10 bước thiết lập hệ thống thưởng thức 3D tại gia
Tiếp nối thú chơi phim định dạng phân giải cao (HD), 3D là công nghệ đang xâm lấn các phòng chiếu tại gia, đem tới một trải nghiệm mới cho công nghiệp giải trí.
Với những thiết bị bán sẵn trên thị trường, việc tự tay thiết lập một phòng chiếu 3D đang là một thú vui mới của những người yêu thích công nghệ. Dưới đây là 10 bước cần thiết giúp bạn thiết lập hệ thống thưởng thức 3D tại gia cho riêng mình.
1. Thiết lập phần cứng máy tính
Với những dân chơi HD, việc thiết lập một máy tính cá nhân với cấu hình hợp lý là điều căn bản khi "nhập môn" nghề chơi lắm công phu này. Tuy nhiên, để thiết lập một hệ thống cấu hình chơi 3D đa dụng đôi khi không đơn giản vì nó sẽ không chỉ sử dụng để xem phim mà còn có thể hoạt động tốt cùng video game - vốn là những nội dung giải trí tiên phong ứng dụng công nghệ 3D.
Để có một cấu hình chơi 3D tại gia, cần chú ý tới 3 thông số phần cứng: chipset, card màn hình và RAM. Ngoài ra một ổ cứng dung lượng lớn hay một ổ quang Blue-Ray cũng là những tùy chọn nên có.
Nên dùng vỏ máy HTPC cho phòng chiếu tại gia.
Cấu hình đề nghị cho hệ thống phần cứng này là vi xử lý Intel chipset Core 2 Duo E7200 hoặc Quad Q6600. Với mức xung nhịp từ 2.4 GHz cho mỗi nhân, đây là tốc độ trung bình để có thể xử lý tốt hình ảnh cũng như áp dụng các phần mềm tạo hiệu ứng 3D. Card màn hình nên sử dụng dòng card nVidia từ Geforce 8800gt trở lên hoặc ATI từ series HD 4870 để đảm bảo hỗ trợ DirectX 10. RAM máy tính nên có từ 4GB với bus 800MHz trở lên tùy công nghệ DDR2 hay DDR3.
Dựa trên cấu hình đó, có thể tùy biến các linh kiện còn lại như bo mạch chủ, card âm thanh, vỏ máy HTPC sao cho hợp lý và cân đối với túi tiền.
2. Màn hình LCD
Để có được trải nghiệm tốt với phim 3D, lời khuyên là bạn nên sử dụng các TV LCD có tần số quét từ 120 Hz trở lên. Đây là độ làm tươi hình tiêu chuẩn để có thể hiển thị hình ảnh phân lớp 3D một cách tối ưu nhất. Tùy nhu cầu sử dụng nên chọn mua loại màn hình dùng cho máy tính hoặc TV LCD kiêm nhiệm qua cáp nối HDMI. Độ lớn trung bình từ 22 inch tới 40 inch là tương đối hợp lý cho một phòng chiếu tại gia.
3. Phần mềm chuyên dụng
Đây là phần quan trọng nhất của việc thiết lập 3D tại gia. Các tựa phim 3D trên thị trường hiện nay rất ít ỏi cũng như nội dung còn hạn chế. Với các phần mềm chuyên dụng, ta có thể xử lý các bộ phim thường thành hiển thị 3D mà vẫn đạt tới 80% hiệu quả hình ảnh.
Để làm được điều này, ta có thể dùng chương trình AviSynth để chuyển đổi các tệp phim 2D thành 3D. Sử dụng thuật toán phân mã các lớp hình ảnh, AviSynth sẽ giúp bạn biến các video HD tùy ý thành phim 3D.
Đầu tiên, hãy copy toàn bộ nội dung tập mã lệnh
tại đây, dán vào một file Notepad tùy ý trong Windows, và sau đó sửa cấu trúc ’ video2d = DirectShowSource("Ten_Phim_HD.avi")’ thành tên tương ứng với đoạn video HD đang lưu trong ổ cứng.
Bước tiếp theo là lưu file Notepad này dưới định dạng mở rộng .AVS. Lưu ý là phải lưu cùng tên và thư mục với tệp phim HD của bạn, ví dụ: Ten_Phim_HD.avi và Ten_Phim_HD.avs. Sau đó chỉ cần click vào chương trình Windows Media Player Classic là đã có thể bắt đầu thưởng thức công nghệ 3D.
Hình ảnh game khi được chuyển sang 3D sẽ được phân lớp màu giúp hiển thị 3 chiều khi đeo kính.
Ngoài ra, để trải nghiệm các tựa game đỉnh như Crysis hay Resident Evil 5 với hình ảnh 3D sống động, bạn cũng có thể tham khảo qua phần mềm iZ3D có thể tải về
tại đây. Đây là phần mềm miễn phí, các bạn có thể cài đặt với chỉ với thông số Anaglyp Output trong phần Custom Installation, còn lại không chọn thêm thông số nào khác. Sau khi cài đặt xong, khởi động chương trình, hãy lựa chọn mục Direct X để thiết lập hiển thị 3D tùy theo màu kính của bạn hỗ trợ (Red/Cyan; Yellow/Blue...). Danh sách game hỗ trợ 3D bằng phần mềm iZ3D có thể tham khảo
tại đây.
Cài đặt game và khởi động cùng phím tắt là nút (*) bên dãy bàn phím số, kết quả thu về được là hình ảnh trong game được tạo hiệu ứng 3D đẹp mắt, ấn tượng.
4. Chọn kính, dễ mà khó
Phổ biến nhất trên thị trường kính 3D hiện nay là dòng kính Red/Cyan với 2 màu xanh/đỏ đặc trưng. Hầu hết các tựa phim 3D đều sử dụng công nghệ tách hình hiển thị đồng bộ với công nghệ kính này. Ngoài ra có một số loại kính màu khác như Green/Magenta cho phim Amber/Blue nhưng ít thông dụng.
Chọn kính đeo loại tốt và đảm bảo chất lượng để tránh hại mắt (Ảnh HanoiDVD).
5. Âm thanh
Có thể dễ nhận thấy các tựa phim 3D đều hỗ trợ âm thanh đa chiều, nếu thưởng thức hình ảnh "nổi" mà lại thiếu âm thanh vòm thì thật là phí. Do đó, người dùng nên đầu tư một bộ card âm thanh với cổng xuất tín hiệu dạng quang (optical) cùng với đó là một bộ loa 5.1. Hiện nay, trên thị trường các thương hiệu Klipsch, Logitech hay rẻ hơn là Microlab đều có dòng loa hỗ trợ chuẩn âm thanh DTS, THX với chất lượng khá tốt, giá hợp lý.
Âm thanh là phần không thể thiếu của một hệ thống HD 3D.
6. Dữ liệu phim
Hiện nay các tại các cửa hàng bán thiết bị vi tính hay ổ lưu trữ đều có thêm dịch vụ chép phim HD. Người mua có thể lựa chọn các tựa phim tùy ý để sử dụng đó làm tệp tin nguồn phát thành 3D.
7. Khoảng cách tới màn hình
Lưu ý khoảng cách từ người xem tới màn hình trình chiếu. Dựa trên một số tiêu chuẩn về khoảng cách an toàn từ màn hình TV LCD tới khán giả, ta có thể tính được khoảng cách hợp lý khi thưởng thức phim để có thể quan sát toàn màn hình mà vẫn đảm bảo sức khỏe cho mắt.
Cỡ màn hình LCD Khoảng cách tối thiểu
32 inch 1,5 m
37 inch 1,7 m
40 inch 1,8 m
42 inch 1,9 m
46 inch 2,0 m
50 inch 2,2 m
52 inch 2,3 m
60 inch 2,6 m
63 inch 2,7 m
70 inch 3,0 m
8. Phòng chiếu
Một phòng chiếu tiêu chuẩn phải có hệ thống âm thanh và ánh sáng được bố trí hợp lý. Nếu phòng chiếu quá sáng hay quá tối sẽ ảnh hưởng tới chất lượng hiển thị của phim. Cách âm không hợp lý sẽ làm giảm hiệu ứng âm thanh lập thể hoặc sẽ xuất hiện hiện tượng tản âm do trần nhà quá cao hay không gian quá rộng.
Một phòng chiếu tiêu chuẩn phải hội tụ đủ các yếu tố về âm thanh và ánh sáng hợp lý.
9. Phụ kiện
Các phụ kiện gắn rời như bàn phím không dây, chuột không dây và các bộ điều khiển từ xa đa năng rất hữu dụng khi thưởng thức phim tại gia. Các thương hiệu như Logitech hay Soundgraph đều có thiết bị đa dụng để hỗ trợ khi trình chiếu phim 3D, HD. Giá cả dao động từ 500 nghìn tới 5 triệu đồng.
Những điều khiển từ xa chuyên dụng thường có giá cao nhưng lại có thể điều khiển được tất cả thiết bị kể cả TV hay điều hòa trong phòng.
10. Lưu ý
- Nên đi dây loa âm tường và cách xa các dây dẫn điện để không gặp tình trạng bị nhiễu âm do ảnh hưởng từ nguồn điện trong gia đình.
- Phòng xem cho một gia đình 4 đến 5 người nên có diện tích từ 10 tới 12 mét vuông, tùy điều kiện thực tế để thiết lập.
- Không sử dụng quá nhiều quạt tản nhiệt cho một case máy tính HTPC. Tiếng ồn từ quạt sẽ ảnh hưởng tới việc thưởng thức phim.
- Không theo dõi quá lâu các nội dung 3D và hạn chế sử dụng kính Red/Cyan do loại kính này rất nhanh làm mỏi mắt.
Theo Phapluat