'Tường lửa Vạn Lý Trường Thành'
Để kiểm soát internet, chính phủ Trung Quốc dùng một hệ thống kiểm soát được coi là chặt chẽ nhất thế giới. Nhưng ngày càng có nhiều người sử dụng net Trung Quốc biết cách nhảy qua “bức tường lửa Vạn Lý Trường Thành”.
Theo Isaac Mao, một trong những blogger đầu tiên của Trung Quốc, hệ thống tường lửa của nước này được xây dựng thành nhiều tầng và khá phức tạp.
Kết quả tìm kiếm cho từ khóa nhạy cảm sẽ không hiển thị
“Tầng đầu tiên là tầng kỹ thuật. Chính phủ đã đầu tư khá nhiều tiền và cơ sở hạ tầng thiết bị nhằm sàng lọc, theo dõi và chặn các website hoặc kiểm tra cách mọi người giao tiếp qua internet.
“Tầng thứ hai là ‘tầng xã hội’. Có rất nhiều nhân viên chính phủ được cài vào kiểm tra và theo dõi các hoạt động trên mạng.
“Tầng thứ ba là tầng quan trọng nhất. Tôi gọi đây là ‘tầng tâm lý’. Do các chế độ kỹ thuật được đặt sẵn cũng như sự hiện diện của các biện pháp kiểm tra trên internet, người sử dụng dần tự kiểm soát bởi họ sợ bị theo dõi.”
Thay đổi danh sách đen
Người sử dụng internet tại Trung Quốc cảm nhận được tác dụng của hệ thống kiểm soát này. Theo Dean Peng, một nhà phê bình độc lập tại Bắc Kinh, hệ thống này thậm chí còn gây ảnh hưởng đến kết quả tìm kiếm hàng ngày của người dùng internet.
Ông nói: “Mỗi khi tôi tìm kiếm một vấn đề gì đó được coi là nhạy cảm, tôi gặp khó khăn ngay lập tức.
“Trên màn hình sẽ hiện ra thông điệp rằng kết quả tìm kiếm của tôi không được hiển thị theo quy định của nước sở tại.”
Những chủ đề được coi là nhạy cảm bao gồm bất kỳ điều gì liên quan đến Hiến chương 08, một chiến dịch trên mạng vận động cải cách dân chủ do giáo sư Lưu Hiểu Ba, một người bất đồng chính kiến khởi xướng. Ông Lưu hiện ngồi trong tù.
Internet cafe tại Bắc Kinh
Danh sách từ khóa nhạy cảm thay đổi liên tục
Theo ông Peng, bên cạnh đó, các chủ đề cấm kỵ còn bao gồm tên của các lãnh tụ chính trị, các nhóm tôn giáo bị cấm như Pháp Luân Công hay người thiểu số Uighur.
Ông còn cho biết danh sách này thường xuyên thay đổi.
BBC đã thử dùng Baidu, công cụ tìm kiểm phổ biến nhất Trung Quốc, để tìm kiếm về một số chủ đề này và kết quả khá thống nhất với những gì ông Peng vừa mô tả.
Kỳ dị
Theo ông Mao, đôi khi hệ thống kiểm duyệt mang lại những kết quả khá kỳ dị.
Kể cả bài hát khá ngây thơ của trẻ em mang tên ‘Tôi yêu Thiên An Môn ở Bắc Kinh” cũng bị rơi vào vòng kiểm duyệt.
“Ban đầu họ chặn từ khóa Thiên An Môn vì nó liên quan đến vụ Thiên An Môn cách đây 20 năm. Rồi họ chặn từ Bắc Kinh vì có quá nhiều điều xảy ra tại Bắc Kinh.
“Chính phủ cũng khởi động lại chiến dịch chống văn hóa phẩm khiêu dâm hồi năm ngoái, vì vậy từ khóa ‘Tôi yêu’ cũng trở thành từ khóa nhạy cảm.
“Vì vậy, nếu bạn đánh tên bài hát này vào ô tìm kiếm, kết quả sẽ là ‘từ khóa nhạy cảm, nhạy cảm và nhạy cảm’.”
Theo ông Willy Lam, cựu biên tập viên của tờ South China Morning Post của Hong Kong, Trung Quốc có đầy đủ lý do để kiểm soát internet.
“Rõ ràng là nếu nhìn từ bên ngoài hoặc từ cái nhìn của phương Tây, chế độ cộng sản có vẻ khá vững chắc. Tuy nhiên, tình hình chính trị và xã hội tại Trung Quốc có nhiều khả năng bất ổn."
Theo ông Lam, có khoảng 100.000 vụ gây rối hay bất ổn xảy ra mỗi năm tại Trung Quốc.
Ông cũng cho rằng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo đang ngày một tăng, gây ra “tình trạng đối kháng giữa một bên là giới kinh doanh mới nổi và lãnh đạo cao cấp của đảng, và một bên là những người không may mắn bằng, bao gồm nông dân và người lao động chân tay.”
“Chính phủ dựng lên ‘bức tường lửa Vạn Lý Trường Thành’ chỉ là viên đạn đi trước bắn vào những yếu tố có khả năng gây bất ổn. Bắc Kinh ngờ rằng có nhiều tổ chức chống Trung Quốc tồn tại ở phương Tây, đặc biệt là tại Mỹ, muốn tận dụng những yếu tố bất ổn tại Trung Quốc để gây tổn hại cho chế độ.”
Phần mềm giấu tên
Nhưng tường lửa không nhất thiết là “trường thành”, ít nhất là đối với một số người dùng internet Trung Quốc.
Đối với một số người dùng internet Trung Quốc, tường lửa không nhất thiết là "trường thành"
Ông Mao kể: “Cách đây hai năm, chỉ 5% người dùng internet Trung Quốc biết đến việc chính phủ kiểm duyệt internet.
“Nhưng đến nay thông tin di chuyển nhanh hơn và mọi người tìm cách dùng các công cụ khác để loan tin qua các mạng xã hội.
“Một số nhỏ người dùng còn có khả năng dùng công nghệ để qua mặt hệ thống kiểm duyệt, nhưng số này chỉ vào khoảng 1 đến 2%. Một số khác, khoảng 18% tổng số người dùng internet, trở thành những khách hàng thông tin hưởng lợi từ những cao thủ công nghệ.
“Như vậy, khoảng 20% người dùng internet Trung Quốc biết cách ‘vượt tường lửa’, và họ cũng quyết tâm sắt đá làm bằng được."
Theo Zhou Shuguang, một tay Twitter và blogger có tiếng tại tỉnh Hồ Nam, chặn người sử dụng phá tường lửa không hề đơn giản.
Ông kể đến phần mềm miễn phí, mã mở có tên Tor.
“Ai ai cũng dùng Tor được. Nếu bạn trả chút phí, bạn còn có thể có một tài khoản hệ thống cá nhân để tăng tốc độ internet.”
Theo những người sử dụng internet Trung Quốc, bạn có thể tải phần mềm này từ trang web Tor. Tuy nhiên trang web này đã bị chặn tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, ngày càng mọc lên nhiều trang web phản chiếu – những trang web có nội dung y hệt.
Theo ông Mao, nếu một trang bị chặn thì ngày hôm sau sẽ có năm trang khác mọc lên.
Theo eChip