Fujifilm HS10 hợp lý cho dân 'phượt'
HS10 nổi trội nhờ tiêu cự vô địch 720mm cùng sự phong phú của cả chế độ chỉnh tay lẫn tự động. Máy đang được bán với giá trên 10 triệu đồng.
HS10 là dòng siêu zoom mới của Fujifilm với hình dáng được thiết kế theo kiểu DSLR truyền thống, chỉ khác là ống kính liền. Thông số cơ bản của máy gồm cảm biến 10 triệu điểm ảnh, màn LCD 3 inch lật, zoom quang 30x và khả năng quay phim Full HD.
HS10 được thiết kế theo hướng DSLR. Ảnh: Dpreview.
Do thiết kế nguyên theo kiểu DSLR nên cầm HS10 khá chắc tay nhờ báng sâu và được trang bị một lớp da mỏng. Còn lại toàn thân HS10 được làm bằng nhựa với gân sần giả da nên nhìn bề ngoài trông khá hợp mắt nhưng khi cầm vẫn tạo cảm giác rẻ tiền.
Gần như toàn bộ các chế độ đều được bố trí ở vòng điều khiển mặt trên. Vòng này được bố trí ngay sát đèn flash với đủ các chế độ PASM, Auto, tự động nhận cảnh, Panorama hay các hiệu ứng đặc biệt Adv. Bên cạnh là một vòng xoay chỉnh thông số (độ mở, cửa trập…) tương tự như trên DSLR. Tuy nhiên thay vì bố trí chìm, Fujifilm đã quá lãng phí khi dành một diện tích khá lớn cho vòng xoay này trong khi tính năng lại hạn chế. Với hai nút bù phơi sáng và chụp liên tục bố trí giữa nút chụp ảnh và vòng điều chỉnh, có thể nói HS10 có rất nhiều tính năng cho phép người dùng tự chỉnh không thua gì DSLR và hơn hẳn các máy ở phân khúc máy du lịch cao cấp.
Bản thân nút bù phơi sáng ở chế độ chỉnh tay khi bấm vào sẽ chuyển sang điều chỉnh độ mở. Tuy nhiên nếu xét về việc đây là một phiên bản đệm trước khi lên DSLR thì việc không có thêm chú thích gì cũng sẽ gây khó khăn cho những người vốn chưa quen với hệ thống điều chỉnh phức tạp của HS10.
Phần lớn diện tích mặt sau là màn LCD 3 inch có khả năng lật lên hoặc xuống giúp người chụp có thể giơ máy lên cao hay xuống thấp. Các phím truy cập nhanh khá cơ bản, tương tự như hầu hết các phiên bản thông thường khác ngoại trừ nút xóa được đẩy lên phía trên và kết hợp thêm chức năng căn khung nhanh. Một điểm cộng cho HS10 là Fujifilm đã bố trí nút quay video độc lập nên việc truy cập và thay đổi giữa chụp ảnh và quay phim khá dễ dàng.
Hệ thống nút bấm ở cạnh trái màn LCD đóng góp thêm vào độ phức tạp cho HS10 với các tính năng truy cập nhanh đến phần điều khiển ISO, cân bằng trắng, chế độ nét, chế độ đo sáng… cộng thêm với nút khóa nét/khóa sáng bên cạnh kia. Với kiẻu bố trí này, toàn bộ các chức năng vốn nằm trên phím menu nóng "F" trước kia của hãng đã được "phơi" ra ngoài để dễ điều khiển hơn dù rối rắm hơn.
Màn hình lật xoay ở phía sau. Ảnh: Thetechjournal.
Điểm nổi bật của HS10 thực ra không nằm ở việc hỗ trợ các tính năng chuyên nghiệp như một máy DSLR thực thụ mà nằm ở dải zoom "khủng" nhất từ trước tới nay. Với tiêu cự 24 – 720mm (30x), HS10 muốn làm vừa lòng cả những người thích góc rộng lẫn giới khoái tele. Dải zoom này hoàn toàn có thể giúp người chụp đứng bên này sân vận động chụp sáng tận mặt thủ môn đầu sân kia. Thêm vào đó, thay vì cơ chế zoom điện tử theo mức, vòng zoom của HS10 theo dạng xoay cơ học như trên các ống kính rời thực thụ nên nhanh và chính xác hơn nhiều.
Tuy nhiên người dùng phải rất cẩn trọng với hiện tượng rung máy. Do dải zoom quá dài nên mặc dù được hỗ trợ bởi cơ chế chống rung cảm biến cùng với sự hỗ trợ của ISO cao, việc cầm chắc HS10 trên tay để chụp dải cự đại mà không rung là tương đối khó, nhất là bản thân máy do được làm toàn bằng nhựa nên trọng lượng nhẹ, không được đầm tay. Nếu theo đúng tiêu chí thông số vàng chống rung, tốc độ đảm bảo cho chất lượng ảnh phải tối thiểu ở mức 1/720. Với tốc độ này, điều kiện ánh sáng phải rất đầy đủ (chẳng hạn trời nắng) và ISO cũng phải ở mức 200 mới có thể có được những bức ảnh chất lượng cao được. Tốt nhất khi chụp với tiêu cự tele từ 300 trở lên, người chụp nên nghĩ tới việc dùng chân máy.
Ống góc rộng 24mm của HS10 cũng khá hữu ích, người chụp không phải đứng quá xa mới có thể thu hết được toàn bộ khung hình (rất thích hợp cho chụp kiến trúc). Chất lượng ảnh trong điều kiện ánh sáng đủ rất tốt, màu sắc tươi tắn, hơi thiên ánh xanh đặc trưng từ những thế hệ phim Fujifilm xưa kia. Tốc độ hoạt động và tốc độ lấy nét nhanh và chính xác, ngay cả khi điều kiện ánh sáng yếu đi thì tốc độ cũng chỉ giảm bớt phần nào nhưng vẫn trong mức độ cho phép và chấp nhận được.
Một trong những điểm góp phần làm nên sự độc đáo cho HS10 là các tính năng hiệu ứng đặc biệt trong tùy chỉnh Adv như tự động xóa đối tượng chuyển động, chụp liên tiếp các hành động liền nhau… Tuy nhiên, các chế độ này chưa đủ dễ dùng, đối với người dùng thông thường phải mất một thời gian thực hành khá lâu mới có thể quen được. Chẳng hạn, tính năng tự động loại bỏ đối tượng chuyển động vốn nhằm đáp ứng tình huống khi chụp cảnh đẹp nhưng tiền cảnh lại có nhiều người đi lại, HS10 sẽ chụp liên tiếp nhiều ảnh với khoảng thời gian định trước do người dùng tự đặt, sau đó bộ xử lý hình ảnh sẽ phân tích để loại bỏ những đối tượng có hiện tượng di chuyển, giữ nguyên những cảnh vật cố định. Nhưng nếu không có chân máy, việc cầm máy cố định một lúc sẽ dễ dẫn tới hiện tượng rung, hoặc nếu thời gian không đủ dài, đối tượng chuyển động không xóa được hết, tạo thành những vệt bóng ma hoặc tạo hình kỳ quái lên ảnh.
Ngay cả tính năng chụp lia Panorama cũng khá phức tạp. Dù hỗ trợ tới 4 kiểu lia trên dưới, trái phải nhưng tốc độ lia thế nào thì người dùng cần phải thực hành nhiều lần mới nắm vững, bởi lia nhanh quá hay chậm quá máy đều tự động tắt chế độ và trả về chế độ thông thường mà không hề đưa ra thông tin cảnh báo nào. Chế độ này cũng chỉ thích hợp khi chụp phong cảnh tĩnh với chân máy, bởi nếu có đối tượng chuyển động, tiền cảnh sẽ bị ảnh hưởng do không xử lý hết, dẫn tới những cảnh kỳ thú như người chỉ có đầu.
HS10 có dải zoom tới 30x, tương đương tiêu cự 24 – 720mm. Ảnh: Hubimg.
Ngoài các tính năng độc đáo cùng với điểm nhấn zoom khủng, không có gì phải phàn nàn về hoạt động của HS10. Đèn flash dạng cóc có thể mở lên dễ dàng qua nút bấm và có thể điều chỉnh bù sáng theo từng mức độ, thêm vào đó lại có cả chấu để lắp đèn ngoài. Tính năng quay phim Full-HD ấn tượng với khả năng zoom và quay chậm (với tốc độ 1.000 khung hình/giây) dù không hỗ trợ chỉnh tay nhiều, khả năng chụp liên tục 10 khung hình/giây… Chỉ có điều, do không có khung ngắm quang, trong khi màn hình cỡ lớn tới 3 inch mà lại dùng pin tiểu AA thay vì Lithium nên HS10 ngốn pin đáng kể.
Bản thân các máy ảnh du lịch được thiết kế dùng pin AA vốn hướng tới sự tiện dụng và dễ dàng thay pin khi đi xa nhưng khi xét trong điều kiện Việt Nam, các loại pin tiểu thông dụng nhất như pin con thỏ hay pin GP gần như không thể hoạt động được, chỉ chừng 5 – 10 kiểu là đã cạn, nhất là trong khi chụp lại có các thao tác như zoom vào, zoom ra khiến cho màn LCD phải liên tục thay đổi để hiển thị. Máy chỉ hoạt động ổn định với pin xạc hoặc các pin AA "hàng hiệu" như Sanyo hay Energizer… vốn sẽ trở nên khó kiếm khi càng xa khỏi các khu vực thành phố, trung tâm. Tốt nhất, người chụp nên chuẩn bị sẵn hai bộ pin xạc hoặc đầu tư pin AA Lithium thì mới có thể yên tâm vác máy đi xa.
Ảnh so sánh tiêu cự 24mm, 200mm và 720mm.
Tại tiêu cự 24mm và 720mm.
Tựu trung lại, để xét về một máy ảnh đa dụng có thể theo suốt những chuyến hành trình, Fujifilm HS10 sẽ giúp người ưa thích du lịch an tâm nhờ vào một cấu hình đủ phong phú để chụp tự động hay tự mày mò. Với cảm biến 10 triệu điểm ảnh, khả năng quay phim Full HD, chụp ảnh tốc độ cao, tính năng chình tay phong phú và nhất là dải zoom 30x, HS10 khó có đối thủ cùng cấp để so sánh do đã hơi thiên hướng sang DSLR. Chất lượng ảnh dù chưa thuộc hàng "đỉnh", đôi khi vẫn lộ rõ hiệu ứng xử lý nét nhân tạo hay chụp toàn cảnh hơi mờ, nhưng vóc dáng gọn nhẹ và cấu hình mạnh mẽ, HS10 vẫn xứng đáng là một phiên bản hợp lý cho dân "phượt" trong tầm giá dưới 10 triệu đồng.
Theo Sohoa