậm (SSNR) chỉ hoạt động trong chế độ chụp tùy biến với tốc độ cửa trập nhỏ hơn 1/8 giây, cơ chế giảm nhiễu ở chế độ này là giảm nhiễu gây ra ở vùng tối. Khi chụp tốc độ chậm, ở vùng tối hoặc tối hoàn toàn sẽ xuất hiện các điểm ảnh “nóng” với các màu sắc khác nhau trên nền màu tối. Các điểm ảnh này bắt đầu xuất hiện khi chụp ở chế độ cửa trập 2 giây và sẽ càng rõ rệt nếu ở chế độ chụp lâu hơn 8 giây. Bằng việc tính toán các thông tin ảnh thu nhận ở vùng này, chế độ giảm nhiễu tốc độ chậm có thể loại bỏ bớt các điểm ảnh nóng này và thực tế, nó đã phát huy hiệu quả khá tốt dù không được triệt để hoàn toàn.
Tương tự như trên, giảm nhiễu tốc độ cao (HINR) chỉ hoạt động ở chế độ chụp tùy biến với ISO lớn hơn 800. Cơ chế hoạt động của chế độ này nhằm làm nhỏ các đốm màu, từ đó cố gắng duy trì độ chi tiết của ảnh thay vì chỉ nhắm vào yếu tố nhiễu màu như ở chế độ trước. Chế độ này lại chia làm 3 mức, giảm nhiễu “ít”, “trung bình” và “nhiều” tùy ý thích của người sử dụng.
Mặc dù hoạt động có hiệu quả, nhưng do việc đặt hai tính năng này ở trong chế độ chụp tùy biến khiến cho việc truy cập menu để kích hoạt khử nhiễu cần phải qua nhiều công đoạn hơn, gây khó khăn cho những người mới dùng hơn.
Máy này dùng được pin tiểu. Ảnh:
Imaging Resource.
K200D cung cấp một số chế độ cho phép người dùng xem và xử lý ảnh ngay trên máy, như so sánh, chuyển sắc ảnh thành sepia, chỉnh sáng tối… Một tính năng khá hữu ích độc đáo của K200D nữa trong làng DSLR đó là khả năng chuyển đổi định dạng RAW thành định dạng JPG ngay trên máy mà không cần copy vào máy tính hay bất cứ phần mềm nào cả.
K200D sử dụng thẻ SD hoặc SDHC. Kích thước ảnh lớn nhất của K200D cỡ 16,6 MB (khi ở chế độ chụp RAW) và 4 MB ở JPG 10 triệu điểm ảnh. Như vậy với một thẻ 4 GB, người dùng có thể lưu được khoảng 250 ảnh RAW hoặc cả nghìn ảnh JPG độ phân giải tối đa.
Một điểm không giống ai nữa của K200D là thay vì dùng pin xạc Lithium, máy này sử dụng 4 pin AA. Đối với người dùng thông thường, đây có khi lại là một lợi thế bởi pin AA có thể mua được ở bất cứ đâu. Với 4 pin Alkaline thường, Pentax cho biết K200D có thể chụp được 50 kiểu có đèn hoặc 200 kiểu không đèn. Đối với giới chuyên nghiệp, có thể sử dụng bộ pin xạc Ni-MH 2500 mAh.
Lúc này K200D sẽ chụp được tới 240 kiểu có đèn và 700 kiểu không đèn. Còn nếu dùng pin Lithium thì con số tương ứng sẽ là 350 và 1100 kiểu..
Tại Việt Nam, Pentax K200D giá khoảng 600 - 650 USD cho thân máy.
Ảnh:
Imaging Resource.
Không tính tới tên tuổi chưa được ưa chuộng so với các đại gia máy ảnh khác, giá của K200D ở Việt nam, khoảng 600 USD – 650 USD hàng xách tay, vẫn còn đắt và không đủ hấp dẫn nếu so sánh cả về tính năng và giá cả của những model cùng thời như Canon 450D hay Nikon D60. Do vậy, dù có rất nhiều tính năng độc đáo hỗ trợ những người mới bước chân vào thế giới DSLR, nhưng Pentax K200D vẫn thuộc loại “hàng hiếm” ở trong nước.
Theo SoHoa