Cách chọn mua thiết bị phát sóng Wi-Fi để không phí tiền
Thiết bị phát sóng Wi-Fi có nhiều loại và tính năng tích hợp. Ảnh:
Flyleaf.
Nếu mua nhầm thiết bị gắn kèm cả modem trong khi nhà đã có modem ADSL, bạn sẽ bỏ phí vài trăm nghìn.
Chọn chuẩn nào?
Wi-Fi hiện có các chuẩn 802.11 a/b/g và 802.11n là mới nhất. Trong khi các chuẩn cũ chỉ có tốc độ 54 megabit/giây, 802.11n đạt hơn 100 megabit/giây. Dù đến năm 2010, 802.11n mới chính thức được phê duyệt, các sản phẩm dùng chuẩn này (thực chất là theo "dự thảo" chuẩn) sẽ không thay đổi nhiều. Hơn nữa, các router 802.11n có khả năng tương thích ngược với thiết bị dùng chuẩn cũ, chỉ cần người dùng cài đặt vài bước.
Nếu các thiết bị kết nối không dây trong nhà như laptop, điện thoại... đều dùng chuẩn a/b/g và bạn không có ý định mua cái mới thì có thể dùng router theo chuẩn cũ, bởi nếu router 802.11n đi với thiết bị a/b/g thì không phát huy tác dụng. Có lẽ, đến khi bạn đủ tiền mua thiết bị theo chuẩn 802.11n thì giá router tương ứng đã giảm nhiều. Hiện giá router theo chuẩn này là hơn 1 triệu đồng, tùy theo tính năng phụ thêm.
Chọn thiết bị phát sóng Wi-Fi nào?
Có nhiều model bề ngoài trông khá giống nhau, nhất là cùng của một hãng.
Tuy nhiên, chúng được phân ra thành 3 loại là Access Point, Wireless Router và Wireless Modem.
Trong đó, Access Point (chỉ có cổng cắm LAN) không cấp phát địa chỉ IP, cắm vào là dùng được luôn. Nhược điểm của thiết bị này là bảo mật kém và chỉ nên dùng khi đặt trong một mạng an toàn có sẵn tường lửa, router...
Wireless Router (thêm cổng cắm ghi rõ chữ WAN) có khả năng bảo mật tốt hơn, cấp phát IP động, vừa làm nhiệm vụ kết nối không dây, vừa kết nối các máy không có adapter wireless với Internet như máy tính để bàn thông thường. Wireless Modem (có thêm lỗ nhỏ DSL-Line) là thiết bị tiện dụng nhất với những người chuẩn bị lắp mạng mà chưa có modem riêng biệt vì ngoài chức năng của Wireless Router, nó còn đóng vai trò của một modem.
Giá của 3 thiết bị này chênh nhau vài trăm nghìn đồng, tùy theo hãng. Ví dụ hãng TP-Link, Tenda, D-Link, loại 802.11a/b/g Access Point hơn 300.000 đồng, Wireless Router hơn 600.000 đồng, Wireless Modem hơn 800.000 đồng. Sản phẩm cùng loại của Linksys giá cao hơn một chút và có chất lượng tốt hơn. Ngoài ra còn có nhiều hãng khác như 3com, Belkin, Zyxel...
Có nên chọn router 2 băng tần?
Các router này chia luồng truy cập trên 2 dải tần không dây là 2,4 GHz và 5 GHz. Về cơ bản, sự sắp xếp này mở thêm đường liên lạc để mạng có thể xử lý thêm nhiều dữ liệu trong cùng một lúc với tốc độ nhanh hơn.
Nhiều router như Linksys Simultaneous Dual-N Band Wireless Router (WRT610N) có thể chia luồng truy cập trên 2 SSID (mã hiệu mạng), giúp người dùng đưa các thiết bị theo chuẩn 802.11b (chậm hơn, mức bảo mật thấp hơn) vào "cao tốc" này. Các router khác như
Netgear Rangemax Dual Band Wireless-N Gigabit Router (WNDR3700) hỗ trợ tách biệt luồng truy cập trên 2 mạng không dây.
Giá của router loại này hiện ở mức trên 100 USD.
Các lựa chọn khác trên router
Một số mẫu router còn đưa thêm những chi tiết kỹ thuật vào để phục vụ các đối tượng có nhu cầu, ví dụ thêm cổng USB để người dùng cắm máy in, ổ cứng di động... vào mạng.
Nếu tầm phủ sóng là quan trọng đối với bạn, hãy chọn router có thêm nhiều cổng ăng-ten vì có thể phạm vi phủ sóng trên quảng cáo không đúng như thực tế. Có thể mua thêm Access Point bên cạnh một router bảo mật tốt để làm điều này.
Theo VNExpress