Một tuần bất ổn của giới công nghệ
Ít có thời điểm nào thông tin về tình trạng các website bị hack lại rộ lên mạnh như tuần qua. Sự bất ổn có được nhìn nhận trước đánh giá, mạng xã hội đình đám Facebook sắp hết thời, khi không còn duy trì được mức tăng trưởng mạnh như trước…
Diễn đàn của hacker cũng bị… hack
Chỉ từ đầu tháng 6 tới thờ điểm này, trang hvaonline.net (HVA), một trong các diễn đàn hacker lớn nhất tại Việt Nam đã có tới 2 lần bị tấn công từ chối dịch vụ DDOS. Lần thứ nhất vào khoảng 13 giờ 35 ngày 5/6, diễn đàn HVA bị một lượng DDOS rất lớn (khoảng 2,5 Gbitps traffic) ập vào và làm bão hòa hoàn toàn đường truyền đến máy chủ HVA. Hệ thống bảo vệ của nhà cung cấp tự động ngắt và cản trọn bộ traffic đến máy chủ của HVA nên không có ai có thể truy cập vào diễn đàn.
Gần hơn, đợt tấn công từ chối dịch vụ với cường độ lớn thứ 2 dội vào diễn đàn HVA diễn ra vào khoảng 23 giờ ngày 12/6. Do sử dụng server đặt ở nước ngoài nên nhà cung cấp dịch vụ tự động cản lọc trọn bộ các truy cập đến HVA. Bởi vậy, từ khoảng 23 giờ 12/6 đến khoảng 4 giờ sáng ngày 13/6, mọi truy cập đến diễn đàn đều không thực hiện được.
Theo thống kê của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam VNCERT, chỉ trong 2 tuần đầu của tháng 6, số lượng tấn công các website Việt Nam có tăng lên khá lớn so với bình thường. Không chỉ có diễn đàn hacker lớn nhất Việt Nam như HVA bị tấn công DDOS, danh sách bị hacker tấn công còn lên tới hàng trăm website.
Cụ thể hơn, Bkav đã đưa ra con số 249 website có bằng chứng cụ thể là đã bị tấn công, trong đó có 51 trang tên miền “.gov.vn”, gấp hơn 2 lần số trang web bị hacker “hỏi thăm” trung bình hàng tháng từ đầu năm 2011.
Đăng tải trên tờ báo điện tử ICTnews, tiến sĩ Vũ Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam VNCERT Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, chúng ta không nên vội vàng khẳng định đa số các cuộc tấn công đều xuất phát từ Trung Quốc, và đó là hành động trả đũa hacker Việt Nam. Trên thực tế, không ít các website của Việt Nam bị tấn công bởi những hacker nước khác, chứ không chỉ riêng Trung Quốc.
Cốt lõi vấn đề ở chỗ, ngoài những web đã bị tấn công, phía cơ quan chức năng còn đưa ra nhận định, khả năng bị hacker gia tăng mức độ tấn công trong thời gian tới hoàn toàn có thể xảy ra khi còn rất nhiều website của chúng ta không được bảo vệ tốt và còn chứa "chi chít" lỗ hổng.
Để giải quyết tình trạng này, hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang soạn thảo và chuẩn bị ban hành hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật cơ bản về bảo đảm an toàn cho các cổng thông tin điện tử, website doanh nghiệp. Cơ quan chức năng cũng đang nghiên cứu, xây dựng để sớm có thể sẽ ban hành một cẩm nang dành cho những người làm kỹ thuật có thể dễ dàng hơn trong việc quản trị các trang web.
Với việc dự kiến trong 6 tháng cuối năm nay, VNCERT và Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức đợt tập huấn cho cán bộ chủ chốt về an toàn thông tin của các Bộ ngành và website lớn về các biện pháp bảo vệ cho các website, cổng thông tin điện tử, có thể hy vọng, khả năng “chống đỡ” với các cuộc tấn công mạng có thể xảy ra bất kỳ lúc nào sẽ được thực hiện tốt hơn.
Câu chuyện về Facebook
Trong tuần qua, hàng loạt các thông tin liên quan đến Facebook cho thấy, dường như, mạng xã hội đình đám này cũng đang ở giai đoạn… bất ổn. Thậm chí, còn có câu hỏi được đặt ra, Facebook dường như đã đến hồi kết?
Theo dữ liệu tổng hợp từ công cụ quảng cáo của Facebook trên Inside Facebook, trong tháng 5/2011, dù tổng số người dùng vẫn tăng lên 700 triệu trên toàn thế giới, thế nhưng, ở các quốc gia lớn như Mỹ, Anh, Canada, Na Uy và Nga, số người sử dụng Facebook đã giảm. Số người dùng Facebook tại Mỹ giảm 6 triệu (từ 155,2 xuống 149,4 triệu); tại Canada giảm 1,52 triệu (còn 16,6 triệu); tại Anh, Na Uy và Nga đều giảm hơn 100.000 người dùng.
Mạng xã hội này dù vẫn tăng 11,8 triệu người dùng vào tháng 5, nhưng chậm hơn so với tháng 4 tới 2,1 triệu. Cả hai con số này đều chậm hơn so với mức tăng 20 triệu người/tháng trong 1 năm trước đó. Sự tăng trưởng của Facebook bị nhìn nhận đã chậm lại trong tháng thứ 2 liên tiếp.
Trong số 25 khu vực đông người dùng nhất, các nước có lượng người dùng tăng nhanh nhất trong năm là Brazil và Nga, tăng gần 4 lần lên tương ứng 17,1 và 4,6 triệu người dùng. Một số quốc gia có số người dùng tăng gần gấp đôi như: Ấn Độ (tăng 160% lên 24,9 triệu), Thái Lan (tăng 143% lên 9,1 triệu), Ai Cập (tăng 108% lên 7,1 triệu), Ba Lan (tăng 130% lên 6,1 triệu) và Peru (tăng 126% lên 5,5 triệu).
Tại Việt Nam, thời gian trở lại đây, lượng người dùng Facebook cũng đã giảm đáng kể. Theo số liệu từ DoubleClick Ad Planner tính đến hết tháng 3/2011, dù vẫn thêm người dùng tại Việt Nam, tuy nhiên, tổng thời gian truy cập và lượt người xem ở Việt Nam của Facebook đều giảm khá mạnh. Cá biệt vào tháng 1/2011, Facebook đã giảm nghiêm trọng cả về người dùng lẫn lượt xem. Mức giảm thời gian đó tới gần 70% so với tháng tháng 12/2010. Hết tháng 1/2011 có 2,6 triệu người dùng, giảm 0,9 triệu so với trước đó.
Theo VnMedia