HotelHoangMinh
New Member
Nhân Tài Đất Việt 2009 Không tìm được quán quân cho lĩnh vực CNTT
(VnMedia) - Lễ trao giải Nhân tài Đất Việt 2009 vừa diễn ra thành công vào tối nay, 20/11. Đã có 6 giải thưởng được trao cho các sản phẩm thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin và 3 giải thưởng dành cho ba 3 công trình nghiên cứu thuộc lĩnh vực Toán học, Công nghệ Sinh học, Khoa học sinh thái và môi trường của lĩnh vực Khoa học tự nhiên. Nhưng dường như niềm vui không được trọn vẹn khi năm nay, Ban tổ chức đã không tìm được quán quân cho hệ thống giải thưởng CNTT có tiềm năng ứng dụng và đã ứng dụng thực tế.
Lễ trao giải Nhân tài Đất Việt 2009 vinh dự được đón tiếp ông Lê Khả Phiêu - Nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; ông Vũ Oanh - Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; ông Nguyễn Mạnh Cầm - Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; ông Nguyễn Thiện Nhân - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, cùng Lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành, Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam, và nhiều nhà khoa học uy tín trong nước; đại diện Lãnh đạo các trường đại học, các doanh nghiệp Bưu chính Viễn thông - CNTT tại Hà Nội, các thí sinh tham dự Giải thưởng Nhân tài Đất Việt qua các năm, các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và Hà Nội cùng đông đảo sinh viên các trường đại học tại Hà Nội.
Lễ trao giải cũng đã vinh dự được nhận lẵng hoa chúc mừng của ông Nguyễn Minh Triết - Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; và lẵng hoa chúc mừng của ông Trương Tấn Sang - Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư.
Chủ tịch Hội đồng quản trị VNPT Phạm Long Trận và ông Phạm Huy Hoàn - Tổng Biên tập Báo Dân trí đã đại diện Ban tổ chức Giải thưởng lên nhận hai lẵng hoa chúc mừng của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Ảnh: Văn Hân.
Sau hai ngày làm việc (hôm 17 - 18/11/2009 vừa qua) với tinh thần tập trung, tích cực và hiệu quả, Hội đồng Chung khảo đứng đầu là GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu đã chọn ra được những chủ nhân của các giải thưởng trong đêm tôn vinh Nhân tài Đất Việt.
Giải nhì duy nhất của nhóm các sản phẩm có tiềm năng ứng dụng và cũng là giải thưởng cao nhất của lĩnh vực CNTT thuộc về nhóm tác giả Ngô Đức Hoàng, Hầu Nguyên Thanh Hoàng đến từ Trung tâm ICDREC (TP.HCM) với sản phẩm “Vi mạch điều khiển Vn08-01”.
Hứa hẹn sẽ tạo nên cú hích cho ngành công nghệ điện tử tại Việt Nam, “Vi mạch điều khiển Vn08-01” được thiết kế theo chuẩn công nghiệp có tính năng tương đương và hơn hẳn về tốc độ xử lý gấp 05 lần so với chip cùng loại đang được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi tại thị trường Việt Nam: chip PIC 16C6X của hãng Microchip.
Đến thời điểm dự thi Giải thưởng Nhân tài Đất Việt, vi mạch điều khiển Vn08-01 đã được sản xuất thử nghiệm một số ứng dụng cụ thể theo yêu cầu của đối tác hoặc sản phẩm có tiềm năng ứng dụng như: Hệ thống kiểm soát báo hiệu an toàn hàng hải ứng dụng cho hệ thống kiểm soát phao và hải đăng của Tổng công ty Bảo đảm An toàn Hàng Hải II; Bảng mạch điều khiển máy giặt ứng dụng cho máy giặt Funiki của tập đoàn Hoà Phát; Quang báo sử dụng VN8-01; Remote đa năng sử dụng VN8-01; KIT vi điều khiển 8-bit RISC VN8-01.
Là sản phẩm cao cấp trong lĩnh vực vi điều khiển RISC, mang tính đột phá về mặt kỹ thuật đối với ngành thiết kế vi mạch Việt Nam. Sản phẩm tạo ra về mặt kỹ thuật ngang tầm với các sản phẩm thương mại trên thế giới. Nó như một cú hích mạnh khẳng định: nếu được đầu tư xứng đáng, Việt Nam có thể tạo ra được các vi mạch tham gia vào thị trường thế giới. Đó chính là lý do để Hội đồng giám khảo đã thống nhất trao giải Nhì và cũng là giải thưởng cao nhất trong hệ thống giải thưởng CNTT của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm nay.
Xuất phát từ khả năng ứng dụng lớn của sản phẩm và nhu cầu ngày càng nhiều, nhóm tác giả gồm 3 thành viên tại phòng thí nghiệm AI LAB (trường ĐH KHTN TP.HCM) đã xây dựng và phát triển sản phẩm trong thời gian 2 năm (từ 8/2007 đến 8/2009) sản phẩm có tên gọi là “Tiếng nói phương Nam - VOS”. Đây là một sản phẩm có tiềm năng ứng dụng ra đời với mục tiêu tạo ra một bộ tổng hợp tiếng nói Việt với chất lượng giọng nói tự nhiên, rõ ràng và tập hợp từ vựng lớn, gần như toàn bộ từ vựng tiếng Việt. Sản phẩm đã giành một trong số hai giải ba của nhóm sản phẩm có tiềm năng ứng dụng thực tế năm 2009 của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt.
Có khả năng tự định nghĩa các đối tượng cần quản lý, cho phép thay đổi thuộc tính của đối tượng linh động mềm dẻo, sử dụng hệ thống bảo mật thống nhất dùng chung cho toàn bộ các hệ thống nghiệp vụ khác nhau - đây là tính năng nổi trội và cũng là lý do tiêu biểu nhất để sản phẩm “Hệ thống quản lý tài nguyên thông minh iRS” đã giành một trong hai giải ba - giải thưởng cao nhất của lĩnh vực đã ứng dụng rộng rãi trong thực tế…
Để có được những kết quả này, công tác chấm thi của Ban Giám khảo đã được tiến hành chu đáo, tỷ mỉ, chính xác và đảm bảo sự minh bạch, công bằng. GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu đã đại diện Ban Giám khảo đi thực tế đánh giá chất lượng và việc triển khai hoạt động, tính khả thi của các sản phẩm vào chung khảo để kiểm tra tính hoàn thiện, tính ứng dụng và hiệu quả của sản phẩm. Bên cạnh đó, một Hội đồng phản biện cũng đã được thành lập nhằm kiểm tra tính khoa học cũng như chứng minh tác quyền của thí sinh đối với sản phẩm dự thi.
2009 là năm đầu tiên Giải thưởng Nhân tài Đất Việt được mở rộng sang lĩnh vực khoa học tự nhiên và cũng đánh dấu mốc kỷ niệm 5 năm của Giải thưởng. Vì vậy Lễ trao giải Nhân tài Đất Việt 2009 đã thực sự là buổi lễ đặc biệt vinh danh những nhân tài của đất nước trong lĩnh vực CNTT và KHTN đồng thời tạo niềm hứng khởi, khích lệ và phát động thế hệ trẻ Việt Nam hưởng ứng phong trào nghiên cứu, sáng tạo các sản phẩm CNTT và KHTN ứng dụng trong cuộc sống. Những thí sinh đã từng đạt giải Nhân tài Đất Việt trong suốt 4 năm qua cũng sẽ một lần nữa được vinh danh trên sân khấu Lễ trao giải năm nay.
Tại buổi lễ, Ông Phạm Long Trận - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã gửi lời chúc mừng nồng nhiệt nhất tới tất cả các cá nhân và nhóm cá nhân đạt giải đồng thời bày tỏ sự vui mừng trước sự phát triển của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt qua các năm và thể hiện sự tin tưởng Giải thưởng sẽ tiếp tục được mở rộng và phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng sản phẩm dự thi.
Nhân tài Đất Việt 2009 được đánh giá là một trong những năm giành được kỷ lục với số lượng sản phẩm tham dự là 225. Sản phẩm tham dự Giải thưởng năm nay cũng được đánh giá cao về tính ứng dụng và đóng góp những giá trị thiết thực cho cuộc sống. Những thế hệ Nhân tài Đất Việt qua các năm được vinh danh tại Lễ trao giải năm nay là các tài năng được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và những đơn vị sáng lập nên Giải thưởng này đặt niềm tin và hy vọng sẽ góp phần tích cực nhất vào việc đưa những thành tựu CNTT và KHTN vào đời sống.
Năm nay, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tiếp tục là đơn vị tổ chức và tài trợ chính cho Giải thưởng Nhân tài Đất Việt dưới sự Bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các với đơn vị tài trợ khác. Báo Điện tử VnMedia, Báo Dân trí điện tử và Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) vinh dự là các đơn vị đồng tổ chức Giải thưởng này.
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2009 còn nhận được tài trợ bởi Nhà tài trợ Vàng – Ngân hàng An Bình (ABBANK), Nhà tài trợ Bạc - Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), Nhà tài trợ vận chuyển - Hãng hàng không Jetstar Pacific. Đặc biệt, ngay đầu tháng 11 này, Ban Tổ chức đã vinh dự được tiếp nhận thêm một nhà tài trợ nữa là Nhà tài trợ Bạc - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank).
Toàn cảnh lễ trao giải NTĐV 2009. Ảnh: Văn Hân
Danh sách các sản phẩm, công trình giành Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2009
I- Lĩnh vực CNTT:
Sản phẩm CNTT đã hoàn thiện có Tiềm năng Ứng dụng:
Giải Nhất: Không có
Giải Nhì: Sản phẩm “Vi mạch điều khiển Vn08-01” của nhóm tác giả Ngô Đức Hoàng và Hầu Nguyên Thanh Hoàng.
Giải Ba:
1- Sản phẩm “Hệ thống giám sát và điều khiển Trạm Viễn thông không người trực PACC NetSys Version 1.1” của nhóm tác giả Trần Công Lương, Nguyễn Minh Thái, Phan Ngọc Học, Võ Viết Tài, Phạm Thế Trung, Ngô Nhân Tâm.
2- Sản phẩm “Tiếng nói Phương Nam” của nhóm tác giả Nguyễn Mạnh Tuấn và Võ Quang Diệu Hà.
Sản phẩm CNTT đã ứng dụng thực tế:
Giải Nhất: Không có.
Giải Nhì: Không có
Giải Ba:
1-Sản phẩm “Hệ thống quản lý tài nguyên iRS” nhóm tác giả Trung tâm Tin học, Công ty Cổ phần Viễn thông - Tin học Bưu điện (CT-IN).
2-Sản phẩm “Hệ thống quản lý bãi xe thông minh ứng dụng công nghệ nhận dạng biển số kết hợp công nghệ thẻ - Mắt thần 2.0” của nhóm tác giả Mắt thần.
Giải Khuyến khích:
1-Sản phẩm “Hệ thống thông tin quản lý đất đai xây dựng trên nền GIS-VnCIS” của nhóm tác giả Hoàng Anh, Nguyễn Đình Huỳnh, Nguyễn Xuân Danh và Lê Đức Hùng.
II- Lĩnh vực khoa học tự nhiên:
Lĩnh vực Công nghệ Sinh học: Công trình “Phát triển công nghệ tế bào và công nghệ công nghệ gen phục vụ việc tạo giống cây trồng có tính chống chịu cao cho nông nghiệp và sản xuất an toàn protein tái tổ hợp cho y dược” của Giáo sư, tiến sĩ Lê Trần Bình - Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ sinh học nanô, trường Đại học Công nghệ - Đại học quốc gia Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Lĩnh vực Toán học: Các công trình nghiên cứu về Đại số giao hoán của GS. Ngô Việt Trung - Viện trưởng Viện Toán học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Lĩnh vực Khoa học sinh thái và môi trường: Công trình “Nâng tầm vị thế của Việt Nam trong mạng lưới các khu sinh quyển thế giới” của Phó Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Trí - Giám đốc, Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Môi trường, Trường ĐHSP Hà Nội, Tổng thư ký, UBQG Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) Việt Nam.
Theo VnMedia