Phát triển âm thanh 3 chiều
Không chỉ hình ảnh, các nhà nghiên cứu đang tiến tới phát triển một hệ thống âm thanh tái hiện không gian 3 chiều hoàn toàn mới.
Hiệp hội âm thanh 3D đề xuất một giải thuật mở miễn phí cho công nghệ truyền dẫn và trộn âm để các kỹ sư âm thanh có thể trộn âm theo từng vị trí và chuyển động của đối tượng âm thanh trong không gian 3 chiều. Ảnh: 123rf.
Sự nổi trội của công nghệ 3D trong phim ảnh đã dấy lên mối quan tâm về việc phát triển âm thanh 3D từ công nghệ surround hiện tại. Cho tới nay, các hệ thống âm thanh surround tại gia thường chủ yếu đề cập đến số lượng các kênh và số lượng loa sử dụng trong hệ thống. Theo đó, khi các kỹ sư âm thanh xử lý nhạc ra thiết bị đầu cuối, họ thường trộn thành âm thanh cho các hệ thống hoặc 2 kênh (stereo) cho CD, hoặc 5.1, 6.1 hay thậm chí là 7.1 kênh cho các định dạng DVD hoặc đĩa Blu-ray.
Tuy nhiên, việc định sẵn các kênh trong một hệ thống cũng tạo ra những giới hạn nhất định cho thao tác xử lý âm trộn đầu cuối. Một dàn nhạc giao hưởng đầy đủ có khoảng 100 nhạc cụ, hoặc một soundtrack cho một bộ phim có thể có từ 200 đến 300 thiết bị âm thanh độc lập. Và người kỹ sư âm thanh sẽ phải tìm cách nhồi nhét tất cả các yếu tố âm thanh này trong 2, 5 hoặc 7 kênh theo một định dạng nhất định (Dolby, DTS) để các âm này sau đó sẽ được phát ở các hệ thống 2, 5 hay 7 loa. Kết quả là những gì mà người nghe nghe được không phải là tất cả những gì được thể hiện ở cảnh thật hoặc ở studio nơi xử lý âm thanh đầu cuối.
Để khắc phục vấn đề này, Giám đốc kỹ thuật của hãng chuyên âm thanh SRS Labs đồng thời là chủ tịch của Hiệp hội âm thanh 3D mới được thành lập, ông Alan Kraemer, đã đề xuất một giải pháp phát triển một giải thuật mở miễn phí cho công nghệ truyền dẫn và trộn âm, cho phép các kỹ sư âm thanh có thể trộn âm theo từng vị trí và chuyển động của các đối tượng âm thanh trong không gian ba chiều thay vì trộn theo số lượng nhất định các loa trong hệ thống âm thanh tại gia đầu cuối và theo một định dạng mã hóa, giải mã cố định nào đó (như DTS hay Dolby).
Do giải thuật đề xuất không dựa trên một định dạng nhất định nên bất kỳ người làm công tác trộn âm nào cũng có thể biên dịch một soundtrack và làm cho nó tương thích với bất kỳ hệ thống giải mã của bất kỳ nhà sản xuất nào. Nói cách khác, các thông tin liên quan đến vị trí và mức độ âm của các đối tượng trong trường âm sẽ được lưu dưới dạng siêu dữ liệu (metadata), và các siêu dữ liệu này có thể được giải mã hoặc tái tạo trong quá trình nghe lại bằng bất cứ hệ thống âm thanh nào miễn là có thể đọc được các siêu dữ liệu này.
Với lộ trình đặc tả kỹ thuật của Hiệp hội âm thanh 3D, các nhà sản xuất có cơ hội tự do phát triển bất cứ hệ thống giải mã hoặc tái tạo kiểu nào mà họ muốn để tái hiện âm thanh mà không cần phải phụ thuộc vào một định dạng cố định nào cả. Ví dụ, nếu một nhà sản xuất A muốn phát triển bộ giải mã hoặc một hệ thống âm thanh với một số loa nhất định không giống với số lượng loa trong hệ thống của nhà sản xuất B, các kỹ sư âm thanh có thể điều chỉnh dễ dàng thông qua việc đọc và hiệu chỉnh siêu dữ liệu của âm thanh đó. Nói cách khác, âm thanh trong đĩa gốc sẽ không còn phải phụ thuộc vào một định dạng nhất định như Dolby Digital, DTS hay các định dạng âm chuyên biệt khác.
Kể cả khi các kỹ sư âm thanh muốn chuyển đổi siêu dữ liệu âm thanh thành các định dạng phổ biến trên dàn âm thanh hiện tại như Dolby Digital hay DTS, họ hoàn toàn có thể chỉnh sửa các siêu dữ liệu này hoặc dùng các phần mềm chuyển tự động các siêu dữ liệu thành các định dạng surround 2, 5 hay 7 kênh tùy ý.
Hiệp hội này cũng đang phát triển riêng công nghệ âm thanh 3 chiều SRS Circle Cinema 3D Audio (CC3DA) cho phép tái tạo trường âm 3 chiều thực địa dựa trên các thông tin âm thanh lưu trong các nguồn âm surround hiện tại.
Theo Sohoa