Những cú đối đầu "được ăn cả, ngã về không"
Lần lượt Walkman của Sony và Zune của Microsoft bại trận dưới tay iPod của Apple. Rồi Samsung Galaxy Tab thua iPad. Cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn với Google TV và Apple TV, Firefox và Internet Explorer, Android và iOS….
Sony Walkman và Apple iPod
Sony bất thình lình bỏ rơi nhãn hiệu Walkman – máy nghe nhạc có ổ cứng – vào năm 2004, 25 năm sau khi hãng giới thiệu nhãn hiệu này và 4 năm sau khi Apple tung ra chiếc iPod đầu tiên.
Microsoft Zune và Apple iPod
Năm 2006, Microsoft giới thiệu máy nghe nhạc Zune để cạnh tranh với iPod. 5 năm sau, máy nghe nhạc Zune vẫn không gặt hái được gì nhiều trong 77% thị phần của Apple. Zune cũng không phải là một trong năm nhãn hiệu hàng đầu trên thị trường. Cuối cùng, Microsoft đã quyết định chấm dứt số phận của Zune, mặc dù phần mềm của Zune vẫn tiếp tục sự sống trên Windows Phone 7 và Xbox.
Amazon MP3 Store và Apple iTunes
Kho MP3 của Amazon cho Android vẫn là một ứng dụng ĐTDĐ và mọi người có thể tải chúng từ Android Market. Nó cũng hỗ trợ cả máy tính bảng. Không như Apple, Google không có kho nhạc riêng (mặc dù hãng đang dự định làm một cái), vì thế kho nhạc của Amazon là cách tốt nhất để người dùng lấy nhạc, phim thẳng vào máy điện thoại Android. Thực ra, nó được cài sẵn trên một số mẫu điện thoại.
Nhỏ hơn nhưng cũng là một đối thủ của iTunes Music Store, kho MP3 của Amazon nhanh chóng giành được “đất” trên các thiết bị di động Android. Nếu Google không nhanh chóng xây dựng dịch vụ âm nhạc riêng, Amazon và iTunes có thể sẽ là những đối thủ lớn nhất trên thị trường.
Motorola Droid và Apple iPhone
Là lá cờ đầu trong dòng smartphone Android của Google, Droid X trên mạng Verizon là đối thủ của iPhone trên mạng AT&T. Dù cũng có mặt hơn iPhone, Droid X vẫn không bán chạy như iPhone 4. Tuy vậy, cuộc chiến giữa Android và iOS còn lâu mới kết thúc.
Google TV và Apple TV
Tháng 10 năm ngoái, Google và Logitech giới thiệu Revue 299 USD, hộp giải mã được thiết kế để đưa web lên TV. Trong khi đó, Apple tung ra Apple TV 2 giá 99 USD. Đối đầu với Apple TV 2, Revue xù xì và đắt đỏ. Không có gì ngạc nhiên khi sản phẩm của Google chẳng được mấy ưa chuộng, trong khi Apple đã bán hơn 1 triệu Apple TV mới.
Dell Adamo và Apple Macbook Air
Năm 2009, dự định tung ra một chiếc laptop siêu mỏng, siêu nhẹ như MacBook Air, Dell đã giới thiệu Adamo. Nhưng cuối cùng, dù đã giảm giá Adamo với hy vọng thu hút người dùng, Dell vẫn phải khai tử dòng máy này vào tháng 2/2011. Trong khi đó, Apple tiếp tục bán rất chạy dòng laptop “mỏng như dao cạo” này.
HP Envy và Apple Macbook Pro
Có thiết kế tương tự dòng MacBook Pro của Apple, dòng laptop Envy của HP có nhiều mẫu 13, 14, 15 và 17 inch, nhưng mức giá lại không rẻ hơn, cấu hình cũng không mạnh hơn đối thủ Apple. HP đã phải ngừng bán mẫu Envy 13 vào tháng 2/2011.
Samsung Galaxy Tab và Apple iPad
“Phát súng” đầu tiên của Samsung với iPad là chiếc Galaxy Tab 7 inch, một chiếc smartphone hay một chiếc máy tính bảng, tùy từng cách nhìn. Trong khi Apple bán được 15 triệu iPad 1 trong năm 2010, Galaxy Tab hoàn toàn “bé nhỏ”, và Samsung đã không công bố số chính xác. Trong vòng sau, Samsung đang dự định đối đầu với Apple iPad 2 bằng chiếc Galaxy Tab 10,1 inch.
Cuil.com và Google
Một nữ nhân viên cũ của Google đã cùng chồng khai sinh ra Cuil (phát âm như từ “cool”) năm 2008 nhắm thách thức Google. Nhưng công cụ tìm kiếm này chỉ giành chút ít thị phần sau 6 tháng cạnh tranh. Dự án này gây chút chú ý vào năm 2010, nhưng sau đó vẫn không ngoi lên nổi.
Wolfram Alpha và Google
Từ khi ra đời, công cụ tìm kiếm Wolfram Alpha vẫn phải tiếp tục nâng cấp. Cuối cùng, dù là một ứng dụng giá 50 USD trên iPhone và hợp tác với Bing, Wolfram Alpha cũng chưa bao giờ là đối thủ của Google.
Motorola Droid Pro và RIM Blackberry
Những phiên bản đầu tiên của các smartphone Android có vẻ giống với BlackBerry OS, nhưng sau đó Android chuyển sang hướng màn hình cảm ứng, sau thành công của iPhone. Giờ đây, Droid Pro của Motorola lại bổ sung thêm bàn phím QWERTY dưới màn hình cảm ứng. Vẫn còn quá sớm để nói Droid Pro có thể hạ BlackBerry hay không.
Mozilla Firefox và Microsoft Internet Explorer
Năm 1995, lần đầu tiên Microsoft nhúng Internet Explorer vào Windows. Trong vòng 5 năm, trình duyệt này đã thống trị thị trường ngay trước “mũi” của Netscape và các đối thủ khác. Gần đây hơn, Firefox trở thành đối thủ lớn nhất của IE, với khoảng ¼ thị phần (IE có 60%). Liệu Mozilla có vượt qua IE?
Mozilla Thunderbird và Microsoft Outlook
Trong khi Firefox thách thức Internet Explorer, Mozilla lại tìm cách đánh vào lãnh thổ của Microsoft với Thunderbird, một phần mềm email thay thế Outlook. Gần đây, cập nhật lên phiên bản 3.1, Thunderbird đã ghi điểm vì liên tục cải thiện tính năng, nhưng thị phần của nó cũng chỉ hơn 2%.
Google Buzz và Twitter
Thành công của mạng xã hội đã kích thích nhiều công ty “dấn thân”. Buzz – một nỗ lực của Google trong miếng bánh mạng xã hội, hơi giống với Twitter. Buzz tự động bổ sung danh bạ và phơi bày các mối quan hệ mà nhiều người dùng không muốn công bố. Vụ lùm xùm riêng tư về Buzz lớn đến nỗi Google phải lên tiếng xin lỗi và dịch vụ này vẫn chẳng thể lớn lên nổi.
OpenOffice.org và Microsoft Office
Bạn nghĩ rằng một giải pháp miễn phí sẽ thay thế được Microsoft Office? Nhưng OpenOffice.org chẳng được đánh bóng nhiều và tiếp tục thiếu một số tính năng tiên tiến của Office. Hồi năm 2008, Open Office 3.0 hứa sẽ đánh mạnh vào Microsoft Office, nhưng nay đã 3 năm qua, bộ sản phẩm này vẫn chỉ đi bên lề của thị trường.
HD DVD và Blu-ray
Cuộc chiến định dạng nổ ra từ những năm 1980, giữa Betamax và VHS. Đến năm 2000, công nghệ đĩa quang thế hệ mới của Toshiba và Sony hứa hẹn sẽ mang lại chất lượng tốt hơn và nén nhiều dung lượng hơn. Mặc dù Microsoft đã đặt cược vào HD DVD vào năm 2005, nhưng đến năm 2008 công nghệ Blu-ray của Sony vẫn thắng thế. Năm 2008, cuối cùng Toshiba tuyên bố ngừng sản xuất HD DVD. Nhưng Blu-ray vẫn chật vật trong thời đại người dùng tải nhạc số, và doanh số đĩa quang đang bị gặm mòn dần.
Theo ICTnews