PhuongNguyen
Well-Known Member
Làm sao để cứu vớt công nghệ màn hình Plasma?
Với sự rút lui liên tiếp của hai nhà sản xuất lớn là Pioneer của Nhật và Vizio của Mỹ trong ít ngày vừa qua, số phận của loại TV sử dụng công nghệ Plasma đang bị đặt một dấu hỏi lớn. Kỳ vọng đang được đặt cả vào tay Panasonic - nhà sản xuất TV Plasma lớn nhất thế giới hiện nay.
Cuối tuần trước, Pioneer chính thức tuyên bố sẽ từ bỏ thị trường TV Plasma từ tháng 3/2010. Gần như đồng thời, hãng sản xuất màn hình lớn của Mỹ là Vizio cũng xác nhận sẽ không tiếp tục hậu thuẫn cho công nghệ màn hình phẳng này nữa. Những động thái liên tiếp nêu trên đã làm dấy lên những lo ngại về khả năng tồn tại của TV Plasma trước sức cạnh tranh ngày càng lớn của công nghệ đối thủ LCD.
Trước tình thế hiện nay, câu hỏi về khả năng sống sót của công nghệ Plasma dường như đang được đặt vào tay của Panasonic, bởi đây là nhà sản xuất có sự hậu thuẫn mạnh mẽ nhất dành cho công nghệ này, và cũng đang là hãng chiếm thị phần cao nhất trên thị trường. Hiện nay, ngoài Panasonic còn có Samsung và LG là hai hãng lớn vẫn tiếp tục sản xuất và kinh doanh TV Plasma, nhưng cả hai đều dành nhiều quan tâm hơn cho công nghệ đối thủ LCD, bởi đó là thị trường đang mang lại cho họ những nguồn lợi lớn hơn. Đã từ lâu người ta không thấy Samsung hay LG có một phát minh nào mới đóng góp vào sự phát triển của công nghệ màn hình Plasma.
Panasonic đang được xem là cứu tinh của ngành công nghiệp sản xuất TV Plasma. Ảnh: Newlaunches.
Vậy câu hỏi đặt ra hiện nay là: liệu một mình Panasonic có đủ sức cứu vớt cả ngành công nghiệp TV Plasma đang hấp hối? Và nếu có thì là bằng cách nào? Nếu công nghệ Plasma buộc phải khai tử giống như cái cách mà công nghệ HD DVD đã hứng chịu trong cuộc chiến định dạng với Blu-ray, thì đó quả là một kết cục buồn cho người tiêu dùng. Bài học từ cuộc chiến HD DVD - Blu-ray cho thấy, khi không còn phải chịu áp lực cạnh tranh, các nhà sản xuất sẽ không còn quá sốt sắng trong việc phát triển công nghệ và giảm giá bán, những mối quan tâm lớn nhất của người tiêu dùng.
Thực chất, thị trường TV Plasma có những "lỗ hổng" mà các nhà sản xuất TV LCD đã "khai thác" tốt. Dưới đây là một số điểm mà nhà sản xuất TV Plasma có thể tham khảo để cứu vãn kết cục đen tối có thể xảy ra.
1. Khai thác tối đa ưu thế về giá cả
Hiện nay, kích thước 42", 46" và 50" là những tầm màn hình có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với công nghệ Plasma, bởi chúng cho chất lượng hình ảnh cao, đồng thời giá bán của những model tương ứng sử dụng công nghệ LCD thường rất đắt. Vì vậy, các nhà sản xuất TV Plasma nên chú ý đến phân khúc sản phẩm này, tập trung đánh mạnh vào ưu thế giá cả, bởi theo thống kê, nếu hai chiếc TV có cùng kích cỡ, cùng giá tiền thì người tiêu dùng thường có xu hướng lựa chọn TV LCD nhiều hơn. Vì vậy, để thu hút khách hàng, một trong những cách tốt nhất là tạo ra sự chênh lệch về giá.
2. Sản xuất TV Plasma màn hình lớn hơn, với mức giá rẻ hơn
Điểm yếu của công nghệ LCD là khó sản xuất được những chiếc TV có kích cỡ lớn, mà thường chỉ dừng ở mức 50-55 inch. Vì vậy, mặc dù biết rằng phân khúc thị trường dành cho những màn hình cỡ lớn hơn 55 inch chiếm tỷ trọng không nhiều, nhưng nếu các nhà sản xuất thành công trong việc cải tiến công nghệ để tăng chất lượng hình ảnh và giảm giá bán, TV Plasma sẽ thống lĩnh phân khúc này.
Màn hình cỡ lớn là một ưu thế của công nghệ Plasma. Ảnh: Plasma.
3. Thực hiện các chiến dịch truyền thông, quảng bá về những ưu điểm của công nghệ Plasma
Dòng TV Plasma sử dụng tấm nền sản xuất theo công nghệ Neo PDP mới được Panasonic giới thiệu có điểm mạnh ở độ mỏng của màn hình và khả năng tiết kiệm điện năng. Với thế hệ TV mới này, có thể nói công nghệ Plasma đã san bằng những cách biệt thường được nhắc đến khi so sánh với công nghệ đối thủ LCD. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là Panasonic phải quảng bá, giới thiệu một cách đậm nét, rộng rãi những điểm mạnh này tới người tiêu dùng thông qua các kênh truyền thông hữu hiệu.
4. Giảm trọng lượng TV hơn nữa và áp dụng các chương trình khuyến mại hấp dẫn
Các hãng sản xuất TV hiện đang chạy đua sát sao về độ mỏng của màn hình, nhưng trên thực tế, khách hàng quan tâm nhiều hơn đến giá cả, khuyến mại và cân nặng của TV. Họ sẵn sàng chấp nhận mua một chiếc TV dày hơn một chút để tiết kiệm một khoản tiền, nhất là trong thời buổi khó khăn về kinh tế như hiện nay. Vì vậy, các nhà sản xuất TV Plasma nên chú ý nhiều hơn đến các hình thức kích cầu, bên cạnh việc quảng cáo rầm rộ về các dòng sản phẩm siêu mỏng, với những tính năng ưu việt của mình.
Theo Sohoa
Chỉnh sửa cuối: