Máy tính nội thua trên sân nhà vì bất lợi thuế
Do bị áp mức thuế cao, nhiều doanh nghiệp lắp ráp máy tính trong nước không thể cạnh tranh được với sản phẩm nước ngoài đã phải ngừng sản xuất hoặc chuyển đổi hướng kinh doanh để tiếp tục tồn tại.
Bất lợi ngay trên sân nhà
Tại buổi toạ đàm về chính sách thuế nhập khẩu đối với sản phẩm và linh kiện điện tử do Bộ TT&TT tổ chức mới đây, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam cho biết: Do đặc điểm toàn cầu hoá và chuyên môn hoá của ngành sản xuất máy vi tính, hầu hết các hãng sản xuất máy tính lớn trên thế giới hiện đang bán sản phẩm bán tại Việt Nam đều có cơ sở sản xuất tại Trung Quốc.
Các đơn vị lắp ráp máy tính của Việt Nam hiện vẫn phải nhập linh kiện từ nước ngoài với mức thuế nhập khẩu là 3%. Ảnh: ICTNews.
Các cơ sở này đều đạt tiêu chuẩn được cấp phép “C/O FORM E” – Một chứng chỉ để được hưởng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt 0% theo quy định cắt giảm thuế quan ACFTA (biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam nhằm thực thi Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc).
Trong khi đó, hiện nay trong nước lại chưa có doanh nghiệp nào sản xuất linh kiện máy tính nên các đơn vị lắp ráp máy tính của Việt Nam (cả loại để bàn và xách tay) hiện vẫn phải nhập linh kiện từ nước ngoài với mức thuế nhập khẩu là 3%, khiến các doanh nghiệp vốn đã non trẻ lại càng trở nên khó cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài về giá cả.
Bên cạnh đó, do mức thuế chênh lệch giữa sản phẩm sản xuất lắp ráp trong nước với thuế nhập khẩu sản phẩm nguyên chiếc từ các nước ASEAN không lớn nên khai thác lợi thế này, nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong ngành điện tử, CNTT tại Việt Nam đã chuyển từ hình thức sản xuất sang nhập khẩu và phân phối sản phẩm, dẫn tới thực trạng các mặt hàng CNTT (và cả điện tử, điện lạnh) nguyên chiếc mẫu mã phong phú, giá thành hạ từ các quốc gia như Trung Quốc và một số nước ASEAN trong suốt thời gian qua được nhập khẩu ồ ạt tràn vào Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Điều này buộc nhiều doanh nghiệp phải chuyển đổi hướng sản xuất kinh doanh, thu hẹp quy mô sản xuất, đa dạng hoá các ngành nghề nếu muốn tiếp tục tồn tại.
Cũng tại cuộc toạ đàm, dẫn ra số liệu thống kê về nhu cầu mua sắm máy tính trong nước do tổ chức IDC nghiên cứu (năm 2010, Việt Nam cần khoảng 1,77 triệu máy tính; năm 2011 là 2,12 triệu máy và năm 2012 sẽ là 2,46 triệu máy), Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử khẳng định cơ hội để các doanh nghiệp lắp ráp máy tính phát triển thị trường đang rất lớn, tuy nhiên, hàng chục doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp máy tính như CMS, FPT Elead, VTB, Mekong Xanh… cùng hàng ngàn doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh sản phẩm máy tính tại Việt Nam đang phải “méo mặt” cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm nguyên chiếc giá rẻ xuất xứ từ Trung Quốc và một số nước ASEAN. Nếu vẫn tiếp tục gánh chịu mức thuế nhập khẩu linh kiện như hiện nay, khó doanh nghiệp nào có thể phát triển.
Cần tiếp tục giảm thuế
Hiện nay, Việt Nam hiện đang thực hiện lộ trình CEPT/AFTA (chương trình ưu đãi thuế quan áp dụng cho khu vực Thương mại tự do ASEAN) từ năm 2008 đến 2013 cắt giảm dòng thuế nhập khẩu của sản phẩm điện tử xuống còn 5%, đến năm 2015 là 0%; Lộ trình ACFTA từ 2009 đến 2011 cắt giảm thuế nhập khẩu nguyên chiếc từ 20% – 10% và linh kiện từ 3% – 5%. Và trong thời gian gần đây, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 216/2009 về việc điều chỉnh thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng thành phẩm, linh kiện phụ tùng điện tử góp phần giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp điện tử, CNTT.
Tuy trong thực tế đã có một số bộ phận, linh kiện đã được điều chỉnh giảm trong biểu thuế năm 2010 so với năm 2009 nhưng các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp máy tính trong nước cho đến nay vẫn tiếp tục phải chịu bất lợi về chênh lệch mức thuế nhập khẩu giữa bộ phận, linh kiện điện tử, máy tính và sản phẩm nguyên chiếc.
Để tháo gỡ nguy cơ “càng hoạt động càng thua lỗ” của các doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam mới đây đã kiến nghị Bộ Tài chính xem xét giảm thuế nhập khẩu tất cả các loại phụ tùng linh kiện lắp ráp máy tính xuống còn 0%, đồng thời áp mức thuế VAT 5% cho sản phẩm điện tử sản xuất trong nước và vẫn giữ nguyên mức 10% cho các sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc.
“Đây là biện pháp giúp nhà sản xuất tăng khả năng cạnh tranh về giá, đồng thời sẽ giúp sản phẩm Việt Nam với giá cả cạnh tranh sẽ tới người tiêu dùng “nội” nhiều hơn, đồng thời giúp người tiêu dùng thay đổi cách nhìn nhận đối với sản phẩm trong nước” - Ông Lê Ngọc Sơn – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam nhấn mạnh, đồng thời khẳng định: “Nếu việc giảm thuế nhập khẩu linh kiện máy tính không được giải quyết sớm, các doanh nghiệp Việt Nam hoặc phải chuyển sang thuê sản xuất, lắp ráp máy tính ở nước ngoài, hoặc phải đình chỉ sản xuất, chuyển sang nhập khẩu và phân phối máy tính thương hiệu nước ngoài. Và nếu như vậy thì thực trạng này đi ngược với Quyết định số 160/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược tổng thể và chính sách bảo hộ sản xuất công nghiệp trong nước”.
Ông Trần Quang Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam khẳng định: Trong khi Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào sản xuất linh kiện máy tính, các doanh nghiệp lắp ráp máy tính trong nước vẫn phải nhập linh kiện từ nước ngoài, thực tế này ngày càng gây bất lợi trong vấn đề thuế nhập khẩu đối với các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp máy tính trong nước.
Theo Thongtincongnghe