HotelHoangMinh
New Member
10 sự kiện an toàn thông tin Việt Nam 2009
Sáng ngày 24/11, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) công bố danh sách 10 sự kiện an toàn thông tin nổi bật tại Việt Nam trong năm 2009.
Dưới đây là 10 sự kiện được công bố:
1. Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thành Dự thảo Quy hoạch An toàn thông tin quốc gia, được coi là kim chỉ nam vạch đường lối, bước đi rõ ràng trong hoạt động an toàn thông tin. Ngoài khối cơ quan Nhà nước, đối tượng dự thảo còn có các doanh nghiệp, các tổ chức ngoài xã hội.
2. Các website Chính phủ của Mỹ, Hàn Quốc bị tấn công và phát sinh tranh luận trong nội bộ giới an toàn thông tin ở Việt Nam về các nguyên tắc ứng xử khi hợp tác với quốc tế phòng, chống tội phạm mạng.
3. Gia tăng mạnh các vụ tấn công tin học nhằm vào ngân hàng, thị trường chứng khoán. Do tính chất đặc thù, hầu hết các sự kiện không được công khai. Tuy nhiên, VNISA cảnh báo, đây là biểu hiện cho xu hướng mới, các hoạt động tấn công tin học không chủ đích giảm bớt và thay vào đó là các cuộc tấn công có chủ đích, có mục tiêu rõ ràng.
4. Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép cho cơ quan chứng thực số đầu tiên, thuộc Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Tuy số lượng còn hạn chế nhưng sự kiện tiêu biểu cho trào lưu được Bộ Thông tin - Truyền thông khởi xướng, thúc đẩy nhằm đảo bảo môi trường tin cậy trong hoạt động giao dịch qua mạng.
5. Một số mạng thuộc Chính phủ Việt Nam bị mạng gián điệp quốc tế Ghostnet xâm nhập và đánh cắp thông tin. Điều này cho thấy Việt Nam không nằm ngoài mục tiêu tấn công, nhòm ngó của các thế lực tội phạm mạng toàn cầu.
6. Ba doanh nghiệp viễn thông Vinaphone, Viettel, Mobifone được cấp giấy phép triển khai dịch vụ di động băng thông rộng 3G. Ước tính, dịch vụ này sẽ thu hút sự tham gia của khoảng 60 triệu thuê bao, hình thành một mạng liên kết mới, khổng lồ có những vấn đề về an toàn thông tin tương đương dịch vụ internet cố định nhưng đang bị bỏ ngỏ hoàn toàn.
7. Năm 2009 ghi nhận sự xuất hiện của các hành động cụ thể vi phạm an toàn thông tin trên mạng di động. Điển hình là việc một công ty rao bán phần mềm gián điệp, nghe lén và đánh cắp tin nhắn trên điện thoại di động trong TP. HCM.
8. Các nhà sản xuất phần mềm Việt Nam như Bkis, CMC ra mắt các phiên bản diệt virus chuyên nghiệp, có tính phí. VNISA đánh giá, đây là sự kiện đáng mừng, có thể coi là khởi đầu ngành công nghiệp an toàn thông tin ở Việt Nam.
9. Việt Nam tích cực tham gia hợp tác quốc tế trong nhiều vấn đề an ninh mạng. Thực tế cho thấy, các quốc gia lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc khó chống đỡ lại các cuộc tấn công khủng bố mạng nếu không có sự hợp tác đến từ các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
10. Các thành viên VNISA đánh giá, xu hướng tiếp cận an toàn thông tin có hệ thống đang gia tăng. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp tiếp cận vấn đề theo tiêu chuẩn quốc tế, từ việc đánh giá rủi ro, đề ra quy chế chặt chẽ, có kiểm tra, kiểm soát, áp dụng kỹ thuật thực thi chính sách an toàn thông tin.
Theo VnMedia