Dùng băng tần UHF cho băng rộng di động: Có khả thi?
Việt Nam có thể chủ động dùng băng tần UHF cho phát triển băng rộng di động để thuyết phục các quốc gia khác trong khu vực cùng tham gia, tạo sự hòa hợp băng tần.
Ông Roberto Ercole, Giám đốc Chính sách Băng tần của GSMA.
Hiệp hội GSM (GSMA), trong cuộc Hội thảo về lợi ích số hóa truyền hình và tương lai di động băng rộng tại Việt Nam diễn ra cách đây hai tuần tại Hà Nội, đã khuyến nghị khu vực châu Á – Thái Bình Dương dành băng tần UHF 700 MHz (từ 698 – 806MHz) cho di động băng rộng.
Trong trao đổi nhanh với phóng viên ICTnews, ông Roberto Ercole, Giám đốc Chính sách Băng tần của GSMA cho biết Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) đã xác nhận băng tần UHF dưới 1GHz là một trong những băng tần sử dụng cho mạng 4G trong tương lai. Tuy nhiên, các nhóm chuyên gia cần phải tiếp tục thảo luận để theo dõi sự hòa hợp trong sử dụng băng tần này giữa các khu vực.
Cũng xin nói rõ thêm là 4G có hai khúc băng tần: Một khúc băng tần cao dành cho những khu vực đô thị trung tâm, các thành phố và một khúc băng tần thấp dành cho khu vực nông thôn. Băng tần UHF nêu trên, mà chúng tôi gọi là chọn lựa “2 x 50MHz”, sẽ dành cho khu vực nông thôn.
Diễn đàn Vô tuyến của Cộng đồng Viễn thông Châu Á – Thái Bình Dương (AWF) vừa qua cũng đã chính thức xác nhận rằng chọn lựa “2 x 50MHz” là phù hợp nhất đối với các quốc gia trong khu vực châu Á.
Tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác, băng tần UHF đang được sử dụng cho phát sóng truyền hình. Như vậy, nếu sử dụng băng tần này cho di động băng rộng thì sẽ ảnh hưởng đến quá trình số hóa truyền hình như thế nào và Chính phủ cần làm gì để giải quyết vấn đề này, thưa ông?
Số hóa truyền hình là xu hướng tất yếu và không phụ thuộc vào việc có 4G hay không. Khi các chính phủ triển khai số hóa truyền hình thì họ sẽ không còn cần quá nhiều tần số như trước kia và như thế họ sẽ còn dư lại khá nhiều tần số rất có giá trị cho quốc gia để phát triển. Chúng tôi kiến nghị các chính phủ hãy nghiên cứu thật kỹ để dành tần số phục vụ cho băng rộng di động, đồng thời mỗi quốc gia cũng nghiên cứu mô hình, kế hoạch hành động của các quốc gia khá để rút ra những kinh nghiệm và tiến đến việc hòa hợp (về tần số) với nhau.
Tuy nhiên, thách thức chung của nhiều quốc gia trong vấn đề này là việc thuyết phục ngành phát thanh truyền hình nhường lại một phần băng tần UHF cho ngành viễn thông để phát triển băng rộng di động, cũng như xác định bao nhiều phần tần số có thể chuyển giao, cũng như tổng phí tổn để thực hiện việc chuyển đổi này.
Trong khu vực, hiện nay Việt Nam đang có vị thế quốc tế quan trọng và có thể ảnh hưởng đến các quốc gia khác, đặc biệt là trong lĩnh vực viễn thông, lĩnh vực mà Việt Nam có tốc độ phát triển rất ấn tượng cũng như ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ đến những chủ trương, chiến lược phát triển viễn thông trong khu vực.
Do đó, Việt Nam nên chủ động đưa ra những ý kiến của mình trong việc sử dụng băng tần UHF cho phát triển di động băng rộng và bảo vệ ý kiến đó, để các quốc gia trong khu vực cùng chia sẻ và hòa hợp trong việc sử dụng băng tần, hơn là việc khu vực này chờ đợi để theo các chuẩn sử dụng băng tần của Mỹ hay châu Âu.
GSMA nhấn mạnh những lợi ích và hiệu quả của việc sử dụng băng tần dưới 1GHz cho di động băng rộng. Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến băn khoăn về tính hiệu quả đó, mà thể hiện rõ nhất là qua sự phát triển không thành công của CDMA 450MHz tại Việt Nam thời gian qua. Ông đánh giá ra sao về những tác động tiêu cực của việc dùng băng tần thấp cho phát triển băng rộng di động?
Chúng tôi khẳng định băng tần càng thấp sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, vấn đề hiệu quả ở đây còn tùy thuộc vào tính quy mô kinh tế trên toàn cầu của việc sử dụng một băng tần cụ thể. CDMA 450MHz là một băng tần rất hẹp và cũng rất ít thị trường sử dụng, do đó quy mô phát triển của nó không thể đạt đến ngưỡng đem lại hiệu quả, và chi phí đầu tư cũng như giá thiết bị khá cao. Còn trong trường hợp này (sử dụng băng tần UHF – PV), các quốc gia như Mỹ, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Ấn Độ… đã đầu tư rất lớn cho việc phát triển băng tần này dành cho di động băng rộng. Rõ ràng, quy mô kinh tế của việc sử dụng tần số mà chúng tôi khuyến nghị đã đạt đến ngưỡng phát huy hiệu quả kinh tế.
Ngoài mong muốn Việt Nam đi đầu trong việc thuyết phục các quốc gia trong khu vực sử dụng hòa hợp băng tần đề xuất, GSMA còn mong muốn gì ở Chính phủ Việt Nam hơn nữa?
Chúng tôi đến đây không nhằm mục đích đề nghị Chính phủ Việt Nam làm gì cho mình, mà ngược lại chúng tôi mong muốn có cơ hội để hỗ trợ cho các cơ quan Chính phủ, đặc biệt là Bộ TT&TT, bất kỳ những gì mà chúng tôi có thể làm.
Chẳng hạn, nếu Chính phủ Việt Nam cần GSMA hỗ trợ và hợp tác để thực hiện những nghiên cứu về hiệu quả kinh tế và phương thức làm sao tận dụng băng tần này cho hiệu quả nhất thì chúng tôi sẽ thực hiện những nghiên cứu đó để hỗ trợ Chính phủ. Những nghiên cứu được thực hiện một cách khoa học, chu đáo giúp các chính phủ có được cái nhìn rõ ràng về tính hiệu quả để chúng ta có được sự hòa hợp trong việc sử dụng băng tần này. Điều đó sẽ đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho Việt nam cũng như các quốc gia khác.
Ông thừa nhận rằng việc làm thế nào để hòa hợp trong việc sử dụng băng tần UHF dưới 1GHz trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương là vấn đề lớn hiện nay. Vậy ông có tiên liệu gì về mức độ thành công trong việc thuyết phục các quốc gia trong khu vực hòa hợp sử dụng băng tần này?
Chúng tôi rất hy vọng mức độ thành công cao trong việc thuyết phục các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương cùng hòa hợp trong việc sử dụng băng tần UHF dưới 1GHz cho di động băng rộng. Một lần nữa tôi xin nhấn mạnh rằng GSMA, cũng như bất kỳ quốc gia nào bên ngoài khu vực, không thể quyết định được gì trong vấn đề này ngoại trừ chính các quốc gia trong khu vực phải có tiếng nói quyết định.
Điều đáng mừng là qua những phiên họp hay những lần sinh hoạt với các cơ quan có thẩm quyền trong khu vực, chúng tôi nhận thấy nhiều quốc gia đã đồng ý với nhau trong việc đưa ra một quy chuẩn chung cho vấn đề phát triển băng rộng di động này để đảm bảo lợi ích kinh tế chung cho khu vực.
Cảm ơn ông!
Theo ICTNews