Siêu phẩm công nghệ mới
Cuối tháng hai, một loạt các siêu phẩm công nghệ mới xuất hiện làm khuấy động thị trường nhờ những khả năng độc đáo nhằm tăng sức mạnh và hiệu suất làm việc.
Pin 30 tiếng đồng hồ
Vào thời điểm hiện tại, các laptop “nồi đồng cối đá” nhất thường chỉ chạy được không quá 11 tiếng đồng hồ và thậm chí laptop dùng hệ điều hành Macintosh của Apple lại còn thấp hơn như thế. Trong Triển lãm Công nghệ di động Mobile World Congress 2011 gần đây, một công nghệ mới vừa được hãng CUPP phát triển mang ra giới thiệu nhằm giúp cho các máy tính có thể hoạt động trong thời gian lâu hơn.
Công nghệ mà CUPP áp dụng là gắn thêm một vi mạch bổ sung vào vị trí mainboard kết nối với ổ đĩa quang của máy tính MacBook Pro. Vi mạch này có cơ chế hoạt động dựa trên cơ chế làm việc của chip ARM và có khả năng tự điều phối nguồn năng lượng cấp cho các linh kiện khác nhau trong máy tính. Bằng cách này, năng lượng được sử dụng một cách tối ưu nhất và laptop sẽ tăng thời gian sử dụng từ 10 tiếng lên tới 20 hoặc 30 tiếng (tùy thuộc vào cường độ làm việc của máy tính). CUPP dự kiến sẽ bán cho MacBook Pro để cải tiến bắt đầu từ giữa năm nay.
Các dòng laptop của Lenovo hiện tại có pin hoạt động khoảng hơn 10 tiếng một chút và thời gian pin sẽ ngày càng giảm theo thời gian. Mới đây, hãng này đã quyết định cải tiến toàn bộ dòng laptop model T420s, T420, T520, L420, L520 và W520 của dòng máy ThinkPad của mình với hệ thống chip vi xử lý Sandy Bridge mới nhất của Intel và bộ pin năng lượng có khả năng cung cấp nguồn điện cho laptop hoạt động lâu hơn – tới 30 tiếng.
Sáu model được nâng cấp đều thuộc dòng laptop dành cho phân khúc doanh nhân với hệ thống cấu hình “khủng” tích hợp nhiều tính năng cao cấp và đương nhiên giá cũng khá cao. Ở đây, hãng Lenovo không áp dụng công nghệ gì mới mà chủ yếu tăng lượng cell pin trong bộ pin gắn kèm laptop, T420s dùng pin 6 cell thời lượng 10 tiếng trong khi đó dòng T420, T520 dùng pin 9 cell thời lượng 15 tiếng. Ngoài ra, các laptop trên còn được tích hợp thêm một pin phụ giúp tăng thời lượng sử dụng của máy lên hơn 1 ngày. Tuy nhiên, theo đánh giá của cộng đồng công nghệ, do dùng nhiều pin nên thời gian để sạc đầy pin cho laptop cũng sẽ lâu hơn.
Vi xử lý Medfield
Từ trước tới nay, công nghệ mà nhà sản xuất chip vi xử lý hàng đầu trên thế giới Intel đầu tư nghiên cứu, phát triển luôn là những công nghệ đi đầu so với các hãng khác. Mới đây, Intel tiếp tục công bố chip vi xử lý Medfield mới của mình. Theo đó, Medfield được sản xuất dựa trên công nghệ 32 nm, một công nghệ được kế thừa và phát triển lên từ các công nghệ cũ được biết với các tên Moorestown là 45 và 60 nm.
Vi xử lý Medfield sẽ dành cho smartphone.
Tablet 3D không kính
Công nghệ 3D là một trong những công nghệ phát triển nhanh nhất trên thế giới và được rất nhiều hãng tham gia đầu tư, nghiên cứu, phát triển. Cuối tháng 2-2011, thế giới lại tiếp tục đón nhận một công nghệ liên quan tới 3D khác do LG phát triển, đó là chiếc máy tính bảng Optimus Pad sử dụng màn hình 3D không cần kính. Trái ngược với công nghệ màn hình 3D bình thường phải có kính chuyên dụng mới xem được. Công nghệ trên đã được áp dụng trong thời gian gần đây trên TV và đây là lần đầu tiên trên điện thoại.
Loại màn hình 3D mới sử dụng công nghệ tách hình ảnh để chiếu theo các góc nhìn khác nhau, do đó người xem không cần kính mà vẫn xem được hiệu ứng 3D. Bên cạnh đó, chiếc máy tính bảng Optimus Pad của LG còn cho phép quay phim 3D để có thể xem lại sau này trên chính máy của người dùng nó.
Song song đó, LG còn giới thiệu thêm chiếc smartphone cùng tính năng là LG Optimus 3D hỗ trợ màn hình 3D không cần kính và tích hợp thêm 2 camera 5 MP ở mặt trước và sau máy cũng có khả năng ghi hình 3D. Điện thoại này sẽ sử dụng hệ điều hành Android 2.2 và dự đoán sẽ ra mắt trong một thời gian ngắn sắp tới.
Theo Vietnamnet