Ngành Thuế - Hải quan: Hướng cải cách năm 2010
Cải cách hành chính (CCHC) đối với ngành thuế và hải quan (HQ) đóng vai trò quan trọng trong phát triển của nền kinh tế đất nước. Về phần mình CNTT đóng vai trò quyết định cho công cuộc CCHC cho hai ngành này.
Thủ tục tiêu tốn thời gian của doanh nghiệp!
Tuy đã có những bước chuyển nhất định, nhưng trình độ quản lý thuế và HQ của Việt Nam hiện vẫn ở mức thấp so với các nước tiên tiến trên thế giới. Theo báo cáo môi trường kinh doanh hàng năm, các tổ chức quốc tế xếp thứ hạng về thuế của Việt Nam ở mức 140/182 nước (Singapore thứ 5, Malaysia thứ 21, Thái Lan thứ 82); thời gian DN làm các thủ tục về thuế và các nghĩa vụ với ngân sách là 1.050 giờ (trong đó bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế chiếm 400 giờ), trong khi Singapore là 84 giờ, Indonesia 266 giờ, Malaysia 145 giờ, Thái Lan 264 giờ.
Về HQ, việc kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu thực hiện thủ công; khai HQ, nộp thuế chưa được điện tử hóa…, thời gian thông quan còn kéo dài; tỷ lệ hàng hóa thuộc diện kiểm tra thực tế cao gấp 2 lần các nước trong khu vực; gấp 3 lần các nước tiên tiến.
Hoàn thành giai đoạn 1 của đề án “Đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010” (Đề án 30), Bộ Tài chính đã hoàn thành thống kê và công bố 840 thủ tục hành chính (TTHC) được thực hiện tại các cấp chính quyền thuộc nhiều lĩnh vực có liên quan thiết thực đến đời sống hàng ngày của người dân và doanh nghiệp (DN) như thuế, phí, lệ phí, HQ, tài chính DN, quản lý giá, dịch vụ tài chính… Trong đó, thuế là 330 thủ tục, HQ là 239 thủ tục.
Thuế và HQ trong thời gian qua có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận, nhưng so với yêu cầu và kỳ vọng thì cần có sự đột phá mạnh mẽ hơn nữa. Sự thiếu đồng bộ của các chuẩn mực với các thông lệ quốc tế và chất lượng nhân lực chuyên trách quá mỏng cần bổ sung tại các đơn vị HQ, thuế cũng là nguyên nhân dẫn tới CCHC và hiện đại hóa chưa đạt những bước tiến như mong đợi.
Bốn nguyên nhân khiến thủ tục thuế (kê khai, đăng ký, nộp, hoàn thuế…) chậm trễ, thời gian làm thủ tục kéo dài: DN và người nộp thuế phải kê khai và nộp thuế nhiều lần; quy trình nghiệp vụ còn nhiều chồng chéo; chậm ứng dụng CNTT và chưa có mô hình, phương pháp quản lý hiện đại; nhân lực của ngành còn nhiều hạn chế.
Mục tiêu của Bộ Tài chính phấn đấu đến năm 2010 phải giảm được tối thiểu 30% số TTHC đang có. Nâng xếp hạng ngành Thuế đứng thứ 120 thế giới; giảm số giờ nộp thuế cho DN từ 1.050 giờ hiện nay xuống còn 600 giờ. Giảm thời gian thông quan xuống còn 1,5 lần so với các nước trong khu vực và đến năm 2011 phải bằng khu vực. Công tác CCHC và chống tiêu cực phải được đẩy nhanh, thực hiện một cách bài bản và quyết liệt hơn.
Giai đoạn 2 Đề án 30: Cần đến CNTT
Giai đoạn 2 của Đề án 30 khó khăn hơn giai đoạn 1 nhưng ở đâu có cán bộ công tâm, nhiệt huyết chắc chắn sẽ thành công. Điều cần nhất là khắc phục vấn đề con người. Rõ ràng đâu đó có cán bộ muốn duy trì TTHC rườm rà. Ngay khi TTHC tốt nhưng thái độ, nghiệp vụ của cán bộ không tốt thì dân vẫn khổ. Điều này thời gian qua đã xảy ra.
Tăng cường sử dụng CNTT hỗ trợ cho công nghệ hành chính, hạn chế các “vấn đề con người”, Bộ Tài chính chủ trương cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý thuế thông qua việc thực hiện Đề án “Thí điểm nộp hồ sơ thuế qua mạng Internet trên địa bàn Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu” vào tháng 8/2009. Năm 2010 Bộ áp dụng nộp hồ sơ khai thuế qua mạng đối với các DN ở những địa bàn có điều kiện (đảm bảo khoảng 80% số thu ngân sách nhà nước). Một số giải pháp khác đã và đang triển khai: kết nối thông tin giữa cơ quan thuế, HQ, kho bạc và tài chính (cuối năm 2009 triển khai ở 33 tỉnh, thành phố); Triển khai dự án “Nộp thuế qua ngân hàng” trên các địa bàn lớn…
Đối với ngành HQ: mở rộng khai HQ từ xa qua mạng tại tất cả các cục HQ tỉnh, thành phố, nâng tỷ lệ khai HQ từ xa qua mạng trên cả nước lên 90% trong năm 2010; Xây dựng quy trình về quản lý, giám sát HQ cảng biển quốc tế, hàng hóa chuyển phát nhanh quốc tế, quy định về địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung, đầu tư phương tiện hiện đại giám sát kiểm tra HQ, đưa máy soi container tại Cát Lái (3/2010) và Hải Phòng (8/2010) vào hoạt động, đầu tư hệ thống giám sát HQ (camera, cân hàng hóa điện tử, máy soi hàng hóa…) ở các cửa khẩu quan trọng; Thực hiện đề án nâng cấp, đổi mới hệ thống quản lý rủi ro (đến cuối năm 2009 giảm tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa xuất nhập khẩu xuống dưới 20%, trong đó 70% các lô hàng kiểm tra thực tế hàng hóa được dựa trên tiêu chí quản lý rủi ro)…
Qua rà soát TTHC giai đoạn 2, Tổng cục HQ đã đề nghị: đưa ra khỏi bộ TTHC 11 thủ tục, huỷ bỏ 5 TTHC, sửa đổi bổ sung 111 TTHC. Đồng thời tiếp tục rà soát sửa đổi bổ sung và hoàn thiện các quy trình thủ tục HQ, quy trình quản lý thuế. Tiếp tục duy trì cơ chế một cửa, đối thoại với DN để kịp thời giải quyết các vướng mắc của DN và người dân, tăng cường cung cấp hỗ trợ thông tin cho DN.
Tổng cục HQ đã nâng cấp phần mềm cho phù hợp với quy định mới. Tại các đơn vị HQ địa phương cũng cài đặt phần mềm thông quan điện tử và thực hiện đào tạo cho cán bộ HQ và DN làm quen với phương thức xử lý thông tin trên hệ thống mới. Ngoài ra, Tổng cục HQ cũng cử các tổ công tác hỗ trợ triển khai để giải quyết các vướng mắc phát sinh.
Để chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật phục vụ triển khai thủ tục HQ điện tử, ngành đang nâng cấp, bổ sung thiết bị, đường truyền đảm bảo đủ băng thông và đường dự phòng để vận hành suôn sẻ. Cùng với đó là triển khai cài đặt phần mềm thông quan điện tử, bao gồm cả đào tạo cán bộ HQ và DN. Cùng với việc triển khai mở rộng thủ tục HQ điện tử, trong năm 2010 ngành sẽ nâng cấp các hệ thống ứng dụng CNTT để đáp ứng việc thay đổi quy trình nghiệp vụ HQ, tiếp tục áp dụng khai báo từ xa tại các đơn vị chưa thực hiện. Bên cạnh đó tiếp tục triển khai dự án hiện đại hóa thu nộp thuế giữa các cơ quan HQ, Kho bạc, Thuế tại một số Cục HQ địa phương.
Sổ tay
Công nghệ hành chính!
Chúng ta đã một thời quen với suy nghĩ rằng quan hệ hành chính là quan hệ giữa bên cho và bên nhận, hình thành nên tâm lý của người công chức trực tiếp giải quyết công việc là mình có quyền ban phát ân huệ cho người dân. Công chức trong bộ máy hành chính phải thay đổi nhận thức về quyền hạn và trách nhiệm, nhưng chính bản thân người dân cũng phải thay đổi, phải thấy rõ quyền của mình.
Có nhà kinh tế nước ngoài khi nghiên cứu về những trở ngại trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã nhận xét rằng một trong những nhược điểm của người Việt Nam là dễ dàng thỏa hiệp trước những đòi hỏi có tính chất nhũng nhiễu của những cán bộ, nhân viên trong bộ máy hành chính. Nhiều người trong chúng ta rơi vào tình thế “vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm, vừa là quan tòa”. Còn đó những khó khăn, từ kinh nghiệm cho thấy, trước đây, chúng ta bãi bỏ giấy phép con nhưng sau đó nó lại mọc lên nhiều hơn. Liệu có cơ chế để người dân được tham gia ý kiến loại bỏ TTHC gây khó hiện nay cũng như ngăn TTHC bất hợp lý mới sẽ phát sinh không?
Để khắc phục tình trạng trên, Đề án 30 sẽ không “đóng” mà luôn huy động và sẽ tiếp thu các ý kiến của người dân, DN về các TTHC không hợp lý, hợp pháp và cần thiết. Người dân muốn tham gia ý kiến về TTHC có thể lên trang web của Đề án 30 tại địa chỉ
http://www.thutuchanhchinh.vn để đóng góp ý kiến.
Lâu nay về hành chính, nước ta vận hành thiếu một khuôn khổ, một công nghệ. Đó là khuôn khổ mà con người trong khuôn khổ đó dù muốn hay không phải hành xử theo những quy tắc nhất định, nếu không sẽ bị gạt ra.
Đó là công nghệ hành chính. Khái niệm này được ghép từ khái niệm Công nghệ và khái niệm Hành chính. Hiểu một cách đơn giản, hành chính là một lĩnh vực hoạt động gắn với việc tổ chức, quản lý và điều hành các công việc trên cơ sở những quy tắc có tính bắt buộc, do Nhà nước hoặc các chủ thể khác quy định hoặc thừa nhận. Các hoạt động này có thể và thậm chí cần phải được thực hiện theo một quy trình tối ưu bằng cách áp dụng các phương pháp nhất định và sử dụng các phương tiện hỗ trợ hiện đại như CNTT. Như vậy, về nguyên tắc, đây là lĩnh vực có thể ứng dụng các công nghệ nhất định để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Đối chiếu với đòi hỏi của công nghệ hành chính, theo chúng tôi hiện nay, hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO-9000 áp dụng cho cơ quan hành chính là thích hợp nhất để tạo ra công nghệ hành chính cho hệ thống cơ quan công quyền.
Theo ICTNews