Máy tính bảng Windows 8: Những nghi vấn chưa có lời giải
Cho đến lúc này, mới chỉ có chút ít thông tin về máy tính bảng chạy Windows 8 được hé lộ, và các nỗ lực tìm hiểu đều vấp phải một sự yên lặng khó hiểu.
Năm 2012 được kì vọng là năm bùng nổ của hệ điều hành Windows 8, thành viên mới nhất của gia đình đại gia Microsoft. Nhiều người nghĩ rằng trong khuôn khổ hội chợ công nghệ CES 2012 vừa qua, Microsoft và các đối tác sẽ trình làng nhiều thiết bị phần cứng chạy hệ điều hành này, nhất là các máy tính bảng được dự báo sẽ là tác nhân quan trọng xô đổ ngôi vương của iPad. Song tất cả đều thất vọng vì chỉ có chút ít thông tin được hé lộ và các nỗ lực tìm hiểu đều vấp phải một sự yên lặng khó hiểu.
Windows 8 được CEO của Microsoft, Steve Ballmer nhắc tới trong bài phát biểu tại CES cùng với việc giới thiệu bản mẫu máy tính bảng cài đặt hệ điều hành này do Qualcomm sản xuất. Nó cũng được nhắc tới một chút bởi chủ tịch Intel Paul Otellini và khi Lenovo công bố mẫu máy đầy sáng tạo IdeaPad Yoga, mẫu máy có thể chuyển đổi qua lại giữa 2 chế độ máy tính xách tay truyền thống và máy tính bảng.
Trong khuôn khổ sự kiện BUILD của Microsoft trước đây, cũng chính 3 công ty này đã công bố về hệ điều hành Windows 8 hoạt động trên nền tảng ARM. Đại diện của Microsoft đã trình diễn 5 phút chạy thử mượt mà của Windows 8 trên thiết bị dùng chíp ARM của nVidia trong buổi họp báo đó. Sau đó, chính Steve Ballmer đăng đàn giới thiệu chiếc máy tính bảng chạy Windows 8 của Qualcomm. Cũng tại đây, nhưng trong một không gian riêng tư mang nhiều hơi hướng bí ẩn hơn, Texas Instruments đã giới thiệu về nền tảng thiết bị chạy Windows 8 của mình.
Có một số nhà sản xuất Trung Quốc giới thiệu các mẫu máy tính bảng chạy Windows 7, nhưng chỉ có một hãng nói về kế hoạch sản xuất thiết bị cài đặt hệ điều hành Windows 8. Kupa, một công ty sản xuất đã trình diễn mẫu máy tính bảng X11 cài Windows 7 sử dụng bộ vi xử lí Intel Atom Z670, đồng thời cũng trưng bày một mẫu máy tính bảng cài phiên bản Windows 8 Developer's Preview (phiên bàn thử nghiệm dành cho các nhà phát triển), và gọi đó là mẫu máy Windows 8-ready. Thiết bị này được thiết kế theo tiêu chuẩn tối ưu hóa cho Windows 8, với màn hình tỉ lệ 16:9, độ phân giải 1366 x 768 pixel. Cấu hình này cũng giống với mẫu máy tính bảng Samsung Series 7 được giới thiệu ở sự kiện Microsoft BUILD mùa thu năm 2011.
Vấn đề là tại một sự kiện công nghệ đình đám có sức nóng lan tỏa tới mọi ngõ ngách trên thế giới như CES mà không có một nhà sản xuất nào nói về kế hoạch sản xuất máy tính bảng chạy Windows 8 của mình, ngoại trừ Lenovo với mẫu Yoga sáng tạo kể trên. Đến một đại gia có vẻ rất năng nổ trong lĩnh vực này là Samsung cũng im lặng không tham gia vào các tranh luận liên quan tới Windows 8. Giám đốc phát triển sản phẩm cấp cao của Fujitsu, Paul Moore hé lộ rằng Microsoft vẫn đang hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của các thiết bị cài đặt hệ điều hành mới này, nhưng có vẻ “vẫn chưa rõ ràng lắm”. Fujitsu đã tung ra mẫu máy Stylistic Q550 dùng chip Atom của Intel và đang có kế hoạch tung ra một đến hai phiên bản nâng cấp cho mẫu máy này. Công ty này hi vọng sẽ cải thiện được khả năng trình chiếu video của thiết bị do khách hàng có nhiều phàn nàn về chất lượng hình ảnh khi xem phim. Moore nói:”Đây đúng là thách thức lớn nhất [về năng lực xử lý] dành cho các bộ vi xử lí Atom. Chất lượng hiển thị video không ổn định”.
Mặc dù rõ ràng là giao diện của Windows 8 được tối ưu hóa cho màn hình cảm ứng và điều khiển tương tác, song hiện vẫn chưa rõ hệ điều hành có điểm gì vượt trội hơn hẳn so với các máy tính bảng của các đối thủ cạnh tranh. Một phần cũng bởi vì Microsoft chưa xác định được các ứng dụng Windows hiện tại có hoạt động trơn tru với hệ điều hành Windows 8 trên nền tảng vi xử lí ARM hay không. Các máy tính bảng ARM chắc chắn sẽ có ưu thế hơn các máy tính bảng sử dụng bộ vi xử lí x86 hiện thời ở các mặt trọng lượng, sức mạnh xử lí và giá thành. Những nhân tố này sẽ làm cho các máy tính bảng nền ARM rất hot trong tương lai.
Ở thời điểm hiện tại, gã khổng lồ Intel đang chơi trò “bắt cá hai tay” khi tiến hành phát triển và cung cấp song song các bộ vi xử lí cho cả các thiết bị Android lẫn Windows 8. Nền tảng xử lí đơn lõi Medfield dành cho Android được Intel giới thiệu tại CES vừa rồi sẽ xuất xưởng vào quý II năm 2012. Trong khi nền tảng Clover Trail dành cho Windows 8 sẽ có thời gian ra mắt lùi lại tới nửa cuối năm nay. Bộ vi xử lí nền tảng này sẽ thay thế các chip Atom hiện tại đang được sử dụng trong hầu hết các máy tính bảng Windows 7 do Fujitsu, Kupa và ViewSonic sản xuất. Chỉ có duy nhất Samsung trang bị vi xử lí core i5 có sức mạnh tương tự với bộ vi xử lí dành cho máy truyền thống cho mẫu máy tính bảng Series 7.
Vậy người dùng mong đợi gì ở các thiết bị sử dụng nền tảng ARM? Trong một buổi giới thiệu ra mắt phiên bản thứ 2 của thiết bị Windows 8 hạn chế người xem, Qualcomm có cho thấy tính năng standby được kích hoạt, thậm chí là với mạng AT&T 4G LTE mới nhất. Tính năng này cho thấy các máy tính bảng Windows 8 sẽ có khả năng tiết kiệm điện năng dẫn tới thời lượng pin dài hơn so với các thiết bị hiện tại. Đây là một trong những mấu chốt chính quyết định thành bại trên thị trường của máy tính bảng. Giám đốc phụ trách phát triển sản phẩm và phần mềm Steve Horton của Qualcomm cho biết: ”Microsoft đã bàn thảo với chúng tôi về các khái niệm mới [đối với hệ điều hành Windows 8] như luôn bật, luôn kết nối. Đây là một sự kết hợp khéo léo giữa các tính năng của điện thoại thông minh và máy tính. Các thứ bạn cần sẽ luôn được sẵn sàng, bạn sẽ có khả năng lập tình cho chúng và chúng sẽ luôn duy trì hoạt động ở mức cần thiết”.
Rõ ràng các nhà sản xuất máy tính bảng có quyền yêu cầu nhiều thứ từ nền tảng ARM khi nó ảnh hưởng trực tiếp tới thiết kế của họ. Horton cũng cho biết thêm là Microsoft không đưa ra hạn chế gì đối với nền tảng ARM mà chỉ yêu cầu các nhà sản xuất thiết bị OEM đảm bảo tỉ lệ màn hình 16:9 để thích ứng một cách tốt nhất với giao diện Metro của Windows 8. Khi đựợc phỏng vấn về mối liên quan giữa Windows 8 và ARM, các phụ trách thiết kế chính mẫu ultrabook Series 9 của Samsung là Junghwan Hong và Sangwon Yoon thừa nhận rằng nền tảng ARM hứa hẹn tiềm năng rất lớn cho sự đột phá về thiết kế.
Yoon nói: ”Chúng tôi có nghiên cứu nền tảng ARM dưới góc độ của người thiết kế. Chúng tôi hiện có rất nhiều sản phẩm dựa trên nền tảng này. ARM khong cần tới quạt tản nhiệt, đối với các nhà thiết kế mà nói thì đây là một ưu điểm lớn. Thách thức lớn nhất là làm sao để có được thiết kế hấp dẫn mà giá thiết bị lại rẻ”.
Và đó chắc chắn không phải là thách thức duy nhất cho máy tính bảng Windows 8. Mới đây, việc khúc mắc giữa Intel và Microsoft được dự báo sẽ làm tăng giá thiết bị này lên gần 1.000 USD càng khiến cho nền tảng ARM có đất để phát triển. Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng cấu hình phần cứng mạnh mẽ là chưa đủ khi muốn hạ bệ iPad của Apple. Năm 2012 này, hãy chờ xem Microsoft và các đối tác xoay xở ra sao trước kì vọng của người dùng vào mẫu máy tính bảng thiết kế đẹp, cấu hình mạnh mẽ, giá cả hợp lí và sử dụng hệ điều hành quen thuộc với cộng đồng người dùng Windows đông đảo.
Theo TTCN