Mở rộng dự án đưa Internet về nông thôn !!!
Để có thêm thời gian chuẩn bị Dự án mở rộng giai đoạn từ 2010 – 2015, nhà tài trợ và Bộ TT&TT đã đồng ý kéo dài Dự án thí điểm thêm 3 tháng, đến hết tháng 10/2010.
Công tác đào tạo luôn được Ban quản lý Dự án chú trọng.
Hoàn thành các hợp phần của Dự án thí điểm
Ngày 21/7, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai đã làm việc với ông Sam Sternin và ông Michael Aldridge, cán bộ chương trình Thư viện toàn cầu của Quỹ Bill & Melinda Gate (BMGF) về Đề xuất Dự án mở rộng đưa Internet về nông thôn. Đồng thời, Thứ trưởng đã có cuộc họp với Ban quản lý dự án “Thí điểm nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng tại Việt Nam”. Dự án thí điểm diễn ra tại 3 tỉnh Thái Nguyên, Nghệ An, Trà Vinh trong 18 tháng, từ tháng 2/2009 đến tháng 7/2010.
Theo ông Phan Hữu Phong, Phó Giám đốc Quỹ DVVTCI, Giám đốc Ban quản lý dự án thí điểm, tính đến thời điểm này, phần lớn các hoạt động thuộc các hợp phần của Dự án thí điểm đã hoàn thành. Thời gian còn lại sẽ tập trung hoàn thiện đề xuất Dự án mở rộng, viết văn kiện dự án và tiến hành các thủ tục kết thúc Dự án thí điểm.
Dự án thí điểm đã trang bị cho mỗi tỉnh 235 máy tính, trong đó 120 máy dành cho các điểm BĐVHX và 115 máy cho các thư viện; trang bị 33 máy in cùng các trang thiết bị mạng LAN và phụ trợ cho 33 điểm mỗi tỉnh. Cơ sở hạ tầng mạng lưới viễn thông và các cơ sở vật chất khác đã được VNPT và Viettel trang bị sẵn sàng tại các điểm và được kết nối đường truyền Internet băng thông rộng.
Công tác đào tạo là một hợp phần quan trọng luôn được Ban quản lý nhấn mạnh. Trong 18 tháng qua, đã có 186 nhân viên BĐVHX và 150 nhân viên thư viện được đào tạo các kỹ năng sử dụng máy tính và Internet. Ngoài ra, gần 4.000 người dân địa phương có trình độ văn hoá đã được đào tạo trực tiếp. Những người này sẽ tuyên truyền và đào tạo nhân rộng cho các tầng lớp người dân lao động khác. Các công nghệ tiên tiến như hội nghị trực tuyến (video conference), cũng được ứng dụng trong công tác đào tạo.
Ban quản lý cũng đã tiến hành đánh giá tác động, ảnh hưởng của Dự án thí điểm từ tháng 9/2009. Căn cứ vào kết quả đánh giá này, Bộ TT&TT sẽ có những chính sách, cơ chế phù hợp để duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động dự án. Ngoài ra, từ kết quả này, một số đề xuất về phương pháp đào tạo, truyền thông đến cơ sở… cũng được xem xét rút kinh nghiệm cho Dự án mở rộng. Tính đến 15/7/2010, dự án đã giải ngân được hơn 1,6 triệu USD, chiếm khoảng 76,8% tổng giá trị được tài trợ.
Trên 50 triệu USD cho Dự án mở rộng
Với thành công của Dự án thí điểm, theo bản Thoả thuận đã được ký kết, phía Việt Nam tiếp tục xây dựng Đề xuất Dự án mở rộng “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng tại Việt Nam”. Từ tháng 12/2009, kế hoạch chuẩn bị đề xuất Dự án mở rộng đã được lập với sự đóng góp của các Bộ, ngành liên quan. Với thời gian thực hiện 5 năm, từ tháng 11/2010 đến tháng 10/2015, Dự án mở rộng có tổng chi phí ước tính hơn 50 triệu USD, trong đó BMGF sẽ tài trợ gần 30 triệu USD và hãng Microsoft tài trợ phần mềm trị giá 3,6 triệu USD.
Hiện nay, Bộ TT&TT đã gửi Đề xuất chính thức. Lãnh đạo Thư viện toàn cầu đã trình Đề xuất Dự án mở rộng lên lãnh đạo BMGF xem xét. Dự kiến, tháng 10/2010 Bộ TT&TT và BMGF sẽ ký thoả thuận tài trợ. Dự án mở rộng dự kiến sẽ đầu tư cho 1.500 điểm BĐVHX và 400 thư viện tỉnh, huyện tại 40 tỉnh trong phạm vi cả nước; trang bị trên 12.000 máy tính để bàn và các thiết bị phụ trợ. Với Dự án mở rộng, dự kiến hơn 300.000 lượt người sẽ được đào tạo về kỹ năng sử dụng máy tính, tin học căn bản, nâng cao, kỹ năng phục vụ người dân…
Một trong những mục tiêu cụ thể của dự án mở rộng là thiết kế những dịch vụ, cách tiếp cận, nội dung đào tạo, nội dung truyền thông đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân, đảm bảo CNTT và các dịch vụ ở thư viện và BĐVHX là cần thiết và được người dân sử dụng, từ đó cải thiện đời sống của cá nhân người nông dân, của gia đình, cộng đồng và xã hội.
Thứ trưởng Trần Đức Lai khẳng định Dự án thí điểm đã thực sự đưa được nguồn thông tin đến cho người dân, đúng như mục tiêu ban đầu đề ra. Trong Dự án mở rộng, Thứ trưởng chỉ đạo cần có kế hoạch triển khai cụ thể để các bên tham gia chủ động, rút kinh nghiệm từ các bài học của Dự án thí điểm, tăng cường sự phối hợp chỉ đạo giữa các bên liên quan để Dự án mở rộng có thể triển khai hiệu quả hơn.
Ngày 22/10/2009, trang web của dự án đã ra mắt tại địa chỉ
www.i4ra.vn. Qua đó, người dân ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận được các thông tin về tình hình kinh tế, xã hội của đất nước, tìm hiểu các thông tin về sản xuất nông nghiệp, thị trường để chủ động đẩy mạnh sản xuất nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, trang web có phần thông tin bằng tiếng Khmer để phục vụ đồng bào dân tộc Khmer ở Trà Vinh.
Theo ICTNews