“Cáo lửa” Firefox lên 10 và những cột mốc đáng nhớ
Mozilla Firefox, trình duyệt web mã nguồn mở đứng thứ ba thế giới sau Internet Explorer và Chrome, đã tiến đến cột mốc 10 năm phát triển.
Chú cáo nay đã lên 10 - Ảnh minh họa: Mashable
Trong nhóm các trình duyệt web hàng đầu hiện nay gồm Microsoft IE, Apple Safari, Mozilla Firefox, Google Chrome hay Opera, chỉ có "cáo lửa" là đại diện mã nguồn mở duy nhất vì toàn bộ mã nguồn phát triển các phiên bản được Mozilla công bố lên mạng. Firefox cũng là trình duyệt có cộng đồng phát triển rất lớn, góp sức tạo ra kho tiện ích mở rộng (add-on) khổng lồ, một thế mạnh mà Google đã áp dụng cho Chrome.
Một số cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển 10 năm của "cáo lửa"
Ngày 31/3/1998: các lập trình viên tại Netscape bắt đầu khởi động một dự án mã nguồn mở và gọi đó là Mozilla, tên cũ của trình duyệt web Netscape Navigator rất phổ biến ở thập niên 1990.
Ngày 23/9/2002: Bản "Phoenix 0.1" ra mắt, được biết đến như thế hệ khai sinh "cáo lửa" (Firefox).
Ngày 15/7/2003: Tổ chức phi lợi nhuận Mozilla Foundation được thành lập với lí tưởng "web là nguồn tài nguyên chia sẻ công cộng cần được quan tâm, chứ không phải là mặt hàng để bán".
Ngày 15/6/2004: Mozilla tung ra kho tiện ích mở rộng (Add-ons Gallery) chứa đựng toàn bộ các phần mở rộng, gói giao diện (theme) và plug-in mà người dùng Firefox có thể cài đặt để tùy biến trình duyệt theo ý mình.
Ngày 9/11/2004: phiên bản hoàn thiện trình duyệt web Firefox 1.0 chính thức ra mắt. Những người hâm mộ dự án đã cùng góp sức mua một trang quảng cáo lớn trên
Thời Báo New York để chúc mừng sự kiện này.
Ngày 21/2/2008: Tổng số lượt tải Firefox vượt qua cột mốc 500 triệu.
Ngày 17/6/2008: Mozilla phát hành Firefox 3.0, được sách Kỉ lục Guinness ghi nhận "Số lượt tải nhiều nhất cho một Phần mềm ứng dụng trong 24 giờ" với tổng cộng hơn 8 triệu lượt tải.
Ngày 8/2/2011: phiên bản thử nghiệm (beta) Firefox 4 tích hợp chức năng "
Do Not Track" (Không truy vết), đánh dấu bước tiến lớn cho thấy Mozilla đã tập trung nhiều hơn vào chính sách riêng tư của người dùng. Trong các phiên bản mới nhất của các trình duyệt khác như IE9, IE10, Opera, Safari, Chrome... giờ đây đều trang bị tính năng tương tự. Trình duyệt sẽ không lưu lại các dấu vết như lược sử lướt web, cookie, dữ liệu... khi bật chế độ này.
Ngày 29/3/2011: Firefox có phiên bản dành cho các thiết bị di động dùng hệ điều hành Android, hỗ trợ hơn 10 ngôn ngữ.
FireFox đã có phiên bản dành cho thiết bị di động, kèm khả năng đồng bộ hóa dữ liệu - Ảnh: Internet.
Tháng 4/2011: trong giai đoạn thị phần sa sút và xu hướng người dùng bắt đầu bị lôi cuốn bởi cơ chế ra mắt phiên bản mới liên tục của Google Chrome, Mozilla bắt đầu triển khai một cơ chế tương tự mang tên "Rapid Release" (Phát hành nhanh). Theo đó, Mozilla sẽ cho ra mắt một phiên bản Firefox mới theo định kì sáu tuần. Song song đó, người dùng vẫn có thể tải các phiên bản thử nghiệm "Nightly" hay "Aurora" (phiên bản ổn định hơn Nightly) và "Beta" là phiên bản ra mắt trước bản hoàn thiện.
Ngày 26/7/2012: tổng lượt tải tiện ích mở rộng (add-on) đã vượt qua con số 3 tỉ. Đáng chú ý hơn, Firefox có đến hơn 17.000 người dùng tham gia tạo add-on.
Ngày nay, Firefox đã có hơn 450 triệu người dùng, hỗ trợ 75 ngôn ngữ. Khoảng 40% mã nguồn Firefox tiếp tục được phát triển từ công sức đóng góp của các tình nguyện viên. Tuy tạm thời bị Chrome giành mất vị trí thứ hai, nhưng cộng đồng phát triển và sử dụng Firefox tiếp tục tích cực ủng hộ dự án hoàn toàn mở và miễn phí này. Hi vọng "cáo lửa" sẽ chạy nhanh hơn, ngốn tài nguyên ít hơn và ra mắt nhiều tính năng hơn nữa.
Theo TTCN.